Chào Nhâm Thìn 2012

22/01/2012 22:09 GMT+7

(TNO) Pháo hoa đã rực rỡ bầu trời Việt Nam vào đúng thời khắc giao thừa, thời điểm thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Phố xá tấp nập, nhộn nhịp dòng người du xuân. Cả nước đang hòa chung trong niềm vui đón năm mới, Xuân Nhâm Thìn 2012.


Pháo hoa sáng rực trên sông Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hà Nội: Rộn ràng thời khắc giao thừa

Thời khắc giao thừa đã điểm. Tại bờ hồ Hoàn Kiếm, hàng ngàn người đã tập trung cách đó hàng tiếng đồng hồ để chờ đón giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Với nhiệt độ trên 10 độ C kèm mưa phùn và cái lạnh se sắt, hàng ngàn người chen nhau để chọn được vị trí đẹp ngắm pháo hoa. Ai cũng hào hứng, phấn khởi.

Xung quanh bờ hồ, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn đèn màu, những ánh mắt lấp lánh, đầy xúc cảm trong thời khắc thiêng liêng càng khiến cho lòng người thêm rộn ràng khi đón một mùa xuân mới.

Cảm xúc chợt bùng nổ, rồi vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng khi những chùm pháo hoa rực rỡ đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên nền trời mưa phùn giăng mắc. Tất cả cùng đứng dậy, reo hò, thầm nguyện cầu một năm mới an bình, thái hòa cho gia đình, người thân, bạn bè…

Tại một số điểm bắn pháo hoa ở ngoại thành như tượng đài tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội), sau màn biểu diễn ca nhạc chào xuân, đúng 0 giờ, màn bắn pháo hoa cũng khiến cho người xem vỡ òa cảm xúc.

Dù không phải là pháo tầm cao, nhưng ánh sáng lung linh của những bông pháo cũng khiến cho cảm xúc mùa xuân thêm thấm đượm. (Lê Quân)

 
Hàng ngàn người chen chân để được xem pháo hoa - Ảnh Ngọc Thắng


Nhiều người đưa cả con nhỏ đi xem, bất chấp tiết trời rét buốt - Ảnh Ngọc Thắng

 
Trong đám đông đứng xem pháo hoa năm mới, có nhiều du khách nước ngoài - Ảnh Lê Quân


Cả gia đình cùng ngước nhìn pháo hoa, chào đón thời khắc thiêng liêng - Ảnh Lê Quân

 

 
Những bông pháo sáng rực rỡ trên bầu trời - Ảnh Ngọc Thắng

 
Đám đông giãn ra khi 15 phút bắn pháo hoa mừng giao thừa kết thúc - Ảnh Lê Quân

 
Các cung đường xung quanh bờ hồ tắc nghẽn - Ảnh Ngọc Thắng

 
Du khách nước ngoài đón năm mới tại Việt Nam - Ảnh Ngọc Thắng

 
Nhiều người vào đền Ngọc Sơn làm lễ - Ảnh Lê Quân

 
Dịch vụ ăn theo được dịp hốt bạc - Ảnh Lê Quân

Phú Quốc: Rực sáng cửa biển Dinh Cậu

Như thường lệ, năm nay lễ hội giao thừa tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang tiếp tục tổ chức tại Công viên Bạch Đằng (ngay cầu cảng Dương Đông) kéo dài đến Chợ đêm Dinh Cậu về phía tây.

Tuy lễ hội giao thừa bắt đầu từ 20 giờ, nhưng mới hơn 18 giờ dòng người đã kéo về rất đông để tìm chỗ xem chương trình văn nghệ tổng hợp do các nghệ sĩ TP.HCM và địa phương thực hiện.

Đến 22 giờ, sau lời chúc tết của bí thư, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc là màn bắn pháo hoa kéo dài 20 phút, từ 22 giờ đến 22 giờ 20 phút.

Màn bắn phao hoa vừa kết thúc, toàn bộ tàu thuyền đậu trên sông Dương Đông đã kéo còi và bật điện sáng cả dòng sông. (Giang Sơn)


Người dân chờ xem bắn pháo hoa - Ảnh Giang Sơn


Bắn pháo hoa tại mũi xóm Cồn - Ảnh Giang Sơn

Pháo hoa sáng rực bầu trời Đà Nẵng

Dù đã quá quen với những đại tiệc pháo hoa của các quốc gia trên thế giới qua 4 cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, nhưng người dân TP.Đà Nẵng vẫn chờ màn trình diễn pháo hoa trong đêm giao thừa với cảm xúc đặc biệt.

