Thú chơi xưa của người Việt

18/01/2012 11:32 GMT+7

Bằng chứng sớm nhất về các trò chơi của người Việt còn được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn. Giữa nhà sàn, có cảnh đôi nam nữ đang ngồi đối diện, hai chân hai tay co lại và chồng lên nhau.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đấy là trò “trồng nụ trồng hoa” mà cách đây ít lâu còn tồn tại ở nhiều làng quê. Nhiều hình tượng được khắc họa trên trống cũng có thể là miêu tả ngày hội với đoàn người hóa trang đội mũ lông chim, rồi từng đoàn thuyền nối đuôi nhau như cảnh hội mùa hay hội đua thuyền. Ngay cả trống đồng được phát hiện nhiều như thế, cũng là bằng chứng của ngày hội đúc trống mà sử sách cũng từng ghi lại: đúc được trống thì mời cả làng đến vui chơi, trai gái cầm thoa vàng, thoa bạc để đánh trống rồi trao lại cho chủ nhân. Thú chơi thời này còn in dấu lên tượng tròn như tượng hai người cõng nhau nhảy múa, bước thấp bước cao, tượng người thổi khèn.

 
Người thổi khèn (trên muôi đồng, khoảng TK2 trước CN)

Người Việt có nhiều thú chơi nhất có lẽ là vào dịp Tết. Khi đó cũng là dịp nông nhàn. Tết chính là ngày hội lớn nhất trong năm. Rồi những ngày hội làng vào dịp Giêng, Hai rước Thành hoàng làng kỷ niệm các thần thánh cũng có mà nhân thần cũng có. Một số ngày hội lớn nữa trong thời xưa mà nay không còn, nhưng được ghi chép trong sách “Đại Việt Sử Ký toàn thư” (còn gọi là “Toàn Thư”). Đó là hội đèn Quảng Chiếu ở Long Trì, kinh đô Thăng Long vào năm Canh Tý, 1120 và Bính Ngọ, 1126 dưới triều vua Lý Nhân Tông, kéo dài tới 7 ngày đêm, đại xá cho cả các tội nhân. Văn bia chùa Đọi còn mô tả không khí ngày hội: “Hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ vàng son. Có thể gọi là hơn xa chế độ xưa nay, vượt hẳn sinh thành tạo hoá. Dồn thú vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày. Thoả tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại”. Thưởng ngoạn hội đèn đầu Xuân quả là một thú chơi thanh tao bậc nhất, có lẽ còn hơn cả thú ngắm đèn trong đêm Trung thu sau này.

Một ngày hội nữa cũng mang tầm quốc gia, đó là sinh nhật vua Lý. Vào năm 1123, tổ chức sinh nhật ở cửa Quảng Phúc phía tây Hoàng thành có hát chèo, kèn sáo ca múa tưng bừng, có cả nhà hát múa lưu động có bánh xe đẩy đi, trên xe có vũ nữ múa hát.

Thời Lý sùng đạo Phật, nên những dịp khánh thành tượng Phật đều mở hội lớn. Ví như năm 1036, tháng Giêng mở hội Long Trì khánh thành tượng Phật Đại Nguyện. Thư tịch còn ghi lại, vào thời Trần, vua ngự trên lầu Đại Hưng, tức ở khu vực Cửa Nam, Hà Nội ngày nay để xem hoàng tử và nội thị ném quả Tú Cầu vào ngày mùng ba Tết. Đấy chính là tục ném còn của đồng bào miền núi được ảnh xạ vào một thú chơi cung đình.

 
Đấu vật, chụp năm 1911.

Cũng do “Toàn Thư” ghi lại năm 1117, mà ta biết được có những trò chơi của người Việt xưa rất phổ biến, nhưng chiếu vua ban ra là phải cấm như trò “Tàng Câu”. Đó là trò chơi tìm vật giấu trong nắm tay, tương tự như trò chơi “tay nào có tay nào không”. Cũng vậy, qua nguồn thư tịch mà ta biết được những trò chơi mà người Việt rất thích là chọi gà (ghi trong “Hịch tướng sĩ”), bắn nỏ, chơi cầu.

Bên cạnh những thú đi xem hội mang tầm cỡ quốc gia ở kinh đô, thì người Việt mở hội cấp làng xã quanh năm. Mà hội nào cũng có nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, đánh cờ người, đấu vật, múa sư tử, chơi đèn kéo quân, chọi gà, đánh tổ tôm tam cúc, thả diều, xem hát tuồng, chèo, quan họ, xin chữ Nho đầu Xuân...

Cái thú vị của các hội làng là thường mang dáng vẻ riêng, tích chuyện riêng và cũng có những trò chơi mang sắc thái cội nguồn.

