Tiếng dương cầm bên dòng Neva

24/01/2012 09:40 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Người nghệ sĩ lướt ngón tay trên phím dương cầm và những âm thanh tràn ngập khắp phòng ăn của một nhà hàng ồn ã. Nghệ sĩ đang mải kiếm tiền, giống như cả nước Nga rộng lớn này đang mải miết làm giàu, cho dù trái tim chẳng bao giờ ở đó.

(TN Xuân Nhâm Thìn) Người nghệ sĩ lướt ngón tay trên phím dương cầm và những âm thanh tràn ngập khắp phòng ăn của một nhà hàng ồn ã. Nghệ sĩ đang mải kiếm tiền, giống như cả nước Nga rộng lớn này đang mải miết làm giàu, cho dù trái tim chẳng bao giờ ở đó.

Khi những ngọn đèn bắt đầu rực sáng trên những cây cầu tráng lệ vắt đôi bờ sông Neva cũng là lúc Alexander Maslov lái chiếc xe Kia Sorento cà tàng đến nơi làm việc - một nhà hàng Ý ở đầu kia của đại lộ Nevsky dẫn vào trung tâm St.Petersburg. Tôi đã quen Sasha (tên thân mật của Alexander) ở tiệm ăn đó.

Ngồi một mình trong góc tối, người khách vãng lai mải mê với những suy nghĩ của mình, cho đến khi có điều gì đó bỗng nhiên chạm vào giác quan, làm rung lên những dây thần kinh vốn đã bão hòa bởi bao nhiêu mới mẻ, lạ lùng ghi nhận suốt cuộc hành trình. Thứ âm nhạc trong trẻo, tinh khiết, không có lỗi thô thiển đã đành, nhưng còn hơn thế nữa, một kỹ thuật điêu luyện không làm khuất lấp đi cái hồn nhiên, sâu sắc bên trong riêng có ở những người nghệ sĩ thực thụ.

Tôi đề nghị: “Anh hãy chơi gì đó của Rachmaninoff được không?”. Một thoáng lúng túng từ chàng trai trẻ mà chỉ sau này tôi mới hiểu lý do, anh thận trọng hỏi: “Anh muốn nghe bản nào?”. “Khúc biến tấu số 18 trên chủ đề

Paganini của Rachmaninoff được chứ?”. “Rất tiếc tôi chưa tập bản này, nhưng tôi sẽ chơi một đoạn concerto số 3 của Rach?”. Đương nhiên, có ai lại từ chối một đặc ân lớn hơn cả mong đợi!

Thế nhưng khi bản nhạc vừa hết, một người đàn ông thấp đậm trong bộ cánh đắt tiền đi rất nhanh về phía Sasha, lớn tiếng nói khá lâu. Hóa ra người đàn ông kia là chủ nhà hàng, và ông ta yêu cầu Sasha chỉ được chơi những bản nhạc nhẹ dễ nghe, tránh xa các tác giả cổ điển kén người nghe.

Biết làm sao được, Sasha thân mến! Chỗ của anh đâu phải ở đây, trong những quán ăn ồn ào như thế này. Cả cuộc đời Sasha cho đến giờ gắn liền với âm nhạc hàn lâm. Từ những nốt nhạc đầu tiên do bà

Tatiana - mẹ anh, giảng viên piano - dạy, cậu bé Sasha bước vào Trường phổ thông Năng khiếu âm nhạc thuộc Nhạc viện St.Petersburg. Tốt nghiệp năm 18 tuổi (2003), Sasha nhận học bổng chuyên ngành piano tại Trường âm nhạc Hanover (Đức), dưới sự dìu dắt của pianist bậc thầy Vladimir Krainev - Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô.

Học được 2 năm thì Sasha bỏ về nước. Lý do nghe có vẻ mơ hồ: không quen được với môi trường mới, giáo sư quá bận nên ít được làm việc trực tiếp, kỷ luật khắc nghiệt... Nhưng còn một lý do nữa, mà Sasha chỉ nói thoáng qua: đó là hằng tháng, gia đình phải gửi tiền sang chu cấp thêm cho con trai, mà cảnh nhà không phải khá giả lắm. “Hồi ở Đức, tôi cứ phải nghĩ ngợi đủ mọi chuyện, trừ âm nhạc”, đằng sau một câu nói nhẹ bỗng là bao ẩn ý.

Vậy là chàng trở lại ngôi trường cũ, học hết chương trình đại học, rồi tiếp tục theo đuổi sau đại học vừa kết thúc năm ngoái. Trong phòng tập ở nhạc viện, Sasha kể: “Giờ thì tôi tự tập ở nhà, không có thầy hướng dẫn nữa. Những ngón tay tôi đã có “trí nhớ” riêng của nó, tất cả nhạc mục của tôi nằm sẵn trong đó rồi”. “Bài tủ” của Sasha là khoảng 12 concerto viết cho piano, chủ yếu của các tác giả cổ điển và lãng mạn: Mozart, Liszt, Tchaikovsky, Rachmaninoff, Saint-Saens…

