Người thích tìm... cái khổ!

09/01/2012 08:45 GMT+7

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Thú y, Huỳnh Mai (SN 1965) nhà ở ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TPHCM gom tiền dành dụm từ thời sinh viên để xây một chuồng heo rộng hơn 100m² ngay tại vườn nhà. Mai tập trung vốn đầu tư nguồn heo, để lúc nào trong chuồng cũng có từ 50 - 70 con heo thịt.

 
Cô Huỳnh Mai đang chăm sóc bữa ăn trưa cho các cháu mẫu giáo

Nhờ có kiến thức nên việc chăn nuôi heo của Mai bài bản, khoa học. Cứ vài tháng Mai lại kêu các công ty giết mổ gia súc đến để cân bán từ 2 - 3 tấn heo hơi. Chính tay Mai thiết kế hệ thống biogas vừa giải quyết nạn ô nhiễm từ phân heo và nước thải vừa có nguồn gas để sinh hoạt và nấu thực phẩm nuôi heo.

Công việc đang ngon lành, tiền bạc đủng đỉnh, bỗng Mai kêu thương lái cân toàn bộ lứa heo trong chuồng hơn 70 con, để lấy vốn… xây nhà trẻ mẫu giáo ngay trên miếng đất nhà mình. Nhiều người bất ngờ trước thay đổi quá nhanh này, Mai bộc bạch, chỉ vì “thấy cô bác hàng ngày phải đi xa đưa đón con em vất vả, trong ấp lại còn nhiều gia đình quá nghèo, không đủ tiền đưa con đi nhà trẻ, vì thế Mai quyết định mở trường mẫu giáo ngay tại ấp để các cháu được học gần nhà, bố mẹ đỡ phải vất vả khi đưa đón”.

Vậy là chẳng bao lâu, Trường Mẫu giáo Tân Phú với 4 lớp học đầy đủ các phòng chức năng, nhận các cháu từ 18 tháng tới 5 tuổi ngay tại ấp Phú An. Hiện có 110 cháu theo học. Đặc biệt có 17 cháu thuộc diện khó khăn khuyết tật, gia đình quá nghèo như cháu Nguyễn Phùng Huỳnh Như, 5 tuổi (mục “Địa chỉ cần giúp đỡ” của Báo SGGP đã đăng trường hợp bệnh tim của cháu và được nhiều ân nhân gửi tiền giúp cháu có cơ hội mổ tim, nay cháu đã được mổ tim và đang có sức khỏe ổn định tốt); cháu Đỗ Quyên, 4 tuổi, bố mẹ đều bị tâm thần ở với bà ngoại già yếu; cháu Nguyễn Hải Anh bố đi tù, mẹ bỏ đi phải sống với bà nội… 17 cháu có hoàn cảnh đáng thương này đã được cô Huỳnh Mai đón về trường chăm sóc miễn phí 100%.

Để có nguồn trang trải và duy trì hoạt động của các lớp mẫu giáo, cô Huỳnh Mai thu học phí thấp hơn các cơ sở nuôi dạy trẻ khác từ 15% - 25%. Học phí thấp nhưng vẫn có nhiều phụ huynh đóng chậm, thậm chí xin thiếu nợ trả dần. Vậy mà cô chẳng phàn nàn, rồi lý giải rằng: “Quê Mai bà con còn nghèo mà!”. Cũng vì thông cảm với hoàn cảnh của người dân nghèo nên có tháng tiền thu học phí chỉ đủ để “lo cho các cháu những bữa ăn uống đủ chất”. Còn lại, cô Mai phải chạy đôn chạy đáo để đi vay tiền trả lương cho các nhân viên và 8 cô giáo (tổng cộng 12 người). Được cái là các cô giáo (đều tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học sư phạm mầm non) là người trong ấp, họ rất hiểu tấm lòng nhân hậu của cô Mai nên dễ dàng chia sẻ và đồng cảm.

Chưa dừng lại ở đó, gần đây cô Mai lại thành lập cơ sở dạy nghề miễn phí cho người nghèo, khuyết tật lấy tên là Tân Khải để nhận những người khuyết tật chân tay, câm, điếc, mù rồi đào tạo họ thành thợ móc cườm, thợ bạc. Việc ăn ở cho họ cô Mai cũng lo tuốt. Hiện tại cơ sở xây chưa hoàn chỉnh chỉ mới là chỗ che mưa trú nắng, với 3 phòng, không cửa sổ, không tô trét cũng chưa có cổng vào (phải đi bên hông) nhưng hơn 20 anh chị em khuyết tật vẫn chăm chỉ với những thao tác nhuần nhuyễn để cho ra những sản phẩm bằng cườm, bạc mỹ nghệ tinh xảo.

Thấy cơ ngơi còn bề bộn quá, với trăm thứ còn phải lo toan, tôi ái ngại hỏi: “Công việc còn đa đoan thế này, Mai có cảm thấy mệt mỏi không?”. Thật bất ngờ tôi nhận được câu trả lời đầy quyết tâm của Mai: “Mệt mỏi lắm chứ anh, tài mình ít, lực mình yếu nên đôi khi cũng đắn đo. Nhưng khi nhìn thấy các anh chị em khuyết tật từ trước đến giờ sống lặng lẽ, bế tắc và mặc cảm, nay chỉ sau từ 3 - 6 tháng họ đã có một cái nghề để độc lập kiếm sống, được hòa nhập bình đẳng với xã hội là em cảm thấy hạnh phúc rồi”.

Vâng, với Mai thì tôi tin, đó là những tâm huyết cháy bỏng của một tấm lòng nhân hậu, một tâm hồn luôn hướng về tha nhân, những người cùng khổ. Và như nhiều người dân trong ấp gọi yêu Mai là “Người thích tìm… cái khổ”.

Thật đáng quý và trân trọng biết bao!

Theo Sài Gòn Giải Phóng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.