Những cộng tác viên vui tính

21/01/2012 10:00 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Bên cạnh các cộng tác viên (CTV) thường xuyên, thỉnh thoảng lại có một vài người đột xuất gửi bài, vì theo họ, đó là những gì tâm đắc rút ruột viết ra và đề nghị báo phải “đăng ngay kẻo nguội”.

Từ thơ…

Một ngày cuối tuần, một cụ già trên 70 tuổi đến gõ cửa văn phòng đại diện của báo, nói: “Tui vừa làm được một bài thơ rất hay, đem đến quý báo để cậy đăng”. Rồi cụ đọc một tràng, vè không ra vè, thơ không ra thơ, đại ý khuyên người cao tuổi nên sống khỏe, sống vui. Bài thơ dài, tôi chỉ nhớ được mỗi hai câu mà cụ bảo là tâm đắc nhất: “Tình dục sướng nhất trên đời/Nhưng vì cao tuổi ta thời ít đi”.

 
Minh họa: DAD

Đọc xong, ông cụ cười rộ hỏi có hay không. Tôi chỉ biết gãi đầu, cười hì hì phụ họa. Nghe thì vui tai thiệt, còn để in lên báo thì… hơi khó, nên tôi khuyên cụ rằng báo của chúng cháu chỉ dành cho những người trẻ tuổi, không phù hợp với nội dung bài thơ, cụ nên gửi tạp chí văn nghệ nào đó hoặc một tờ báo “già già” nào đó. Nghe vậy, cụ cười cười rồi cuộn bài thơ bỏ vào túi, ra về không một lời từ giã.

Vào một hôm khác có một cụ ông khác cũng cầm thơ đến để nhờ cậy đăng. Cụ nói, bài thơ này tui mới tức cảnh sinh tình viết ra, bội phần cảm khái, phải đem đến nhờ báo đăng ngay kẻo nguội mất cảm xúc. Rồi cụ cười há há, dặn: “Ngày mai báo đăng, nhớ gửi báo biếu cho tui nghen!”. Cái gọi là thơ của ông cụ, nội dung chê nhà hàng xóm ăn ở kém đạo đức, tôi đọc mãi mà chả hiểu nó là thơ hay vè.

Trước đây, cũng một cụ ông đem thơ đến gửi đăng nhưng do bài thơ không đạt yêu cầu, tòa soạn không sử dụng, sau đó bản thảo bị thất lạc. Khi cụ ông đến đòi bản thảo thì không biết tìm đâu để trả, thế là ông cụ bắt đền vì đó là bản thảo duy nhất, được viết ra trong lúc cụ rất thăng hoa. “Giờ thì cảm xúc của tui không thể nào đạt tới cảnh giới ấy nữa”, cụ tiếc nuối.

Rút kinh nghiệm “xương máu” từ vụ ấy, khi gặp những trường hợp tương tự, tôi đề nghị xin photo lại bài thơ, trả lại bản chính và nói rằng, báo của chúng cháu không phù hợp để đăng loại thơ này, cụ thông cảm. Vậy là cụ hằm hè: “Thơ hay vậy mà không đăng được hé?”.

… đến báo

Một hôm, công việc đang rối mù thì một bác sồn sồn bước vào. Sau vài câu chào hỏi, bác ấy rút xoẹt ra một xấp giấy A4 in chi chít những chữ là chữ, nói: “Đây là một bài báo tui mới viết xong, chỉ có 5.000 chữ thôi hà, là tui đã chắt lọc những gì tinh túy nhất. Hàm nghĩa phong phú, ý vị vô cùng. Tui tâm đắc từng câu từng chữ từng ý, không muốn bỏ một chữ nào”. Nghe vậy, tôi đề nghị cho đọc bản thảo. Thì ra là nỗi ấm ức của một người phải về hưu trước tuổi. Cuối bản thảo, bác ấy còn ghi chú: “Đề nghị tòa soạn sử dụng. Tôi sẽ gửi thêm vài bài nữa”. Đọc xong, tôi khuyên bác ấy nên gửi cho một báo mạng nào đó, vì chỉ báo mạng với dung lượng không hạn chế mới có thể giải tỏa được nỗi bức xúc 5.000 chữ tinh túy của bác ta.

Chuyện về những CTV đột xuất như nêu trên thì nhiều lắm. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thì CTV của mỗi tờ báo cũng muôn vẻ muôn màu. Tôi cứ tạm gọi họ là những CTV vui tính. Thỉnh thoảng gặp được những CTV này, tuy tỷ lệ tòa soạn sử dụng tác phẩm của họ không cao, nhưng tôi cũng thấy vui và ấn tượng vì sự hồn nhiên của họ.

Bảo Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.