Các bà mẹ Nhật lên tiếng

10/01/2012 09:33 GMT+7

Khủng hoảng hạt nhân đã thay đổi quan niệm về mạng internet của nhiều bà mẹ khắp nước Nhật vốn cho rằng thông tin trên mạng không đáng tin cậy. 

Ngay sau loạt thảm họa (động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ) hồi tháng 3-2011, mạng lưới với hơn 200 nhóm cha mẹ hình thành khắp Nhật Bản, có nhiệm vụ đôn đốc nhà chức trách bảo vệ trẻ em trước nguy hại từ rò rỉ phóng xạ. 

Tạo khác biệt từ việc nhỏ 

Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật đã biến Mizuho Nakayama trở thành một trong số những bà mẹ hiểu rõ về mạng internet. Lo lắng cho đứa con trai 2 tuổi và không hoàn toàn tin vào thông tin về rò rỉ phóng xạ của chính phủ cũng như truyền hình, bà bắt đầu tìm hiểu mọi chuyện trên mạng và kết nối với những bà mẹ khác bằng trang mạng xã hội Twitter và Facebook. Trong số đó, không ít người mới chân ướt chân ráo bước vào mạng xã hội. 

 
Thông tin về mức độ nhiễm phóng xạ trên gói nấm Maitake được liệt kê đầy đủ trên mạng. Ảnh: AP 

Bà mẹ 41 tuổi này đã tham gia vào nhóm cha mẹ đưa ra kiến nghị quan chức địa phương kiểm tra phóng xạ tại bữa cơm trưa ở trường học và các trung tâm chăm sóc sức khỏe hồi tháng 6-2011. Ngoài ra, nhóm này cũng đề nghị tránh dùng những sản phẩm sản xuất từ khu vực gần Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima. “Đây là lần đầu tiên mọi người trong nhóm tham gia những hoạt động như thế” – bà Nakayama tiết lộ. 

Nhóm của bà Nakayama đạt được thành công nhất định như nhà chức trách ở phường Setagaya – Tokyo ngay lập tức công khai mức độ nhiễm phóng xạ trong sữa. Nakayama cảm thấy nhóm của bà đã làm nên điều khác biệt từ những việc cỏn con. “Phụ nữ trong độ tuổi 30-40 hằng ngày bận rộn với chuyện chăm lo con cái và công việc. Tuy nhiên, lần này chúng tôi cảm thấy tiếng nói của mình có trọng lượng” – bà Nakayama nói.

“Nắm đằng chuôi”

Trong những tuần lễ ngay sau thảm họa, thất vọng trước những thông tin sơ sài về Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi của chính phủ, nhiều người dân Nhật tìm đến Twitter và các bản tin trực tuyến. Truyền hình mạng OurPlanet-TV (Nhật) đã phát những cảnh quay 2 ngày sau thảm họa do một phóng viên tự do ở gần Fukushima cung cấp.

Nội dung phóng sự cho thấy tỉ lệ nhiễm phóng xạ vẫn còn khá cao. Ngay lập tức, lượng truy cập tăng vọt và kéo dài nhiều tuần liền, hơn 100.000 lượt/ngày so với 1.000-3.000 lượt trước thảm họa. Hãng tin AP dẫn lời sinh viên tên Gohei Kogure cho biết trước đây anh chỉ tin vào tin tức trên truyền hình nhưng sau thảm họa, mọi chuyện đã khác.

Cách xử lý khủng hoảng hạt nhân (vốn bị xem là chậm trễ, rối rắm và thiếu minh bạch) khiến người dân nghi ngờ cả chính phủ lẫn giới truyền thông. Tatsuya Yoshioka, người sáng lập và quản lý nhóm tình nguyện Peace Boat giúp tái thiết sau thảm họa, cho biết: “Chúng tôi đang hướng đến viễn cảnh trong đó người dân “nắm đằng chuôi” chứ không phải chính phủ”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những thay đổi này không đủ lực để thay đổi nền tảng xã hội. Sự giàu có của nước này chính là một trở ngại. Hầu hết người dân Nhật không muốn tạo ra “ồn ào” ngay cả khi không hài lòng với nhà chức trách. Nhà xã hội học Ken Matsuda thuộc Trường Đại học Kansai Gaidai (thành phố Osaka) nhận định rằng cải thiện môi trường sống sẽ tốt hơn việc thay đổi nó. 

Các nhóm nói trên chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời và tự phát. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định Nhật Bản cần phải cải tổ hệ thống chính trị để giải quyết ổn thỏa những vấn đề nhức nhối nhiều năm qua như dân số già đi, nợ công tăng cao...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.