Đạn đã lên nòng tại vùng Vịnh

14/01/2012 01:25 GMT+7

Mỹ đang âm thầm chuyển quân đến Trung Đông và cho tàu sân bay áp sát khu vực trong lúc căng thẳng tại eo biển Hormuz ngày càng tăng nhiệt.

Lầu Năm Góc đang bí mật chuyển nhiều lữ đoàn và tàu chiến bao vây Iran, theo báo The Los Angeles Times (LAT) hôm qua. Hiện có gần 15.000 lính Mỹ đồn trú tại Kuwait sẵn sàng đổ sang Iran khi có lệnh. Ngoài ra, Mỹ còn giương oai hết cỡ với 3 tàu sân bay hiện diện tại vùng Vịnh. USS Carl Vinson đang ở gần bờ biển Iran, USS John C.Stennis vờn quanh eo biển Hormuz và USS Abraham Lincoln đang từ Thái Bình Dương đến nhập bọn. Đó là chưa kể các tàu hộ tống kèm theo như tàu tuần dương và tàu khu trục. Anh cũng tuyên bố đưa khu trục hạm hiện đại HMS Daring đến biển Oman.

 
Tàu sân bay Mỹ đang được huy động bao vây Iran - Ảnh: Reuters

Theo giới chuyên gia quân sự, Iran có thể tạm thời dùng tên lửa chống hạm và ít nhất 2.000 thủy lôi để khóa eo biển Hormuz. Báo The New York Times dẫn báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ nhận định: “Eo biển Hormuz khá hẹp nên Iran có thể gài thủy lôi hiệu quả trong thời gian tương đối ngắn”. Iran được cho là sẽ dùng tên lửa chống hạm bắn từ bờ biển và tàu cao tốc mang vũ khí hạng nặng để gây khó khăn cho công tác rà phá thủy lôi của Mỹ. Để đối phó, giới quan sát đánh giá, Mỹ sẽ tiêu diệt giàn tên lửa của Iran bằng chiến đấu cơ.

Tuy nhiên, theo tờ International Business Times, khó có khả năng Iran đóng cửa Hormuz lâu do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu. Điều gây lo ngại là với ưu thế quân sự của mình thì dù Iran có mở cửa lại Hormuz, Mỹ và Israel vẫn sẽ được đà “làm tới”. Đến lúc này, Nga có thể sẽ nhảy vào và quy mô xung đột sẽ lan rộng đến mức khó kiểm soát.

Để ngỏ đối thoại

Trước viễn cảnh có thể “xảy ra Thế chiến 3” như cảnh báo của một thiếu tướng Trung Quốc hồi năm ngoái, các bên vẫn tỏ ra chừa đường lui cho nhau. Tờ LAT dẫn lời giới chức quân sự Mỹ khẳng định việc tăng cường thêm quân sát nách Iran không nhằm thúc đẩy chiến tranh mà chủ yếu “chuẩn bị sẵn sàng đối phó” mọi tình huống. Mặt khác, có tin Nhà Trắng đã sử dụng một kênh liên lạc bí mật để tiếp cận Đại giáo chủ Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran, nhằm cảnh báo không nên dồn ép nhau đến bước cuối cùng.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani ngày 12.1 cũng tuyên bố ông tin căng thẳng hiện nay có thể được giải quyết thông qua các cuộc thương thuyết nghiêm túc. Ông Larijani đang thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng. “Tôi tin mọi vấn đề có thể được giải quyết qua thương thuyết. Nhưng lần này, chúng tôi muốn các cuộc đàm phán nghiêm túc chứ không phải giả tạo”, AP dẫn lời ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, giới ngoại giao cho biết một phái đoàn cấp cao của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ thăm Iran vào ngày 28.1.

Người ngần ngừ, kẻ phản đối

Các thế lực trên thế giới đang tỏ thái độ khác nhau về vấn đề Iran. AFP dẫn lời một quan chức ngoại giao giấu tên của Pháp loại trừ lựa chọn sử dụng biện pháp quân sự đối với Iran và thừa nhận phương Tây hiện không có công cụ nào khác ngoài gia tăng cấm vận dầu mỏ và tài chính để đưa Iran quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, dù EU đang tích cực thảo luận với Ả Rập Xê Út để tìm nguồn cung thay thế nhưng nhiều nước như Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha vẫn lo ngại giá dầu thô sẽ tăng vọt. Trong khi đó, một ngày sau khi thông báo giảm lượng dầu mỏ nhập từ Iran, Nhật Bản đã thay đổi quan điểm. Hôm qua, giới chức Tokyo tuyên bố vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc này. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chỉ tuân theo nghị quyết của LHQ, trong khi Ấn Độ nói không có ý định giảm lượng dầu mua của Iran, theo AFP.  

Nga vẫn phản đối mọi động thái của phương Tây đối với Iran. Trả lời phỏng vấn báo Kommersant, Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev cảnh báo các hành động điều binh quanh Iran có thể dẫn tới nguy cơ chiến tranh vì Mỹ “đang bị Israel thúc ép”. Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gannady Gatilov cũng tuyên bố các hành động chống Iran sẽ bị coi là âm mưu nhằm thay đổi chế độ ở nước này.

Đến nay, khó lường nhất vẫn là thái độ của Trung Quốc. Một mặt, nước này vẫn phản đối các biện pháp trừng phạt Iran nhưng bắt đầu giảm nhập dầu từ đối tác, theo báo The Wall Street Journal. Trong tháng 1.2012, nhập khẩu dầu thô từ Iran còn 285.000 thùng/ngày, giảm gần một nửa so với trước. Giới quan sát đánh giá tìm nguồn cung mới có thể là mục đích chính trong chuyến công du của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến 3 nước Ả Rập Xê Út, UAE và Qatar bắt đầu từ ngày 14.1.

Trùng Quang - Lan Chi

Thụy Miên - Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.