Cậu bé 7 năm bị nhốt trong cũi gỗ

26/01/2012 00:36 GMT+7

Nhà quá nghèo, người mẹ không còn cách nào khác là nhốt đứa con bệnh tật vào cũi gỗ, đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh suốt 7 năm qua...

Nhà quá nghèo, người mẹ không còn cách nào khác là nhốt đứa con bệnh tật vào cũi gỗ, đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh suốt 7 năm qua...

Người mẹ bất hạnh

Khi chúng tôi gõ cửa nhà chị Dương Thị Huệ, (trú tổ 62, khối Hòa Phú 5, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) thì không ai ra mở cửa. Chị hàng xóm bảo: "Chắc là nó bế con đi bệnh viện rồi!". Chờ một lúc sau, chị Huệ về, tay ôm nách thằng bé con dặt dẹo, đầu cứ liên tục lắc như quả xúc xắc không chịu ngừng. Chị vội vã mở cửa, đặt cậu bé vào chiếc cũi lớn, rồi chạy đi rót nước mời khách, miệng giải thích: "Nó bị sốt, phải ra viện để khám xin thuốc!".

Trong căn nhà được TP.Đà Nẵng cấp cách đây 4 năm dành cho đối tượng phụ nữ nghèo, neo đơn - trống tuềnh toàng không có một vật giá trị gì ngoài bộ salon gỗ người ta bỏ, chị xin về và chiếc cũi gỗ là nơi chị thường bỏ con vào mỗi khi đi làm. Chị nói giọng nấc cụt, líu ríu, tiếng được tiếng mất. Chị cũng là một bệnh nhân thường xuyên của Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.

 
Mẹ con chị Huệ - Ảnh: Diệu Hiền

Con chị sinh ra chưa hề biết mặt cha. Ngày chị vô bệnh viện đẻ nó, thì cũng là ngày người đàn ông đó đi biền biệt. Chị đành đặt tên con theo họ mình - Dương Bình An, với mong muốn cuộc đời nó được yên bình. Thế nhưng, càng lớn cơ thể Bình An càng quèo quặt, không đứng, không nói năng, suốt ngày bị chứng giật kinh phong, sùi bọt mép. Một mình với đủ thứ bệnh tật, xoay xở nuôi mình đã khó, giờ thêm đứa con cứ năm ba hôm là phải nhập viện, khó khăn chồng chất. Chị nhiều lần tính gửi con vào các làng trẻ em bất hạnh, nhưng không mấy nơi chịu nhận, phần vì thương nhớ con, chị cũng không đành.

Chị Trịnh Thị Hồng, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khối Hòa Phú 2 cho hay, ai cũng thương hoàn cảnh của chị Huệ, nhưng chỉ biết giúp đỡ tinh thần, bởi ai cũng nghèo khó. Thỉnh thoảng có suất quà cho người nghèo, cũng ưu tiên cho mẹ con chị Huệ, nhưng không thấm vào đâu.

7 năm mặc bỉm, nhốt cũi gỗ

Hằng ngày, chị đặt con vào trong cũi gỗ, khóa lại rồi đi làm thuê. Suốt 7 năm trời, thằng bé không rời chiếc cũi gỗ và trong người luôn mặc bỉm mỗi khi mẹ vắng nhà. "Phải như nó biết tự ăn, tự uống sữa thì cũng đỡ. Nhiều hôm ham việc, làm thêm chút là con đói meo, thấy mà thương không cầm lòng được!", chị  nghẹn giọng.

Thấy chị khù khờ nên tiền công người ta trả cho chị cũng rẻ mạt, chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/ngày. Có lần chị đi phụ bán trái cây từ 4 giờ chiều đến 1 giờ sáng, người ta trả có 25.000đ. Cầm tiền về nhà, nhìn đứa con vẫy vùng trong chiếc cũi gỗ, đói vật mà rơi nước mắt. Hôm sau Bình An lại lên cơn co giật, chị cuống cuồng mang con ra bệnh viện, tiền trong tay không đủ để mua sữa cho con uống chứ đừng nói đến tiền thuốc. Cậu bé Bình An mặt mày sáng sủa, nhưng đi lại không được, bệnh tật nhưng không được chạy chữa nên ngày càng nghiêm trọng, những cơn co giật đến càng thường xuyên hơn. "Tui mơ có chút tiền đưa con đi chữa trị, nhận biết xung quanh, rồi tự xoay xở mỗi khi tui vắng nhà, để tui đi làm thuê kiếm tiền, thì chắc cũng đủ cơm canh qua ngày. Chớ như chừ khó quá! Mấy chị trong xóm nói suốt ngày nhốt con trong cũi cũng là có tội với con đó chớ, nhưng ở nhà ôm miết thì 2 mẹ con cũng chết đói!", chị lén cúi xuống, lau nước mắt xót xa...

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.