“Đảo chiều” trong ngành xuất bản

16/01/2012 01:30 GMT+7

Thời “xin - cho” trong quan hệ giữa các đơn vị xuất bản tư nhân với nhà xuất bản (NXB) đang dần trôi qua. Thế cờ giờ đây đã đảo ngược khi thị trường xuất bản ngày một mở rộng.

Người làm xuất bản trong vài năm qua không khỏi thừa nhận nhiều thay đổi quá lớn mang chiều hướng tích cực đáng mừng trong thị trường xuất bản Việt Nam. Trước năm 2004, khi Công ước Bernes về bản quyền chưa được ký kết và các NXB vẫn ở thế thượng phong, không ít đơn vị liên kết xuất bản tư nhân phải chịu cảnh “bị ép” với vô số điều kiện bất lợi.

Lúc bấy giờ, tư nhân luôn ở trong cảnh bị lép vế, phải chịu thua thiệt với mức phí xin giấy phép xuất bản rất cao (trung bình từ 8-10% giá bìa nhân với số lượng bản in) đó là chưa kể phí biên tập của NXB dù họ có biên tập kỹ hay chỉ đọc sơ qua. Một cuốn sách ra đời trong cảnh “xin - cho” giấy phép cũng kéo theo nhiều hệ lụy như quan hệ với ban giám đốc của NXB tốt tới mức độ nào thì mức phí xuất bản cũng đi kèm theo đó mà cao hay thấp, hoặc được cấp giấy phép nhanh hay chậm. Khoảng năm 2005, rất nhiều đơn vị tư nhân đã cùng kêu gọi nhau ký kết một bản đề nghị “được thừa nhận” trên bìa sách, khi luật Xuất bản không cho phép tên và logo của các đối tác liên kết xuất hiện trên bìa sách. Với quyết định này, vô hình trung “cha mẹ đẻ” của những cuốn sách - tức các đơn vị liên kết xuất bản tư nhân - không được thừa nhận công trạng, dù họ có mất nhiều tiền mua bản quyền nước ngoài và đầu tư toàn bộ tiền xuất bản, cũng như việc lời ăn lỗ chịu.

 
Thị trường sách ngày một phong phú với sự góp mặt của các đơn vị tư nhân - Ảnh: L.C

Trở thành “con cưng”

Cùng với sự phát triển của đất nước, độc giả đã ghi nhận nỗ lực vươn lên và khẳng định chất lượng sản phẩm của nhiều đơn vị tư nhân. Phần lớn sách nước ngoài mới nhất tại Việt Nam đều do các đơn vị này mua bản quyền và triển khai xuất bản, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng như các nhãn hiệu sách: Đông A, Nhã Nam, Alphabooks, Thaihabooks, Chibooks, Bách Việt... Từ chỗ chỉ biết bấu víu “bầu sữa” nhà nước và “cấp giấy phép liên kết xuất bản” cho tư nhân, không ít NXB chới với khi đối mặt với thực tế không kiện toàn bộ máy xuất bản, không chịu đào tạo đội ngũ kế thừa, không xây dựng và phát huy được phòng khai thác bản quyền sách nước ngoài, không phát triển và gìn giữ gắn bó lâu bền đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp… Và một khi phải tự lập trong nền kinh tế thị trường, phải tự đứng ra mua bản quyền nước ngoài mới có sản phẩm thì không ít NXB rất lúng túng nhờ vả một số người biết ngoại ngữ nhưng không có chuyên môn về việc chọn và thẩm định sách. Kết quả là sách mua về với giá bản quyền quá đắt hoặc không tiêu thụ nổi do không phù hợp với thị trường. Trong khi đó, với bộ máy nhanh gọn, quyết nhanh, đoán giỏi thị hiếu và nhu cầu thị trường mới liên tục biến động và thay đổi, các đơn vị tư nhân dần tự xác lập những dòng sản phẩm chuyên biệt cho mình và ra sức rào chắn, xây dựng, củng cố thương hiệu bằng hàng loạt chương trình quảng bá.

Không ít NXB không thể tự bơi trong biển lớn, không thể tự xuất bản theo kế hoạch A, nên vẫn gắng gượng bám vào cái phao cứu sinh - cấp phép cho các đơn vị tư nhân để thu được ít nhiều quản lý phí. Tuy nhiên, số lượng NXB ngày càng tăng, giờ đã vượt quá con số 55, trong khi số lượng các đơn vị xuất bản tư nhân làm ăn được và ra sách đều đặn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc các NXB chủ động đi tìm các đơn vị xuất bản tư nhân với đề nghị giảm mức quản lý phí xuống từ 1-3% giá bìa, cùng nhiều điều kiện thuận lợi cấp phép nhanh chóng đã làm thay đổi hẳn diện mạo thị trường xuất bản.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.