Chợ nổi Ngã Bảy xuân này

21/01/2012 16:56 GMT+7

(TNO) Chợ nổi Ngã Bảy là nét văn hóa độc đáo với nhiều du khách. Còn với những người dân địa phương, đây là nơi mưu sinh truyền đời.

Nét văn hóa “độc”

Người dân TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) quen gọi đây là chợ nổi Ba Ngàn vì ghe xuồng thường họp chợ tại vàm Ba Ngàn (xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy). Còn người ở xa đến thì gọi “cái chợ” này là chợ nổi Ngã Bảy.

So với chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) thì chợ nổi Ngã Bảy không “hoành tráng” bằng nhưng sự ấn tượng thì cũng ngang ngửa và đều có điểm chung là “nổi”.

Nhìn từ xa, du khách thấy ghe xuồng tấp nập, xôm tụ và ngỡ đây là một ụ ghe nào đó, khi đến gần mới nhận ra cảnh mua bán rộn nhịp. Thường thì các chủ ghe chỉ mua bán rau củ, hoa quả, trái cây. Khi tết đến, thì có thêm nhiều ghe chở hoa kiểng, mai vàng, bonsai... khoe sắc cả một đoạn sông.

Tầm 2 - 3 giờ sáng mỗi ngày cảnh buôn bán đã bắt đầu diễn ra, bởi ai cũng muốn lựa được nông sản không đụng hàng với những thương lái khác, để sau đó tỏa đi các chợ khắp vùng Hậu Giang và các tỉnh thành ĐBSCL bán lại.

Chợ nổi họp gần như nguyên năm, nhưng sôi nổi nhất vẫn là dịp tết đến xuân về. Buôn bán “dưới sông” cũng vui và ít hục hặc, la lối như giao thương “trên bờ”. Chuyện cãi vã, tranh giành bạn hàng, gọi khách hầu như chẳng xảy ra. Bà Lê Thị Liên (xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy) cho biết nhà bà có hai chiếc ghe, trung bình mỗi tháng nếu “trúng chợ” cũng bỏ túi khoảng 20 chục triệu đồng.

Còn ông Tám Bảnh, một tiểu thương cố cựu tại đây nói vui: “Lâu lâu cũng có mấy cán bộ xuống nhắc nhở vì đậu ghe không trật tự. Ngoài khoản đó ra thì ngon lành hết, không chừng được công nhận là chợ văn hóa luôn nữa”.

Nói như ông Tám Bảnh cũng đúng, vì chợ nổi này lâu nay được xem như một biểu tượng, một trong những tiềm năng du lịch mà TX.Ngã Bảy và tỉnh Hậu Giang đang nhắm đến để khai thác.

Chợ nổi Ngã Bảy cũng đã trở thành một phần cuộc sống của người dân quanh đây.

Ông Lương Văn Đệ, ở sát chợ nổi nói: “Tui già rồi nên ít đêm nào được ngủ trọn vẹn, khuya khuya ra coi mua bán cũng thấy vui. Bữa nào không thấy chợ họp là buồn dữ lắm”.

Ông Trịnh Quang Hưng, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy nói với phóng viên Thanh Niên Online, qua tết, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang sẽ mở hội thảo để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho mô hình chợ nổi Ngã Bảy. Riêng lãnh đạo thị xã thì rất ủng hộ chợ nổi phát triển song vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

“Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù, là điểm nhấn thú vị có một không hai ở miền châu thổ Cửu Long”, ông Hưng khẳng định.

Mưu sinh đa dạng

Chợ nổi, không chỉ là dáng dấp, nét đẹp, nét văn hóa đặc sắc của miền sông nước bởi chợ nổi được họp, được tồn tại cũng là nguồn sống cho nhiều người khác.

Để “hành nghề” ở chợ này, người ta cần một chiếc ghe và vài chục triệu đồng tiền vốn mua hàng. Ông Huỳnh Văn Lăng (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bộc bạch: “Nói chung làm cái nghề này cũng có dư nhưng hơi cực”.

Chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Ngã Bảy (TX.Ngã Bảy) bán đồ ăn tại chợ nổi Ngã Bảy cho biết: "Nói chung là bán ở đây khó khăn hơn trên bờ nhưng cũng thấy vui. Mấy anh chị buôn bán cũng ăn uống nhiệt tình lắm”.

Còn bà Đỗ Thị Thêm từ lâu đã nổi danh với danh hiệu Tư “bánh ú” do các thương hồ trao tặng. Bà Thêm cho biết: “Tui bán nước, bánh ú, bánh tét mỗi ngày cũng lời vài chục ngàn đồng, có hôm cả trăm ngàn. Lâu lâu có khách du lịch hỏi thăm này kia cũng vui lắm”.

Nhìn vẻ bề ngoài đậm đà phong vị văn hóa như thế, nhưng có ai biết được, người buôn bán ở chợ nổi cũng gặp nhiều nỗi lo, đó là chuyện ăn cắp vặt.

“Mất điện thoại và tiền cũng thường xảy ra, mà lạ là không khi nào bị ăn cắp trái cây hay các mặt hàng mình bán hết”, chú Trần Văn Tư (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) chia sẻ.

Bỏ lại những khó khăn, những mối nguy hiểm, người ta vẫn thấy nụ cười nở trên môi các chủ ghe chở hàng. Họ vẫn gắn bó hằng ngày với chợ nổi vì cuộc sống và cũng để lưu giữ một dấu ấn đẹp trong văn hóa của miền sông nước ĐBSCL.

Chợ nổi ngày xuân cũng là một nét tết quê khó lẫn lộn trong thời buổi kinh tế thị trường.

 
Chợ nổi Ngã Bảy

 
Dưa hấu tết

 
Hoa ngày xuân

 
Mua bán vui vẻ

 
Thương hồ chợ nổi

 
 Bánh tét đây

Quang Minh Nhật

>> Hoa trái tết tràn ngập sông nước miền Tây
>> Đô thị miền sông nước
>> 720 tỉ đồng hỗ trợ an sinh các tỉnh thành ĐBSCL
>> Cần Thơ tổ chức 41 điểm bán hàng bình ổn giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.