Khác với cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tập trung tại cảng Đà Nẵng, pháo hoa trong đêm giao thừa tỏa khắp 4 điểm ven sông Hàn giúp người dân ở bất kỳ vị trí nào gần sông Hàn đều được thưởng lãm.

Ngay sau khi đoàn tàu tại Cảng Đà Nẵng kéo hồi còi báo hiệu thời khắc giao thừa, trung tâm chỉ huy pháo hoa ở điểm bắn số 2 trên đường Trần Hưng Đạo, P.An Hải Bắc phát lệnh khai hỏa đầu tiên, 3 điểm bắn còn lại cũng lần lượt hưởng ứng.

Nếu điểm bắn số 3 (giao lộ Bạch Đằng - Lê Hồng Phong), chiếm lĩnh bầu trời với đa số pháo tầm cao, thì điểm số 1 và số 4 tập trung ở tầm trung để tạo hình pháo hoa trái tim, pháo sáng, lốc xoáy, sao chổi…

Điểm bắn số 2 tạo điểm nhấn bởi số lượng pháo dày và thời lượng bắn lâu hơn hẳn những điểm còn lại.

Tuy không hoành tráng như cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, nhưng theo nhiều người dân, pháo hoa trong đêm giao thừa vẫn rất đặc biệt. (Nguyễn Tú)


Màn khai pháo rực rỡ sắc màu bừng sáng sông Hàn - Ảnh Nguyễn Tú

Điểm bắn số 3 (bên trái) chiếm lĩnh tầng cao trong khi điểm số 2 (bên phải) có mật độ pháo dày đặc - Ảnh Nguyễn Tú

 
Pháo sáng đa sắc - Ảnh Nguyễn Tú


Những bông hoa ánh sáng - Ảnh Nguyễn Tú

 
Thắp sáng bầu trời đêm - Ảnh Nguyễn Tú


Màn kết thúc trình diễn pháo hoa trong đêm giao thừa - Ảnh Nguyễn Tú

Giao thừa giữa rừng U Minh

Từ 23 giờ, từng dòng người đổ về thị trấn U Minh (H.U Minh, Cà Mau) để xem bắn pháo hoa cứng các ngả đường. Không khí xuân tràn ngập khắp nơi.

Tại U Minh, nhiều người dân đi xem bắn pháo hoa bằng vỏ lãi. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáng và chị Đinh Thu Xuân, ngụ xã Khán Thuận, chia sẻ: “Đây lần đầu chúng tôi được xem bắn phao hoa, đẹp quá!”.

23 giờ 30 phút, những trục đường chính ở thị trấn vùng rừng U Minh ken cứng người.

0 giờ, tiếng reo hò của người dân U Minh đón chào năm mới cùng với những chùm pháo hoa đầu tiên được bắn lên bầu trời.

Năm nay tỉnh Cà Mau có 6 điểm bắn pháo hoa là TP.Cà Mau và các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, U Minh. (Gia Bách)


Ngồi chờ đến giờ xem pháo hoa - Ảnh G.Bách


Do địa điểm bắn pháo hoa là trên cầu nên nhiều thanh niên chọn điểm xem là dưới… sông - Ảnh G.Bách


Ghi lại hình ảnh đẹp của pháo hoa - Ảnh G.Bách


Dòng người đổ về thị trấn U Minh xem bắn pháo hoa - Ảnh G.Bách


Dịch vụ đò dọc có mặt kịp thời đưa khách ra sông xem bắn pháo hoa - Ảnh G.Bách


Pháo hoa đêm giao thừa ở xứ rừng U Minh - Ảnh G.Bách

TP.Huế: Giao thừa trở lạnh

Sau 4 ngày nắng vàng như món quà của trời đất ưu ái dành cho mọi gia đình, chiều cuối cùng của năm Tân Mão ở Huế trời bỗng đổ mưa xuân và trở lạnh. Thời tiết mưa phùn khiến lượng người đổ ra đường chào đón năm mới giảm hẳn. Thay vào đó, nhiều người lựa chọn ở nhà quây quần bên mâm cổ giao thừa.

Theo truyền thống, người Huế cúng giao thừa là cúng Hành khiến đại vương, vị thần linh có trách nhiệm điều khiển thời gian, chuyển giao năm cũ và chào đón năm mới.

