Những “cuốc xe” ngày xuân

22/01/2012 10:15 GMT+7

(TNO) Thứ dường như không thể thiếu trong ngày xuân là hoa kiểng. Những sắc màu tươi tắn ấy thường mang đến cho mọi người niềm vui và lạc quan.

Chen chúc trong những khu trưng bày hoa Tết, ngoài cảnh bán mua tấp nập, ta còn bắt gặp những con người mãi loay hoay với những vòng xe… Họ chính là “tài xế” của hoa kiểng.


Đưa hoa về nhà một cách an toàn - Ảnh: Nguyễn Phúc

Mấy ngày qua, tại “vườn hoa” trước quảng trường Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Quảng Trị (TP.Đông Hà), người ta bày đủ loại hoa kiểng. "Vườn hoa" được chia nhỏ ra thành từng khu: quất, đào, mai, cúc… để người mua dễ bề ngắm nghía, lựa chọn.

Hễ có ai đó tỏ vẻ ưng ý thì cũng y như rằng có một vài người chạy đến ngỏ ý sẽ đưa chậu hoa của họ về nhà một cách an toàn với giá phải chăng…

PV Thanh Niên Online quanh quẩn suốt một buổi sáng ở khu vực “vườn hoa” để làm quen với những người làm công việc “ăn theo” khá vất vả này.

Theo quan sát, chỉ trong một khu không quá rộng lớn, có chừng 20 người làm “tài xế” cho các chậu hoa. “Cần câu cơm” của họ là những chiếc xe ba gác cũ kĩ và đôi tay trần. Chỉ vậy thôi nhưng mỗi ngày họ cũng kiếm được không ít tiền.

Anh Lê Văn Hoài (trú P.3, TP.Đông Hà) cho hay: “Năm nào cũng vậy, cứ có vườn hoa xuân là tôi lại kéo xe ra đây, ai thuê thì chở. Những ngày càng cận Tết thì khách càng đông, chở không kịp cho người ta…”.

Cũng theo anh Hoài, tùy vào độ xa gần và to nhỏ của chậu cảnh mà tính tiền công, trung bình chừng 50.000 - 150.000 đồng/chuyến.

“Việc ni lúc nhàn lúc bận, có hôm chở được chục chuyến kiếm được cả triệu bạc, có hôm chỉ được một hai chuyến gần, tiền chả đáng bao nhiêu… Gặp may trúng ông khách “xịn”, họ cho thêm vài trăm ngàn, gặp rủi làm hỏng cây của người ta thì cũng chẳng biết lấy tiền đâu ra mà đền”, ông Lâm Quang Tiến (45 tuổi, người có thâm niên 3 năm theo nghề) chia sẻ.

Để đẩy nhanh “tiến độ” công việc, cánh chạy xe ba gác, nhất là đám trẻ bổ sung xe máy thay vì phải vừa chạy bộ vừa đẩy xe. Việc làm này khá nguy hiểm nhưng trong lúc phải hối hả kiếm tiền để có được một cái Tết đầm ấm, chẳng mấy ai quan tâm đến điều đó…

Chỉ có ông Hoàng Xuân Việt (P.5, TP.Đông Hà) thì thở dài: “Tôi năm ni đã 63 tuổi, chân cẳng yếu rồi nên chỉ dám chở những chậu cúc nhỏ, lại chẳng dám vừa chạy xe máy vừa chở nên ế khách lắm…”.


Ông Việt và vợ ngồi đợi khách bên ngã tư đường - Ảnh: Nguyễn Phúc

Ông Việt và vợ là những người có thâm niên kéo xe lâu nhất và cũng thường xuyên nhất ở khu vực này nhưng khách hàng của họ thường là khách quen hoặc là những người thấy thương cảm họ.

Điều đặc biệt, dù không phải là nghề quá “dễ ăn” nhưng cánh kéo xe ba gác trong khu vực không hề có chuyện tranh giành khách với nhau, ai cũng chỉ quan tâm đến việc của mình. Vòng xe của họ dường như càng phải quay nhanh hơn khi Tết đang đến thật gần…

Nguyễn Phúc

>> Nhộn nhịp sắm “phụ kiện” cho ông Công, ông Táo
>> Phố phường Hà Nội ấm sắc đào, mai
>> Thanh long tết mất mùa, rớt giá
>> Giá tăng, thị trường đồ trang trí tết vẫn nhộn nhịp
>> Hà Nội được mùa quất cảnh
>> Dân thủ đô chi tiền “khủng” mua lan chưng tết
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
>> Múa lân ngày xuân - Từ nét đẹp… đến biến tướng
>> Rộn ràng "Phố ông đồ
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.