Đối phó với stress

10/01/2012 04:29 GMT+7

Chuyện ăn ở, học hành, thi cử và cả yêu đương đã làm cho một số sinh viên (SV) thực sự lo lắng dẫn đến mệt mỏi.

Chuyện ăn ở, học hành, thi cử và cả yêu đương đã làm cho một số sinh viên (SV) thực sự lo lắng dẫn đến mệt mỏi.

Lấy rượu bia và thuốc lá để giải sầu

Huỳnh Long - SV một trường ĐH, chia sẻ: Đang trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ, vì phải thi liên tiếp nhiều môn, kiến thức quá nhiều khiến căng thẳng. Long cũng cho biết nhiều bạn trong lớp cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Nhiều nguyên nhân khác khiến SV bị stress như: thi rớt, bất đồng quan điểm với bạn bè trong nhóm học tập, không có phương pháp học hiệu quả dẫn đến điểm số không như mong muốn, giảng viên dạy không lôi cuốn... Ngoài ra, những khó khăn về học phí, thiếu phương tiện học tập cũng khiến nhiều SV rơi vào trạng thái mệt mỏi.

“Mình cứ bị ám ảnh điểm thi giữa kỳ không cao, sợ thi cuối kỳ không tốt sẽ không kéo điểm lên được nên chẳng thể tập trung ôn bài, cứ lo nghĩ hoài”, Khương Xuân - SV Trường ĐH Mở TP.HCM tâm sự. Còn Kim Thoa - SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Những lúc căng thẳng sức khỏe bị ảnh hưởng, tinh thần bị dao động cứ mất ngủ và chẳng thể học bài được vì khả năng tập trung bị suy giảm đáng kể”. Có chung lý do, Thúy Hương - SV Trường ĐH Kinh tế - Luật, than vãn: “Sợ nhất bị stress vì khi đó luôn phải lo âu, cảm xúc thất thường, bị mệt mỏi và đau đầu khó chịu”.


Áp lực thi cử và học hành làm cho sinh viên lo lắng dẫn đến dễ bị stress - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi gặp những tình huống trên, tùy mỗi người tìm cho mình những cách riêng để đối phó với stress. Tuy nhiên, không ít cách trong đó lại là những suy nghĩ tiêu cực, sai lầm.

Khương Xuân kể những lúc như vậy, chỉ biết tìm đến rượu, bia hay thuốc lá. Tiếp xúc với nhiều SV, chúng tôi còn nghe họ liệt kê hàng loạt những cách thức mà bản thân từng áp dụng mong để vượt qua stress trong học tập như: rủ nhau lập sòng chơi bài, bỏ học vài ngày, tập trung vào các trò chơi trên internet…

Với SV nữ, nhiều bạn tâm sự chỉ biết ngủ, khóc hay ăn thật nhiều để quên đi chuyện buồn, lo lắng. T. - SV một trường ĐH ở TP.HCM, kể cách đây hơn 1 tháng, từng bị stress vì nhìn lại bảng điểm tích lũy quá thấp, chưa có chứng chỉ TOEIC 500 và chứng chỉ B tin học theo quy định của nhà trường trong khi thời gian tốt nghiệp đã cận kề khiến bản thân mệt mỏi. “Mình chỉ biết đóng cửa phòng, không ăn uống rồi coi phim suốt ngày đêm”.

Đánh tan stress

Hoàng Lâm - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết đã từng bị stress trong học tập rất nhiều nhưng đều vượt qua được. Lâm chia sẻ nên chủ động hơn trong học tập, cần có kế hoạch và mục tiêu phù hợp. Còn Vũ Quý - SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng đúc kết kinh nghiệm: “Nên học tập và làm việc nhóm vì khi căng thẳng hoặc có nhiều áp lực, SV trong nhóm có thể hỗ trợ nhau về tinh thần, kiến thức, khả năng, như thế việc học trở nên dễ dàng hơn. Vừa học kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn để tránh mệt mỏi quá sức. Ngoài ra, SV cần tham gia vào các hoạt động ngoại khóa do sẽ giúp SV thư giãn, tăng thêm các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, có thêm kinh nghiệm sống”.

Theo Quý, sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, nhà trường và giảng viên cũng góp phần giúp SV có thể vượt qua stress. “Mình mong nhà trường tạo điều kiện để SV thực hành tốt hơn. Không nên dạy dồn ép, chạy chương trình để SV bớt khổ”, Vũ Quý tâm sự.

Thục Loan - SV Trường ĐH Văn Lang, cho rằng cần có các buổi nói chuyện chuyên đề hỗ trợ SV về phương pháp học đại học. Nên mở lớp, hay một cuộc hội thảo về chủ đề stress cũng như các biện pháp ngăn ngừa stress trong cuộc sống. Mở các lớp kỹ năng tương tác, tăng mối quan hệ qua giao lưu với thầy cô và bạn bè.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi SV đã bị stress, giải pháp căn cơ nhất là giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chẳng hạn SV căng thẳng do đang “bí” đề tài để làm tiểu luận trong khi hạn nộp đã gần kề, lúc đó nên hỏi ý kiến bạn bè, tư vấn ở thầy cô, tra cứu tại thư viện… để tìm ra ý tưởng.

“SV có thể sử dụng một vài kỹ thuật xả stress tạm thời như: Tạm dứt bỏ những lo âu để đầu óc được thư giãn, có thể kết hợp nghe một bản nhạc yêu thích hoặc vận động tay chân nhẹ nhàng. Hay đơn giản là chợp mắt vài mươi phút để thần kinh được phục hồi; sau đó tham gia một môn thể thao nào đó vừa giải stress vừa để hít thở không khí mát mẻ trong lành. Nếu không, hãy vào bếp trổ tài nấu một món bánh thú vị mà lâu rồi bạn chưa được ăn” - thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.

Làm gì khi “pin” cạn?

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên SV cần đảm bảo sức khỏe, khi “pin” cạn mà không được “sạc” đầy sẽ khiến thần kinh mệt mỏi dẫn đến tiếp thu kém, gây căng thẳng trong học tập. “Căn bệnh” phổ biến của SV là không ngủ đủ giấc, ít vận động cơ thể, hay lạm dụng cà phê và các chất kích thích chỉ để tỉnh táo tạm thời.

Học tập cần có chiến lược. Nếu chỉ biết có gì học đó, nhắm mắt cố gắng học tới đâu hay tới đó thì hiệu quả không cao, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. “Thà để giọt mồ hôi rơi trên trang sách còn hơn là giọt nước mắt cuối mùa thi”. Để tránh căng thẳng do khối lượng bài vở quá nhiều, SV nên “học bài nào xào bài ấy”. Điều đó vừa giúp quá trình tiếp thu trên lớp được tốt và liên tục, vừa giúp đầu óc giảm tải vào những ngày vượt vũ môn.

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.