Từ 17 - 18 giờ ngày 29 tết, chợ hoa đã bán sạch những chậu hoa cuối. Người trồng hoa vui vì bán được những chậu hoa đẫm mồ hôi ươm trồng suốt mùa đông. Người mua hoa thì tranh thủ chen nhau kiếm vài chậu hoa ưng ý để tô điểm thêm hương sắc cho gia đình những ngày xuân.

Khác với mọi năm chương trình văn nghệ tổng hợp chào đón giao thừa của Huế diễn ra bên dòng sông Hương, năm nay, chương trình đã diễn ra ở Quảng trường Ngọ Môn, hướng ra Kỳ đài Huế. Chương trình quy tụ các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc do các nghệ sĩ diễn viên của các đoàn nghệ thuật cố đô Huế thể hiện, với âm hưởng truyền thống nhưng vẫn trẻ trung rộn ràng tươi vui.

Năm nay, ngoài người dân tại TP.Huế, người dân thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc) ở phía nam tỉnh, cũng đã hân hoan vì lần đầu tiên được chứng kiến những màn pháo hoa lung linh thắp sáng trên nền trời.

Sau giao thừa đêm nay, bắt đầu tư ngày mai, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí tất cả các điểm tham quan thuộc quần thể di tích cố đô Huế để phục vụ nhân dân và du khách trong 3 ngày. (Bùi Ngọc Long)


Tranh thủ kiếm những chậu hoa ưng ý trước khi chợ hoa bế mạc - Ảnh B.N.L


Người Huế bày lễ vật cúng giao thừa, cầu cho năm mới bình an - Ảnh B.N.L

Bình Thuận: Hàng chục ngàn người xem bắn pháo hoa bên sông Cà Ty

23 giờ, tất cả các ngả đường dẫn đến hai bên bờ sông Cà Ty (Bình Thuận) đều tắc nghẽn.

Hàng chục ngàn người dân TP.Phan Thiết và các xã vùng ven lân cận thuộc hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam cùng đổ xô về đây để xem pháo hoa đêm giao thừa.

Các bãi giữ xe nơi đây mọc lên san sát với giá 10.000 đồng/xe nhưng vẫn không còn chỗ gửi.


Pháo hoa sáng rực bầu trời Phan Thiết - Ảnh Quế Hà

Không chỉ có người dân địa phương, mà còn có hàng ngàn du khách đang nghỉ tại các resort của Mũi Né cũng tham dự thưởng ngoạn tết Việt.

Đúng thời khắc giao thừa, tiếng còi trên tháp nước vườn hoa Phan Thiết hú lên, tiếng pháo hoa nổ sáng rực cả dòng sông Cà Ty, làm những người có mặt đều phấn khởi.

Năm nay, Bình Thuận có đến 10 địa điểm thuộc chín huyện thị, thành phố tổ chức bắn pháo hoa. (Quế Hà)

Lộng lẫy Hội đèn lồng ở Hội An

Tối 22.1, Hội đèn lồng TP.Hội An lần 4 chào xuân Nhâm Thìn 2012 chính thức khai mạc.

Hơn 60 chiếc đèn lồng và các cụm đèn sáng lung linh bên sông Hoài. Không chỉ có không gian huyền ảo của Hội thi đèn lồng, vườn tượng An Hội còn nhộn nhịp với trò chơi Bài chòi cùng dãy trưng bày câu đối xuân.

Gần đó, quảng trường sông Hoài cũng mở cửa đón du khách tham quan, thưởng lãm hơn 200 tác phẩm nghệ thuật hoa viên và các trò chơi dân gian, hiện đại dành cho trẻ em.

Cùng với Hội đèn lồng là liên hoan các ban nhạc và chương trình đón giao thừa tại Vườn tượng An Hội.

Đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, tất cả các chùa, di tích trên địa bàn đồng loạt gióng hồi trống báo hiệu.

Được biết, quảng trường sông Hoài là nơi bắn loạt pháo hoa khai hỏa chào mừng năm mới xuân Nhâm Thìn.

Pháo hoa giao thừa chào xuân còn thắp sáng tại Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An.

