Chủ động phòng chống bệnh viêm não mô cầu

19/01/2012 11:56 GMT+7

Trước tình hình bệnh viêm não mô cầu có dấu hiệu lây lan ở TP.HCM và đã xuất hiện một ca bệnh ở  Hà Nội, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà về bệnh viêm não mô cầu để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

 
Phó Viện trưởng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà - Ảnh: Chinhphu.vn

Xin ông cho biết một số thông tin cụ thể  về bệnh viêm màng não mô cầu?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh viêm màng não do vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng ở màng não, tổn thương ở não. Đây là một vi khuẩn có tên gọi neisseria meningitides. Chủng vi khuẩn này đã được biết từ lâu và được xếp vào loại gây bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp vì thế có thể gây thành dịch.

Bệnh viêm não mô cầu có nhiều thể lâm sàng khác nhau nhưng có 2 thể lâm sàng nguy hiểm tương đương với thể lâm sàng do khuẩn liên cầu lợn gây ra. Đó là nhiễm khuẩn huyết, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn. Thể này hay kèm theo các tử ban trên da (những ban hoại tử hình sao). Khi đã nhiễm khuẩn huyết và tình trạng sốc là tình trạng nặng thì khả năng tử vong rất cao, bệnh sẽ tiến triến nhanh thậm chí có trường hợp sau 1-2 ngày đã tử vong nếu không hồi sức kịp và không được cấp cứu kịp thời

Thể lâm sàng thứ hai là thể viêm màng não mủ, vi khuẩn từ đường họng, qua đường máu  để vào trong não, gây viêm mủ trong màng não. Nếu thể ở mức độ vừa phải thì chủ  yếu biểu hiện ở hội chứng màng não, kiểm tra dịch não tủy sẽ thấy đục nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo. Tuy nhiên có những bệnh nhân tiến triển nặng hơn ở màng não, gây phù nề não nhiều dẫn đến hôn mê, co giật. Vi khuẩn vào màng não là thể nguy hiểm, nếu hôn mê lâu sẽ dẫn đến tử vong. Và nếu điều trị không tốt cũng sẽ dẫn đến di chứng. Di chứng để lại như chậm chạp về phát triển trí tuệ, liệt hoặc động kinh…

Bên cạnh đó còn có thể thứ ba, về  mặt bệnh học thì không nguy hiểm lắm nhưng lại truyền cho người khác bị viêm họng. Cuối cùng là thể có nhiễm nhưng không biểu hiện lâm sàng, mà vi khuẩn chỉ lưu trú trong họng tức là người lành mang khuẩn.

Vi khuẩn trú ở đường mũi họng như thế  này, khi tiếp xúc qua đường hô hấp thì có  thể xâm nhập với người tiếp xúc, đặc biệt là  người tiếp xúc trong vòng 1m.

Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm não mô cầu như thế nào và triệu chứng của bệnh ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Khi một bệnh dịch có thể gây tử vong và lây qua đường hô hấp thì trở thành bệnh dịch nguy hiểm. Do đó, phải cảnh báo, phát hiện và triển khai công tác chống dịch cho tốt, nếu để dịch lây lan thì sẽ dẫn đến những ca tử vong.

Đôi khi có những vụ dịch xảy ra ở vùng có điều kiện địa lý, kinh tế và y tế khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa. Vì gặp thể nặng không thể đến bệnh viện được. Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào thể lâm sàng. Nhưng đầu tiên là sốt và đau họng. Tuy nhiên nếu sốt và đau họng không thì lại dễ nhầm với nhiều bệnh khác. Do đó phải giám sát yếu tố dịch tễ.

Sau những biểu hiện đó thì xuất hiện một số biểu hiện bệnh lý theo hướng nhiễm khuẩn huyết như xuất hiện sốt cao với tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, xuất hiện tử ban trên da và nặng là hạ huyết áp. Đối với thể này phải nhanh chóng tiến hành hồi sức sớm và sớm điều trị mới cứu được.

Thứ hai là ở thể màng não, xuất hiện đau đầu dữ dội, nôn. Khi khám sẽ thấy hội chứng màng não như phản ứng chậm chạp, li bì. Từ đó phải lấy dịch não tủy, khi thấy mủ đục tiến hành soi và cấy dịch não tủy. Nếu xác dịch do vi khuẩn não cầu phải điều tra tiểu sử bệnh nhân xem có tiếp xúc với những ai… Quan trọng là xác định ca bệnh và khẳng định về vi sinh (căn nguyên). Đến khi xác định đúng thì phải liên hệ với y tế dự phòng để có cách phòng chống bệnh và sự lây lan của bệnh.

Xin ông cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh viêm màng não mô cầu diễn tiến đến đâu?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Bệnh viêm màng não mủ thỉnh thoảng vẫn có những ổ dịch xuất hiện trong năm nhưng ít và chỉ xuất hiện ở miền núi. Lần này lại xuất hiện trong cùng một khoảng thời điểm và ở nơi đông dân cư.

Hiện nay, ở phía Bắc mới phát hiện một ca mắc não mô cầu đầu tiên (một bệnh nhân 21 tuổi, quê Nam Định đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ca bệnh này đã dần ổn định, chỉ còn một vài tổn thương trên da cần tiếp tục điều trị để khỏi hẳn. Hệ thống y tế dự phòng đã đi giám sát toàn bộ và không phát hiện ca nhiếm mới tại miền Bắc.

Còn tại miền Nam, trong tuần qua cũng đã phát hiện một số ca bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Hiện sức khỏe các bệnh nhân này đều ổn định. Sở  Y tế TP.HCM đã tiến hành một số phương án phòng chống bệnh, điều tra dịch tễ tránh để dịch bệnh lây lan.

Thưa ông, vậy cách phòng ngừa bệnh được thực hiện như thế nào để bệnh không lây lan ra cộng đồng?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Trước hết, mấu chốt của bệnh là các thầy thuốc phải chú ý đến những dấu hiệu lâm sàng và phải lấy được bệnh phẩm . Nếu ở các bệnh viện tuyến dưới không nuôi cấy được sẽ rất khó khăn và phải có chỉ đạo chặt chẽ. Nếu không khẳng định được căn nguyên thì không thể dập dịch. Về lâm sàng thì có rất nhiều bệnh giống như bệnh viêm não mô cầu.

Do đó, đầu tiên phải xác định căn nguyên, phải lấy  được bệnh phẩm và xác định chính xác đó là vi khuẩn. Từ bệnh nhân nhiễm khuẩn đó phải cách ly và điều trị. Tuy nhiên hệ y tế  dự phòng phải điều tra trong suốt quá trình bị bệnh và trước đó người bệnh tiếp xúc với những ai. Trong thời gian ủ bệnh (khoảng 1 tuần) thì có thể dùng kháng sinh để điều trị dự phòng. Và điều quan trọng là phải lấy được bệnh phẩm ở họng của tất cả những người tiếp xúc.

Mặt khác phải cách ly để không gây bùng phát thành ổ dịch. Nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán sắp đến gần, người dân sẽ chủ quan không theo dõi diễn biến bệnh và đến các cơ sở y tế kịp thời.

Cách phòng ngừa quan trọng là người dân phải có kiến thức. Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc. Các phương tiện truyền thông tăng cường thông tin để người dân biết được thông tin về bệnh và cách phòng bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng như trên cần đến khám tại các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng phác đồ.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.