Tại vùng đất Tổ Phú Thọ, thường diễn ra những trò độc như trò “Nõ Nường” ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Dân làng làm một mô hình dương vật và âm vật rất to, rồi cử trai làng và gái làng cầm lấy đâm vào nhau thể hiện sự giao phối, sinh sôi nảy nở, có cội nguồn từ tục sinh thực khí thời Hùng Vương mà rõ nét là tượng các cặp nam nữ đang giao hoan trên thạp đồng Đào Thịnh. Trong trò diễn “đập trâu, chém lợn” ở xã Xuân Quang, huyện Tam Thanh, lại phảng phất tục lệ đâm trâu ở Tây Nguyên và hình ảnh lễ đâm trâu bò có trên trống đồng.

Quanh vùng Thăng Long xưa cũng có nhiều hội làng và trò diễn quanh năm, trong đó có một số lễ hội tập trung vào dịp Tết với những trò chơi truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.

Sau dịp Tết và mùa Xuân, các hội cũng ít đi cùng với các trò chơi dân gian.

Các thú chơi của người Việt trong hội hè và văn hóa dân gian được chắt lọc nghìn đời từ vốn di sản phi vật thể, lại được bổ sung bằng một kho tàng di sản vật thể quý giá. Đó là hàng trăm tác phẩm tạo hình bằng gốm sứ, bằng chạm khắc trên gỗ trong các công trình kiến trúc tôn giáo, tầm cỡ quốc gia có, mà tầm cỡ làng xã cũng có. Bổ sung vào đó lại là nhiều bức ảnh kịp ghi những khoảnh khắc của các thú chơi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi mà nghệ thuật chụp ảnh mới chập chững bước chân vào xã hội Việt.

 
Chèo thuyền, đình Phù Lưu, Bắc Ninh đầu thế kỷ 17.

Chúng ta có thể thấy một trong những thú chơi thanh cao của người Việt là thưởng thức âm nhạc và múa. Trên các thành bậc bằng đá ở tháp Chương Sơn hay trên chân cột tháp Long Đọi có khắc hình các vũ nữ Apsara đang múa dâng hoa, chứng tỏ vào thời Lý, người Việt rất hâm mộ các điệu múa ảnh hưởng văn minh Ấn Độ thông qua kênh văn hóa Chăm. Hình ảnh 10 nhạc sĩ trong dàn nhạc được khắc trên đá tảng chùa Phật Tích. Người thì cầm trống cơm, người thì cầm nhị, sáo, tiêu, đàn tỳ bà, phách... Cũng hình tượng nghệ sĩ múa dâng hoa còn thấy được chạm khắc ở chùa Thái Lạc, thời Trần. Tại đây còn thấy được mảng chạm một người đàn ông gẩy đàn tranh ở giữa hai người phụ nữ chơi đàn tỳ bà và đàn tam.

Qua các mảng chạm khắc của thời Lê Mạc và Lê Trung Hưng, các thú chơi của người Việt được thể hiện hết sức phong phú trong đình và chùa. Đình Tây Đằng có cảnh làm xiếc, đấu thú, trai gái tình tự ôm cổ nhau, chèo thuyền uống rượu. Một số thú chơi khác cũng được khắc chạm như đấu võ, đấu vật, săn thú, chọi gà, chơi cờ, chèo thuyền, uống rượu, đá cầu, hút thuốc lào với điếu bát, múa và chơi nhạc dân dã. Một điều đáng ngạc nhiên nữa là người Việt vào thời này cũng rất... sexy, khi chạm cả cảnh người phụ nữ khỏa thân hay giao hợp nam nữ. Đó là cảnh 3 cô gái tắm truồng trong hồ sen trên gạch trang trí của đền Sấu Giá. Tại đền Đệ Tam thì có cảnh ba cô gái khỏa thân tay che phần kín bên dưới, trong lúc người đàn ông áo thụng dài nắm tay cô gái, tay kia thì bóp vú.

Mạnh bạo hơn nữa là bức chạm tại đình Diềm miêu tả cảnh một người đàn ông thò tay sờ phần dưới cô gái hoặc đình Phù Lão có cảnh người đàn bà nằm ngửa, váy cuộn lên ngực, hai chân co quắp lấy lưng người đàn ông nằm trên. Tại bia chùa Ông, chùa Thổ Hà, chùa Tứ Liên thì có bức chạm chân dung khỏa thân của một cô gái. Các hoạt cảnh này cũng nói lên một nét phồn thực nào đó trong thú chơi của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ, suy cho cùng cũng là cầu mong cho mùa màng tốt tươi.

Vào thời Nguyễn thì mảng chạm khắc dân dã đầy sức sống dường như không còn tồn tại, mà thay vào đó lại thấy các thú chơi tao nhã như cảnh uống rượu, chơi cờ, câu cá thể hiện ở chạm khắc gỗ cũng như vẽ trên gốm sứ.

Với các nguồn tài liệu nói về thú chơi của người Việt, chúng ta càng thấy rằng cha ông ta có một cuộc sống tinh thần hết sức phong phú, lạc quan yêu đời của một cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và đã để lại cho con cháu một kho di sản vô giá và đầy bản sắc.

Theo Lao Động cuối tuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.