Chung hội giao thừa với người dân Hội An còn có hơn 6.000 du khách đăng ký lưu trú tại phố cổ dịp này, trong đó 40% là du khách quốc tế. (Nguyễn Tú)


Hội An mở Hội đèn lồng đón giao thừa - Ảnh Nguyễn Tú

Đường phố rực rỡ sắc màu - Ảnh Nguyễn Tú

Du khách thả hoa đăng trên sông Hoài - Ảnh Nguyễn Tú
 
Cầu An Hội hóa thành đôi rồng tranh châu bằng đèn lồng - Ảnh Nguyễn Tú
 
Tác phẩm "Truyền thuyết anh hùng" (bên phải) rực sáng trong đêm - Ảnh Nguyễn Tú
 
Tác phẩm "Mơ ước Hội An" - Ảnh Nguyễn Tú
 
Tác phẩm Hồi sinh của Võ Lệ Quyên - Ảnh Nguyễn Tú

Tác phẩm Truyền thống hương quê của cơ sở đèn lồng Hà Linh - Ảnh Nguyễn Tú

Tác phẩm Nét cổ hoài phố - Ảnh Nguyễn Tú

Đèn lồng Ngư động hóa long tại UBND P.Minh An - Ảnh Nguyễn Tú

TP.HCM: Đường hoa không còn chỗ chen chân

22 giờ tối 29 tết, dòng người nườm nượp đổ về khu vực trung tâm TP.HCM rất đông. Các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi được giăng đèn kết hoa rực rỡ.

Địa điểm vui xuân chính của người dân Sài thành vẫn là đường hoa Nguyễn Huệ.

Cùng gia đình du xuân đường hoa ngay đêm giao thừa, chị Mai Hồng Thanh (nhà ở đường 3 tháng 2, Q.10, TP.HCM), háo hức: "Cả nhà đã cố gắng chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa từ sớm để tối có thể đi chiêm ngưỡng, chụp hình đường hoa. Mọi năm nhà mình vẫn đón giao thừa ở nhà, năm nay đổi cảm giác đón giao thừa và xem bắn pháo bông cùng mọi người ở bên ngoài".


Dòng người đổ về khu vực trung tâm TP.HCM để đón năm mới càng gần đến thời khắc giao thừa càng đông - Ảnh: Nguyên Mi


Các bạn trẻ dập dìu du xuân - Ảnh: Nguyên Mi 


Làm duyên chụp hình ngày tết - Ảnh: Nguyên Mi


Nhiều em nhỏ háo hức được ba mẹ chở đi đón giao thừa tại đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Nguyên Mi


Không chỉ được ngắm hoa, các em còn được chơi nhiều trò chơi dân gian - Ảnh: Nguyên Mi

 
Háo hức đón chờ thời khắc giao thừa - Ảnh: Nguyên Mi

"Năm con rồng vốn tượng trưng cho nhiều may mắn, thành công và thịnh vượng. Tôi hi vọng trong năm mới cả nước sẽ có nhiều phát triển mạnh mẽ hơn và mọi người sung túc, hạnh phúc hơn, chứng tỏ truyền thống "con rồng cháu tiên", anh Phạm Thế Anh, nhà ở đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, ước vọng cho năm mới.

Trong khi đó, tuyến đường Lê Duẩn đến 21 giờ đã được chặn xe để chuẩn bị sân khấu cho chương trình văn nghệ đón giao thừa Nhâm Thìn diễn ra tối nay.

Đúng 0 giờ, TP.HCM sẽ đồng loạt bắn pháo hoa tại sáu điểm, trong đó có hai điểm bắn tầm cao là đầu hầm Thủ Thiêm (Q.2) và Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11) và một số quận, huyện bắn tầm thấp. (Viên An)

Hà Nội: Chiều cuối năm vắng lặng

Chiều 29 tết, các tuyến phố ở Hà Nội thưa vắng người và xe cộ, các cửa hàng phần lớn đã đóng cửa chuẩn bị đón năm mới.

Tại tuyến Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh…, chỉ lác đác có một vài cửa hàng còn mở cửa là các điểm bán quần áo, giày dép, hàng tạp hóa.

Bên cạnh đó, cây xăng cũng là một trong những điểm duy nhất đông khách tại Hà Nội trong chiều cuối năm.

