Đề phòng cháy nổ dịp Tết

13/01/2012 08:00 GMT+7

Không khí đón Tết đang rộn ràng khắp nơi, nhưng ở những góc khuất trong kho hàng đầy ắp hay đường dây điện bị đứt ngầm trên mái một cửa hàng cũng có thể là nguyên nhân những vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) ngày cận Tết ùn ùn người đến mua sắm. Hơn 800 gian hàng vải vóc, quần áo, thảm len... với khối lượng cả trăm tấn được đưa lên, bốc xuống. Hàng ngàn người chen nhau trên các lối đi, thỉnh thoảng những chiếc loa trên trần lại vang lên tiếng phát thanh viên đề nghị mọi người cảnh giác phòng chống cháy nổ, tuyệt đối cấm hút thuốc.

Chị Lê Thị Loan, một chủ cửa hàng bán vải cân ở chợ Ninh Hiệp cho biết: "Ở đây toàn mặt hàng dễ cháy, nên ai cũng phải có ý thức phòng chống cháy nổ. Đặc biệt trong việc dùng điện, không ai dám đấu điện, nấu nướng bừa bãi, vì chúng tôi hiểu rằng chỉ một vụ chập điện cũng có thể gây cháy, mà đã cháy chợ vải là cả ngàn gia đình sạt nghiệp".

 
Cán bộ kỹ thuật TCT Điện lực Hà Nội kiểm tra thiết bị đảm bảo vận hành ổn định dịp Tết Nhâm Thìn - Ảnh: Trung Dũng

Để phòng chống cháy nổ, theo đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, thì ý thức người dân là quan trọng nhất. "Dịp tết đến, các nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, các chợ đều tăng đột biến cả về lượng hàng hóa đến người mua sắm. Chính vì vậy, nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao. Để giảm thiểu nguy cơ này, điều quan trọng nhất là ý thức người dân trong việc bảo vệ tài sản của mình và của cộng đồng".

Theo đại tá Thiều, đã nhiều vụ cháy dịp Tết xảy ra, gây thiệt hại lớn do các chủ hàng không chú ý đến hệ thống điện trong các kho hàng, quên không tắt điện khi rời cửa hàng hoặc do nấu ăn, dùng điện quá tải. "Có những kho hàng, cửa hàng có khối lượng hàng hóa trị giá cả chục tỉ đồng, nhưng chỉ vì hệ thống dây điện cũ, bị chuột cắn, đi dây điện sát mái nên xảy ra chập cháy. Do đó, khi xây dựng kho hoặc thuê kho, thuê cửa hàng, các chủ hàng cũng cần đặc biệt lưu ý về hệ thống điện nói riêng và cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn PCCC nói chung, vì đôi khi sự chủ quan, sơ xuất nhỏ có thể gây ra hậu quả vô cùng to lớn", ông Thiều phân tích.

Một năm trước đây, trong dịp tết nguyên đán Tân Mão, chỉ trong mấy ngày Tết, từ 30 đến chiều mùng 3 Tết, tại TP.HCM xảy ra tới hơn 20 vụ cháy, trong đó vụ cháy ở đường Trần Hưng Đạo, Q.1 đã thiêu rụi 2 căn nhà, 1 người chết, nguyên nhân do chập điện.

Nồi lẩu, đèn trời có thể gây cháy

Phân tích về nguy cơ cháy nổ do chập điện, kỹ sư điện Hoàng Văn Hùng (ở Đống Đa, Hà Nội), cho biết: "Ngày Tết, nhiều nhà dùng thiết bị điện công suất lớn như tủ đông, bình nóng lạnh, đặc biệt là bếp từ để ăn lẩu... trong khi đó, do không chú ý lắp dây trục tiết diện lớn hoặc mua phải dây điện kém chất lượng nên rất dễ xảy ra cháy, chập. Nhiều nhà chạy dây điện sát mái, dây điện bị chập, nóng lên làm cháy vỏ bọc, rất dễ bắt lửa với vật dụng khác như trần xốp, bùng phát thành hỏa hoạn".

Một mối đe dọa hệ thống điện là từ... đèn trời. Ông Nguyễn Nguyên Huân - Phó ban kỹ thuật Tổng công ty điện lực TP.Hà Nội khuyến cáo: "Nhà nước đã có lệnh cấm nhưng một số người dân, đặc biệt là các em học sinh, thanh niên vẫn giữ thói quen thả đèn trời để cầu may mắn. Chúng tôi rất mong người dân có ý thức đảm bảo an toàn cho lưới điện, vì chính bản thân mỗi người và cả cộng đồng. Chỉ cần một đường dây trung áp bị chập, cháy thì cả ngàn hộ gia đình sẽ bị cắt điện dịp Tết, đó là điều rất đáng tiếc".

Về phương án cấp điện dịp Tết, ông Huân nói: "Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết đảm bảo cung cấp điện cho người dân Thủ đô. Nếu không có sự cố đột xuất, các chi nhánh điện sẽ không cắt điện tại bất kỳ khu vực nào từ 0h00’ ngày 13.1.2012, tức ngày 20 tháng Chạp năm Tân Mão đến hết 24h00’ ngày 27.1.2012, tức ngày 5 Tết Nhâm Thìn". (Thanh Phong)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.