Đến Việt Nam ăn tết

18/01/2012 01:40 GMT+7

Gói bánh chưng, đi chợ hoa, nhận - gửi bao lì xì và những lời chúc tốt đẹp cho nhau... những phong tục truyền  thống của người Việt nhân dịp tết cổ truyền đã hấp dẫn rất nhiều khách nước ngoài tìm đến ăn tết Việt.

''Tôi luôn thấy ấm lòng và thích chứng kiến mọi người có thời gian nghỉ ngơi sau cả một năm oằn gánh lo toan. Tết, đối với tôi, như thế đã là an lành'' - Bà Lady Borton, nhà nghiên cứu và nhà văn người Mỹ

Ấn tượng tục "xông đất đầu năm"

Đặc biệt ấn tượng với điều này, bà Victoria Kwakwa (người Ghana), Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, đó là một trong những điều thú vị nhất bà khám phá từ tết cổ truyền của Việt Nam. Rồi bà dí dỏm khoe, một đồng nghiệp kể cho bà, khi còn niên thiếu, anh tình cờ xông đất nhà người quen vào ngày mùng 1 và gia đình ấy may mắn suốt năm. Vì vậy, tết năm sau, cũng gia đình ấy nhất quyết bắt anh ta tiếp tục xông đất nhưng chẳng may, họ lại gặp nhiều chuyện xui trong năm đó...”.  Bà chia sẻ: “Tôi cũng rất thú vị khi nghe nói người Việt thích sinh con vào một số năm nhất định và rất có khả năng là năm nay, chúng ta sẽ có rất nhiều “em bé rồng”… Những nét văn hóa như thế thực sự rất cuốn hút tôi và càng làm tôi thêm háo hức với cái tết thứ 3 tại Việt Nam”.


Bà Victoria Kwakwa, người Ghana, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với bà Kwakwa, điều “mang lại bình an nhất” trong năm mới cũng thật giản đơn như bao người phụ nữ có gia đình khác: đó là khi có thể dành nhiều thời gian cho gia đình, cho các con và bạn bè. Đó là có thể cân bằng tốt hơn nữa giữa công việc và cuộc sống thường nhật của một phụ nữ bình thường. Tết này bà Victoria Kwakwa sẽ cùng các con nghỉ ngơi tại Đà Nẵng và Hà Nội và mang theo tất cả những bình an đó.  Cũng như bao người dân thành phố, bà đặc biệt thích không khí đường phố vắng vẻ ngày tết và theo bà, khi đó mọi thứ bỗng trở nên hiền hòa hơn. Tết cũng là dịp bà Kwakwa có cơ hội được nghe và hiểu thêm về những điều thú vị ngày tết và qua đó, càng làm giàu thêm hành trang kiến thức văn hóa đối với mỗi đất nước mà một nhà ngoại giao như bà đã đi qua.

Còn cái tết Việt trong tâm trí của nhà nghiên cứu và nhà văn người Mỹ Lady Borton thì mang nặng nỗi niềm quá vãng của một “cây dài bóng xế ngẩn ngơ”. Tâm trạng này gặp ở rất nhiều người Việt lớn tuổi. “Tết năm nay tôi sẽ lại tiếp tục nhớ về tết của 10 hay 20 năm trước, khi mọi người còn gần gụi với nhau hơn, khi phân hóa giàu nghèo chưa hiển hiện rõ như bây giờ. Tôi nhớ không khí chân tình, nhớ lắm từng cái bánh chưng, từng câu chúc tết chào hỏi nhau của thời ấy”, bà Borton trầm ngâm.

Mặc dù đã "Việt hóa" khi sống và làm việc tại Việt Nam khá lâu, từ năm 1978 đến nay, nhưng những cảm xúc khi "năm hết tết đến" của người đàn bà này vẫn đầy ắp. “Tôi cảm thấy mình lạc lõng giữa không khí người người hối hả mua sắm tết, biếu tặng nhau những món quà đắt tiền. Vào cái tuổi của tôi, không còn gì ngậm ngùi hơn khi phải chứng kiến giá trị vật chất đang dần thay thế những gì thuộc về tinh thần, thuộc về thiêng liêng của tâm hồn và văn hóa Việt. Và theo tôi, đó mới là điều quan trọng nhất mỗi người chúng ta đừng nên đánh mất vào dịp quan trọng nhất trong năm như thế này”.


Ông Paul Finnis, người Anh, Giám đốc Quỹ từ thiện trẻ em Saigon Children’s Charity - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, bà Borton vẫn cho rằng: “Tôi luôn thấy ấm lòng và thích chứng kiến mọi người có thời gian nghỉ ngơi sau cả một năm oằn gánh lo toan. Tết, đối với tôi, như thế đã là an lành”.

Mùa yêu thương

Năm nay đánh dấu cái tết thứ 5 của ông Paul Finnis, Giám đốc quốc gia người Anh của Quỹ từ thiện trẻ em Saigon Children’s Charity (SCC - trụ sở tại TP.HCM). Tuy nhiên, đây là cái tết “khác nhất, đặc biệt nhất bởi tôi sẽ chào đón đứa con đầu lòng vào năm Nhâm Thìn và đây phải là thời khắc quan trọng nhất trong năm của chúng tôi. Tết năm nay, lần đầu tiên tôi làm rể Việt, thăm gia đình tại Đồng Nai và tận hưởng không khí yên ắng ở Sài Gòn. Tết của tôi sẽ rất bình an và tĩnh lặng, nhưng ngập tràn hạnh phúc”, ông Finnis nói.

