Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tìm nhiều giải pháp để hạ lãi suất”

12/01/2012 15:36 GMT+7

* Không sáp nhập SJC

(TNO) Trả lời đối thoại trực tuyến với nhân dân thông qua Cổng TTĐT Chính phủ vào sáng nay 12.1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định lãnh đạo NHNN cùng hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng ở mức độ hợp lý.

Cố gắng giảm lãi suất

Trả lời câu hỏi của ông Trần Mạnh Hưng (Biên Hòa, Đồng Nai) về những biện pháp và kế hoạch thực hiện mục tiêu tập trung giảm lãi suất cho vay theo như đề nghị của Thủ tướng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Nhu cầu giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng là nhu cầu thiết thực, chính đáng đối với người sản xuất. Đó cũng là mong mỏi của Chính phủ nói chung, lãnh đạo NHNN nói riêng".

Tuy nhiên, theo ông Bình có hạ được lãi suất hay không còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện.

Thống đốc lý giải, thứ nhất, cả năm 2011, lạm phát vẫn ở mức 18,13%, đối với VN là cố gắng lớn, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì đây là mức lạm phát quá cao. "Với mức lạm phát cao như vậy mà lại đề nghị giảm ngay mức lãi suất thì theo tôi là chưa phù hợp" - Thống đốc cho biết.

Ngoài ra, theo Thống đốc lạm phát giảm chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo NHNN cùng hệ thống các NHTM đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đối thoại trực tuyến với nhân dân - Ảnh: Chinhphu.vn

Bạn đọc Thảo Nguyên (TP.HCM) đặt vấn đề NHNN có biện pháp gì để chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng khi: "Ngân hàng SCB sau hợp nhất vẫn huy động vàng với lãi suất cao, vẫn thỏa thuận lãi suất với khách hàng, chứng tỏ vấn đề thanh khoản vẫn chưa giải quyết được. Thị trường liên ngân hàng hiện gần như đóng băng, các ngân hàng không cách nào vay được 5 NHTM Nhà nước và vay được cũng phải thế chấp".

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng mọi hành vi vi phạm các quy định của NHNN, trong đó có quy định về trần lãi suất đều vi phạm pháp luật và là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Nếu người dân có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm, rất mong gửi các bằng chứng này tới NHNN để xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Thống đốc cũng cho biết thêm: "Nếu tổ chức tín dụng vi phạm, người dân mà tham gia, thì đó cũng là những tòng phạm, và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm. Do đó, chúng tôi đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này".

Ông Bình cũng khẳng định: "Khó vay vốn trên hệ thống liên ngân hàng là không chính xác, chỉ là tin đồn. Hiện, 90% hệ thống liên ngân hàng cho vay bình thường, chỉ khoảng 10% các tổ chức tín dụng khó khăn hoặc có hiện tượng hoạt động không lành mạnh thì khó vay".

Nếu tổ chức tín dụng vi phạm, người dân mà tham gia, thì đó cũng là những tòng phạm, và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm. Do đó, chúng tôi đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Đề cập đến SCB sau hợp nhất, ông Bình nhận xét đã chuyển biến tích cực. Đến nay, dòng tiền đã cơ bản cân bằng, luồng tiền vào đã có lúc cao hơn luồng tiền ra. Như vậy, đã có điều kiện để SCB ổn định trở lại.

Trước thông tin năm 2012 sẽ có 5 - 8 ngân hàng hợp nhất, độc giả Đoàn Vân Anh băn khoăn "người gửi tiền ở các ngân hàng này có thể yên tâm hay không?".

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Bạn có thể hoàn toàn yên tâm, kể cả khi gửi tiền tại ngân hàng SCB vừa được hợp nhất".

NHNN không sáp nhập SJC

Độc giả Phạm Trần Trọng Minh (Hà Nội) hỏi NHNN có có biện pháp nào giúp thị trường chứng khoán được cải thiện?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích cụ thể về thị trường tiền tệ và cho rằng để thị trường tiền tệ trở về đúng bản chất, không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗi thì lãi suất chỉ ở một mức độ nhất định.

Từ đó, người dân có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác như: ngoại tệ, vàng, bất động sản. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết: “Hiện chúng tôi đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nâng cao giá trị đồng VN, nên như thực tế năm 2011, nếu đầu tư vào ngoại tệ thì không có lợi bằng đầu tư vào nội tệ”.

Ngoài ra, theo ông, chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường này không còn hấp dẫn. Thị trường bất động sản, các chính sách cũng khiến thị trường này không còn nóng, sốt, biến động lớn.

Thống đốc kết luận: “Như vậy, người dân sẽ đầu tư vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Đó là hướng chúng tôi đang đi. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước khác về thị trường vốn cũng phải có bước đi thích hợp”.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định NHNN không sáp nhập công ty SJC - Ảnh: Chinhphu.vn

Độc giả Nguyễn Ánh Tuyết (TP.HCM) cho rằng việc độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng của Nhà nước khi sở hữu thương hiệu SJC sẽ mang lại hệ lụy không tốt. Độc giả này hỏi lý do lựa chọn trên và lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, kéo giá vàng sát giá quốc tế?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định lại: “Tôi không bao giờ nói rằng sáp nhập công ty SJC”.

Ông giải thích, NHNN không có chức năng kinh doanh sản xuất vàng trang sức. “Bản thân chúng tôi không được pháp luật cho phép và cũng không có nhu cầu lấy phần ấy. Do vậy, NHNN phải khẳng định, chỉ lấy phần sản xuất vàng miếng của công ty này, hay nói một cách khác, có 1 xưởng in/dập ra loại vàng miếng này. Nay cái xưởng đó, hoàn toàn do NHNN chi phối kể cả về mặt sản xuất, như nguyên liệu đưa vào, kế hoạch sản xuất dập ra bao nhiêu, sản phẩm sau khi dập ra do NHNN quản lý. Còn toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của SJC vẫn của SJC. Chúng tôi khẳng định như thế, không sẽ tạo ra sự hiểu lầm” - Thống đốc cho biết.

Ngoài ra, ông cũng nói thêm: “Vàng SJC hiện nay, nhãn hiệu vàng miếng SJC sẽ được hiểu rằng là không phải của công ty SJC, mà là của Nhà nước. Còn nếu có nhãn vàng nào thấy từ nay trở đi mình không được sản xuất nữa, thì vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích quốc gia, họ phải hy sinh lợi ích của mình. Thế nhưng trên thực tế, chúng tôi thấy rằng, lợi ích của các nhãn vàng khác cũng ở mức độ không lớn. Thời gian vừa qua, lượng vàng SJC chiếm tới 90% lượng vàng giao dịch trên thị trường. Chỉ có 10% chia cho 7 nhãn mác khác, có nghĩa là mỗi nhãn mác cũng chỉ chiếm vài ba phần trăm”.

Ông Bình cho biết sẽ đến lúc NHNN tiến tới đổi tên nhãn vàng SJC thành SBV nhưng việc này sẽ làm dần để đảm bảo không gây xáo trộn quá lớn trong việc lưu chuyển vàng hiện có.

Ngoài ra, cuộc đối thoại còn tập trung vào một số vấn đề như sự chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thị trường ngoại hối và vàng....

Thành Trung (lược ghi)

Xem chi tiết toàn buổi đối thoại tại đây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.