Thủ đô náo nhiệt hằng ngày đã nhường chỗ cho một thủ đô nhỏ yên ắng, bình yên trước giao thừa. (Lê Quân)


Đường phố Hà Nội phong quang, sạch đẹp hơn trong chiều 29 tết - Ảnh Lê Quân


Phố xá ngập màu đỏ của cờ, hoa - Ảnh Lê Quân


Khách nước ngoài dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm, chờ thời khắc giao thừa - Ảnh Lê Quân

Thanh Hóa: Đón xuân kèm "mưa lộc"

Trong suốt hai ngày 21 - 22.1 (28 và 29 tết), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mưa xuân đậm hạt kéo dài. Theo quan niệm dân gian, mưa xuân trong đêm giao thừa là điềm lành cho năm mới… Đó là niềm vui cho người dân xứ Thanh để bước vào năm con rồng.

Những hình ảnh tất bật chờ tết từ chiều ngày giao thừa được chúng tôi ghi lại trong ngày cuối năm Tân Mão. (Ngọc Minh)

 
Hoa trạng nguyên màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt nên rất được nhiều gia đình mua về chơi tết - Ảnh Ngọc Minh

 
Sắc đào tươi mới chuẩn bị đón xuân - Ảnh Ngọc Minh

 
Không những đào, mai, quất được mọi người ưa thích mà năm nay ở TP.Thanh Hóa nhiều gia đình mua những cây cam trĩu quả về chơi tết - Ảnh Ngọc Minh

 
Những phụ nữ ở quê mang đào từ vườn nhà lên thành phố bán kiếm tiền sắm tết - Ảnh Ngọc Minh
 
 
Cành đào đá thế long được một gia đình ở TP.Thanh Hóa mua với giá 8 triệu đồng - Ảnh Ngọc Minh

 
Nấu bánh chưng là việc làm không thể thiếu của nhiều gia đình ở TP.Thanh Hóa dịp tết - Ảnh Ngọc Minh

Nha Trang: Tưng bừng ngoài phố

Từ 19 giờ, không khí náo nhiệt đã tràn ngập trên khắp các tuyến phố tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Các tuyến đường trung tâm thành phố, những khách sạn, nhà hàng được trang hoàng lộng lẫy. Hầu hết các khách sạn tại TP.Nha Trang đều tổ chức tiệc xuân đón năm mới cho du khách trong và ngoài nước.

20 giờ, khu vực Quảng trường 2 Tháng 4, tháp Trầm Hương bỗng trở nên đông đúc. Rất nhiều bạn trẻ đổ ra đường sớm để vui đùa, chụp ảnh kỷ niệm và “chiếm chỗ” xem pháo hoa. Du khách nước ngoài cũng hòa cùng không khí đón tết cổ truyền của người Việt.


Khu vực có đôi rồng gần Quảng trường 2 Tháng 4 tập trung đông người nhất - Ảnh Nguyễn Chung


Lưu lại những hình ảnh đẹp - Ảnh Nguyễn Chung


Du khách nước ngoài cũng tranh thủ tạo dáng - Ảnh Nguyễn Chung

Tại Đồng Tháp: Khoảng 19 giờ hàng ngàn người dân thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp đã tập trung ở quảng trường Văn Thánh Miếu chờ xem bắn pháo hoa và lễ hội “Cá hóa rồng - sen hồng tỏa sắc”.

Tết Nhâm Thìn 2012, tỉnh Đồng Tháp tổ chức bắn phóa hoa tại 5 điểm gồm: TP.Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc; thị xã Hồng Ngự, huyện Lấp Vò, huyện Tháp Mười.

Điểm khác biệt so với những năm trước là giao thừa này tỉnh tổ chức bắn pháo hoa vào lúc 22 giờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tranh thủ thời gian cúng ông bà đón giao thừa. (Thanh Dũng)

Tại An Giang: UBND tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tại thị xã Châu Đốc, TP.Long Xuyên. Ngay từ 19 giờ ngày 22.1, hàng ngàn người dân tại thị xã Tân Châu đã tập trung ở công viên sông Tiền thi thả đèn hoa đăng… (Thanh Dũng)

>> Nhộn nhịp sắm “phụ kiện” cho ông Công, ông Táo
>> Phố phường Hà Nội ấm sắc đào, mai
>> Thanh long tết mất mùa, rớt giá
>> Giá tăng, thị trường đồ trang trí tết vẫn nhộn nhịp
>> Hà Nội được mùa quất cảnh
>> Dân thủ đô chi tiền “khủng” mua lan chưng tết
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
>> Múa lân ngày xuân - Từ nét đẹp… đến biến tướng
>> Rộn ràng "Phố ông đồ
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.