Hạnh phúc của một người sắp làm cha dường như lại làm ông Finnis càng thêm trăn trở về lĩnh vực mình đang hoạt động - quyền trẻ em. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các gia đình và các em nhỏ, những ngôi trường chúng ta xây dựng và những bạn bè, đối tác đã góp sức cùng chúng ta để đảm bảo rằng SCC luôn góp một chút công sức vào cuộc sống của những trẻ em nghèo bất hạnh. Đó chính là điều thôi thúc và mang lại cho tôi thanh thản vào dịp tết, khi ngồi ngẫm lại những gì mình phải làm”.

Một cái tết vì những người cô độc cũng là những gì ông Chuck Palazzo, cựu chiến binh Mỹ hiện sinh sống tại Đà Nẵng, đang ấp ủ. Ngay lập tức trở về Mỹ vào năm 1971 khi nhận biết mục đích phi nghĩa cuộc chiến cũng như bỏ công ty phần mềm mình sáng lập đang ăn nên làm ra để quay lại Việt Nam cách đây 3 năm, ông Palazzo nói ông quyết dành hết những năm còn lại của đời mình để “trả nợ Việt Nam”.


Ông Chuck Palazzo, cựu chiến binh Mỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tết này tôi sẽ dành phần lớn thời gian đi thăm các nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ, những người tôi luôn xem như một phần gia đình của chính mình. Tôi luôn trông chờ thời khắc mùa xuân sau tết, với nắng vàng và khí trời ấm áp, và cũng cầu chúc cho thời khắc ấy cũng như một mùa xuân an lành sẽ đến với những con người đang chịu quá nhiều thiệt thòi đó”, ông Palazzo nói.

Và đối với bà Kwakwa, thông điệp đầu năm của một nhà ngoại giao chỉ đơn giản và hồn hậu như chính tết, như chính từng con người Việt Nam: hãy đón nhận một mùa xuân tri ân. “Các bạn hãy tri ân và đón chào một cái tết hiền hòa đang đến rất gần trên một đất nước thanh bình và đĩnh đạc với biết bao thành tựu kinh tế xã hội trong suốt mấy thập kỷ qua. Năm rồng sẽ có cả bất an và vận hội, nhưng hãy sẵn sàng đón nhận và đương đầu với tất cả lạc quan, phấn đấu, và bằng tất cả sự năng động của một Việt Nam đang trỗi dậy”.

Tour cho khách Tây

Có hai hình thức khám phá tết Việt cho du khách nước ngoài là hòa mình vào không khí tết của gia đình người Việt, trải nghiệm văn hóa truyền thống hoặc tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ khám phá thiên nhiên, sông nước.

Nắm được nhu cầu ngày càng tăng của khách nước ngoài với tết cổ truyền và để họ có thể cảm nhận trọn vẹn tết Việt, 8 năm nay, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist đã triển khai nhiều tour tết cho khách nước ngoài và Việt kiều. Công ty tiếp tục giới thiệu chương trình Tây ăn tết ta. Đây là chương trình được Saigontourist triển khai từ năm 2003 với hai tour là ăn tết miền Tây và ăn tết ở TP.HCM. Từ 23 - 26.1.2012, tour Đón tết với sông nước miền Tây sẽ đưa du khách nước ngoài vào không khí tết rộn ràng và thanh bình, chân chất của người dân vùng quê. Du khách đến chợ dưa hấu, vườn cây cảnh, dùng cơm trưa với người dân Mỹ Tho, tập gói bánh tét; thưởng ngoạn khung cảnh sông nước thiên nhiên yên bình, trong lành khi bơi xuồng giữa những con lạch nhỏ, khám phá vườn cây, thưởng thức trái cây nhiệt đới cùng trà mật ong và các tiết mục đờn ca tài tử đặc sắc...

Tour Đón tết với người Sài thành từ 16 - 22.1.2012 được gói gọn trong một buổi sáng hoặc chiều, du khách quốc tế có cơ hội cảm nhận sâu sắc và có nhiều trải nghiệm về không khí tết tại thành phố náo nhiệt nhất Việt Nam. Không chỉ chiêm ngưỡng cờ phướn, lồng đèn rực rỡ khắp phố phường và hoa xuân muôn sắc ngát hương tràn ngập Công viên văn hóa Tao Đàn, hòa mình vào dòng người tấp nập lễ viếng chùa Bà Thiên Hậu, dạo khu Chợ Lớn náo nhiệt bằng xe xích lô; du khách còn được chia sẻ niềm vui đón tết với gia đình người Việt, thưởng thức các món ăn tết...

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, đại diện Saigontourist, năm nay, chương trình Tây ăn tết ta dự kiến phục vụ hơn 500 khách nước ngoài.


Hướng dẫn khách nước ngoài gói bánh tét - Ảnh: CTV

N.T.Tâm

An Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.