"29 anh về"

14/01/2012 02:31 GMT+7

Lại một mối tình thủy chung, chờ đợi. Sân khấu kịch IDECAF có Tía ơi, má dzìa; còn sân khấu Hoàng Thái Thanh có 29 anh về, cũng chung mô típ chồng vợ bặt tin vì gia đình ngăn cấm, rồi chờ nhau đến đầu bạc, mỏi mòn.

Lại một mối tình thủy chung, chờ đợi. Sân khấu kịch IDECAF có Tía ơi, má dzìa; còn sân khấu Hoàng Thái Thanh có 29 anh về, cũng chung mô típ chồng vợ bặt tin vì gia đình ngăn cấm, rồi chờ nhau đến đầu bạc, mỏi mòn.

NSƯT Thành Lộc trong vai ông Tư đờn kìm giữ cái áo cưới hơn 10 năm vì ông không tin vợ mình đã chết như lời đồn đãi. Sự thật, bà bị cha mẹ bắt ra nước ngoài lấy chồng khác, đến nỗi bị trầm cảm. Rồi bà cũng quay về tìm lại cội nguồn, đoàn tụ với chồng con. Nghệ sĩ Ái Như vào vai cô giáo Diệu Hoài, lỡ có con với ông Bình, bà mẹ chồng không chấp nhận, bắt ông Bình trở lại miền Trung cưới vợ. Ông cãi mẹ, đánh điện tín cho cô Hoài rằng 29 anh về, rồi quyết mua vé xuôi Nam trong lúc đang bệnh nặng. Ông chết trên đường đi, còn cô Hoài không biết tin, cứ chờ đợi, đau buồn, mất trí nhớ, chỉ biết mỗi tháng đúng ngày 29 thì ra ga ngóng trông. 25 năm dài như thế. Đứa con là Thương (Ngọc Tưởng) vừa kiếm tiền nuôi mẹ vừa học hành đỗ đạt. Rồi bà nội (Thanh Thủy) hối hận, vào Nam tìm dâu, tìm cháu.

 
Ái Như (vai bà Hoài), Thanh Thủy (vai bà nội), Ngọc Tưởng (vai Thương) trong vở 29 anh về - Ảnh: H.K

Nội dung đơn giản vậy thôi. Khác chăng là nhân vật Thương có nghĩa khí, như một Lục Vân Tiên sẵn sàng ra tay cứu giúp mọi người, thậm chí dám bắt cướp. Nhờ vậy mà anh tình cờ cứu được bà nội và đoàn tụ với bà. Khung cảnh giản dị, cách sống chân tình, tình cảm dịu dàng, luôn là sở trường của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ngọc Lan vào vai cô Mộng bán cà phê giải khát ở ga, khá dễ thương, hợp với Ngọc Tưởng, Lương Duyên, Quang Thảo làm nên những gương mặt trẻ tin cậy chung quanh vai chính của Ái Như. Thanh Thủy đóng vai già nhưng nét hài thật có duyên, không cần cường điệu mà vẫn lấy được tiếng cười của khán giả.

Tuy nhiên, vẫn gợn lên một cảm giác gì đó có vẻ như chưa thuyết phục. Hình như phụ nữ Việt Nam không đến nỗi quá yếu đuối như bà Hoài. Bao nhiêu người chờ chồng, nuôi con, bị bạc tình, phản bội mà vẫn vượt qua sóng gió. Nên chăng một hình ảnh cô giáo thường là mẫu mực cho cả trăm cả ngàn em học sinh, mà chỉ vì chữ tình lại đến nỗi ngơ ngẩn, bỏ con mình phải thôi học, tự lực cánh sinh, rồi nó phải vừa nuôi mẹ vừa đi học lại? Phụ nữ phương Đông nói chung thường tập trung cho con cái nhiều hơn, và chính con cái trở thành điểm tựa, thành nghị lực để họ sống mạnh mẽ. Một người trí thức như cô giáo Hoài mà hành xử như thế xem ra chưa thuyết phục lắm. Thật sự, khán giả thời nay thích tình cảm lãng mạn, da diết, nhưng họ vẫn khát khao về sự mạnh mẽ, tự tin, đầy cá tính. Cho nên, dù dựng vở với bối cảnh xưa, cũng đừng quên tâm cảm của khán giả đang là người của thế kỷ 21.

Vở diễn sẽ ra mắt trong dịp tết Nhâm Thìn này.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.