Đã qua thời truyện tranh?

13/01/2012 10:17 GMT+7

Trước đây, lĩnh vực truyện tranh được xem là “kho bạc” của các nhà xuất bản (NXB). Nhưng vài năm gần đây, trước nạn vi phạm bản quyền, truyện tranh chỉ còn là một hạng mục làm cho có để tồn tại.

Trước đây, lĩnh vực truyện tranh được xem là “kho bạc” của các nhà xuất bản (NXB). Nhưng vài năm gần đây, trước nạn vi phạm bản quyền, truyện tranh chỉ còn là một hạng mục làm cho có để tồn tại.

Ngày 11.1, NXB Trẻ tung ra bộ “Đại kiếm sư” - truyện tranh dành cho tuổi trưởng thành, in màu đúng nguyên tác của tác giả - họa sĩ Hoàng Dị - Hoàng Ngọc Lang. Đây là bộ truyện tranh đang ăn khách ở Châu Á. Dự kiến, trong năm nay, NXB Trẻ còn in tiếp 6 bộ truyện tranh kiếm hiệp nữa (Thần chưởng Long Kiếm Phi, Vương Tiểu Long, Thiên long Bát bộ, Long Thần, Thần Binh, Tiểu Ma Thần).

 
Nhân dịp phát hành bộ truyện tranh mới, NXB Trẻ tổ chức ngày hội truyện tranh để thu hút bạn đọc. Ảnh: T.H

Lý do mà NXB này tự tin chính là việc in màu tuy đẩy giá cao, nhưng sẽ phần nào chống được nạn in lậu (khó làm màu thật, có độ nét cao...). Nhưng “đạo cao một thước, ma cao một trượng”, chưa biết thực hư việc “đột phá” này có “đè” được các đầu nậu in lậu hay không? Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ - thừa nhận: Lâu nay NXB làm truyện tranh là chấp nhận... lỗ, nhưng vì đã mua bản quyền, nếu không in thì sẽ mất uy tín với đối tác. Truyện tranh thường bị in lậu... trước khi NXB kịp phát hành.

Bên đối tác thường chỉ bán bản quyền một bộ truyện tranh nếu người mua bản quyền đáp ứng yêu cầu in bộ đó trên 10.000 bản, còn dưới 5.000 bản thì họ không chịu bán. Hơn 1 năm trở lại đây, NXB chịu cảnh bỏ nhiều vốn làm truyện tranh mà ngày càng lỗ, nhưng vẫn phải làm, đắp cái này sang cái kia để được doanh thu đạt khoảng 4 tỉ đồng/năm. Số lượng bản truyện tranh bán được chỉ khoảng 2.500 - 2.700 đồng/tập.

Cũng theo ông Nhựt, trước đây, làm truyện tranh rất lời. Giờ đã qua thời truyện tranh. Người ta sản xuất “Doraemon” trong vòng 30 năm mới xong trọn bộ, một tháng có khi chỉ được 1-2 chương. Mình đi sau, “ăn” liền một hơi. Còn giờ thì phải in từng tập xong, chờ các nước họ làm tiếp.

Không chỉ NXB Trẻ, mà nhiều NXB khác cũng từng chịu cảnh đang thương lượng bản quyền thì có người khác nhảy vào dịch và phát hành truyện tranh. Khi mua được bản quyền về đành làm chậm một nhịp, hoặc để vài năm nữa mới in lại.

Về phía người vi phạm bản quyền, cũng có khi hai bên đưa nhau ra toà, nhưng quá trình kiện tụng quá mất thời gian và công sức, cuối cùng thì bên kiện rút đơn lại, chỉ cần bên bị kiện trả tiền thuê luật sư và án phí cùng 1.000 đồng tượng trưng cho việc thừa nhận mình đã sai. Vì thế  mà tình trạng vi phạm bản quyền cứ thường xuyên tiếp diễn...

Một cái khó cho người sản xuất nữa chính là tình trạng thổi còi vi phạm thuần phong mỹ tục liên tục từ phía nhà quản lý. Hễ đối tác gửi catalogue chào hàng mà có vài cảnh... hở hang là NXB bị phạt tiền vì... nhập sách rác, sách đồi trụy. NXB buộc phải cam kết và chịu trách nhiệm thì mới được bỏ qua.

Thứ hai là truyện tranh của người lớn vốn là thể loại đang được bạn trẻ các nước ưa chuộng, nhưng về đến VN, vì chưa có quy định cụ thể như ở lĩnh vực điện ảnh, bao nhiêu giây cho cảnh “mát” thì vừa đủ, nên thường bị “thổi còi” vì cho là vi phạm hay phản cảm. Điều này cũng khiến nhiều nhà sản xuất chùn bước nhập khẩu truyện tranh để ấn hành.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.