“Tôi đoạt giải nhì cuộc thi piano toàn Nga năm 2010 đấy” - tôi nhớ Sasha đã khoe trong cuộc gặp hôm trước. “Vậy anh có dự Concours Tchaikovsky?” - lần này tôi hỏi thêm. Như chạm đúng niềm đau, suốt hơn nửa tiếng liền, chàng trai dốc bầu tâm sự về nỗi thất vọng đối với cuộc thi âm nhạc lừng danh. Lẽ thông thường, một thí sinh đoạt giải nhì toàn Nga đương nhiên lọt vào vòng chung kết, “giống như thời Liên Xô vẫn vậy”, Sasha nhấn mạnh. Nhưng lần này, thí sinh Alexander Maslov đã không được đánh giá đúng. Lý do có thể là sự cạnh tranh ngấm ngầm từ 200 năm nay giữa thành St.Petersburg hướng về châu u và thủ đô Moscow trung tâm quyền lực. Thực tế là đại diện duy nhất của St.Petersburg là Sasha đã bị loại ở bán kết, trong lúc 9 thí sinh còn lại đều là “dân Moscow”, hoặc từ các nơi khác đến học ở thủ đô. “Tất cả các giám khảo đều là người Moscow”, Sasha bỏ nhỏ.

“Tôi nghĩ trên thế giới không còn cuộc thi âm nhạc nào công bằng nữa. Tất cả đều đã hỏng”, Sasha chua chát. Ở tuổi 26, vẫn là nghệ sĩ trẻ, nhưng giấc mơ Tchaikovsky không còn lung linh nữa, dù không thể không nhận ra đôi chút tiếc nuối trong giọng nói của chàng trai đã từng giành hàng loạt các giải thưởng piano quốc tế, như giải nhất cuộc thi Vladimir Krainev ở Ukraine năm 2002, giải nhì cuộc thi Valsesia Musica ở Ý năm 2006. Đối với các nghệ sĩ trẻ, công cuộc “sưu tập” các giải thưởng âm nhạc quốc tế là chuyện không thể thiếu, và mỗi cuộc thi đều có giá trị riêng của nó, nhưng không gì sánh nổi Tchaikovsky. “Chỉ cần đoạt một giải Tchaikovsky nào đó, anh sẽ được mời cả trăm chương trình hòa nhạc mỗi năm”, Sasha kể.

“Nhưng năm nay tôi sẽ không đi thi nữa. Thật ngốc nghếch, khi ở các cuộc thi anh chỉ được phép chơi loại nhạc mà người ta muốn, chứ không phải nhạc mà anh muốn”, chàng trai quả quyết.

“Tôi cần có tiền. Tôi phải ăn, phải uống, phải mặc, phải mua quà cho bạn gái”, Sasha nói. Chàng trai hiện đang giữ chân keyboard và sáng tác cho nhóm nhạc nhẹ của cô ca sĩ nhạc pop Zara. Từ năm ngoái, Sasha cũng bắt đầu soạn các bản nhạc cho piano và viết nhạc phim. Và đương nhiên, là chơi đàn, như ở nhà hàng pizza Romano này chẳng hạn, nhưng cũng còn trình tấu trong các sự kiện đẳng cấp, dù thù lao có khi chẳng đáng là bao. Cái tên Alexander Maslov từng xuất hiện trên áp phích của các dàn nhạc giao hưởng Kiev (Ukraine), St.Petersburg, dàn nhạc quốc gia Ba Lan, dàn nhạc La Verdi Milan (Ý) lưu diễn ở nhiều nước. Nhưng gây ấn tượng nhất cho anh lại là chuyến biểu diễn ở Peru. Chuyến đi rất thành công, không phải vì công chúng ở đó có gì đặc biệt, mà vì Sasha phát hiện ra rằng chính ở một nơi xa các trung tâm âm nhạc bác học đỉnh cao như vậy, người ta lại rất cần những người như anh.

Anh nói, giọng nghiêm trọng: “Tôi cần người ta mời tôi đi diễn, ở bất cứ đâu. Tôi sẽ quay lại Peru năm sau”. Thay cho chàng trai sôi nổi lúc nãy, giờ đây là một người đàn ông trầm tư. Trong chiếc áo da bạc phếch và chiếc quần nhung sờn cũ, hầu như đây là một người khác hẳn với nghệ sĩ trong bộ vét đen lịch lãm chơi đàn tối qua. Nếu không gặp lại Sasha, có lẽ tôi chỉ lưu lại một hình ảnh không thật như thế. Nhưng tôi biết, những âm thanh huyền hoặc của Rach đêm đó sẽ còn vang lên trong tâm hồn tôi mỗi khi nhớ về thành St.Petersburg. Có lẽ, đó mới là thứ sự thật duy nhất đủ sức cứu rỗi con người, như một nhà văn Nga vĩ đại của những đêm trắng St.Petersburg từng nói.

Việt Hưng

>> Chào Nhâm Thìn 2012
>> Nhộn nhịp sắm “phụ kiện” cho ông Công, ông Táo
>> Phố phường Hà Nội ấm sắc đào, mai
>> Thanh long tết mất mùa, rớt giá
>> Giá tăng, thị trường đồ trang trí tết vẫn nhộn nhịp
>> Hà Nội được mùa quất cảnh
>> Dân thủ đô chi tiền “khủng” mua lan chưng tết
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
>> Múa lân ngày xuân - Từ nét đẹp… đến biến tướng
>> Rộn ràng "Phố ông đồ
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân  
>> Những cảnh “nóng” nhất trên màn ảnh 2011
>> The Artist" dẫn đầu danh sách đề cử Quả cầu vàng 2012
>> Top 10 phim hay nhất năm 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.