Chặng đường khó khăn của hoạt hình Việt

08/01/2012 02:47 GMT+7

Nhiều người trong nghề và khán giả đang có cái nhìn lạc quan với hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo dựng được thị trường cho phim hoạt hình vẫn còn cả chặng đường khó khăn phía trước.

Nhiều người trong nghề và khán giả đang có cái nhìn lạc quan với hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo dựng được thị trường cho phim hoạt hình vẫn còn cả chặng đường khó khăn phía trước.


Phim Dưới bóng cây - ảnh: Colory cung cấp

Khoảng cách được rút ngắn

Tại Liên hoan phim Việt Nam vừa qua, nhà biên kịch Vũ Kim Dũng - Trưởng ban Giám khảo phim hoạt hình đã không còn ngần ngại khi nhận xét chất lượng các bộ phim tham dự không còn khoảng cách quá xa so với phim nước ngoài. Đạo diễn Phạm Minh Trí cũng lạc quan cho rằng hình ảnh, âm thanh trong phim hoạt hình Việt đã có bước tiến dài. Theo ông, nhờ cách làm phim kỹ thuật số, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới, đã mang lại cho phim hoạt hình trong nước diện mạo mới.

Trong những bước tiến của hoạt hình Việt, không thể không nhắc tới “làn gió” mới từ các công ty, nhóm làm phim tư nhân. Những cơn sốt liên tiếp khi bộ phim Dưới bóng cây  (Colory), hay Cô bé bán diêm (True-D)… ra mắt, khiến nhiều người phải giật mình, có cái nhìn khác về phim hoạt hình trong nước. Đạo diễn Phạm Minh Trí chia sẻ: “Họ là những gương mặt mang đến luồng sinh khí mới, tác động mạnh mẽ đến những người làm phim hoạt hình thuộc thế hệ cũ. Sự xuất hiện của họ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trong môi trường sản xuất phim hoạt hình hiện nay”.

Không thể phủ nhận hoạt hình Việt Nam đã có những bước dịch chuyển đáng kể, nhưng hiện tại vẫn chưa tạo được thị trường. Vì sao?

Phải có bứt phá về tư duy

Liên hoan phim hoạt hình, tại sao không?

Từ lâu, người làm nghề luôn mong muốn có một liên hoan phim trong nước dành riêng cho thể loại hoạt hình. Nhưng đến nay, chưa có liên hoan phim hoạt hình nào được tổ chức. Đạo diễn Phạm Minh Trí cho rằng, với nguồn kinh phí hạn hẹp, vẫn có thể tổ chức liên hoan phim hoạt hình trên mạng. Theo ông, việc trình chiếu các bộ phim trên mạng có tác dụng quảng bá rất mạnh mẽ và người làm nghề cũng có thể dễ dàng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau.

Theo đạo diễn Phạm Minh Trí, các bộ phim hoạt hình hiện nay chủ yếu vẫn được làm theo lối “cổ điển”, dài trung bình 6 - 10 phút. Trong khi, phim chiếu rạp cần dài khoảng 90 phút, phim hoạt hình phát trên truyền hình cần làm theo dạng nhiều tập, còn phim ngắn chỉ nên dài khoảng 2 - 3 phút. Ông cho rằng làm phim ngắn có thể tốt nhưng làm phim dài lại là chuyện khác. “Để làm phim dài, phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi khâu sản xuất. Thời gian, kinh phí, hạ tầng sản xuất, kịch bản phải đầu tư hơn gấp nhiều lần so với làm phim ngắn”, ông bày tỏ.

Ông Đoàn Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Colory, cho biết cái khó khi thực hiện phim dài không nằm ở kỹ thuật mà ở khâu kịch bản. “Kỹ thuật có thể học hỏi, nhưng nếu không có kịch bản hấp dẫn, sẽ rất khó kêu gọi nhà đầu tư sản xuất”, ông cho hay.  Bên cạnh yếu tố kịch bản, đạo diễn Phạm Minh Trí cho rằng tư duy của đạo diễn phim hoạt hình cũng cần có nhiều thay đổi, bứt phá mạnh mẽ. “Với nhu cầu phát triển, ngôn ngữ hoạt hình cần phải thay đổi theo, như vậy mới đáp ứng trí tưởng tượng của khán giả”, ông nói.

Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất phim hoạt hình vẫn chưa tính đầu ra, lợi nhuận của bộ phim. Hai cơ sở sản xuất phim hoạt hình lớn của nhà nước là Hãng phim sản xuất phim hoạt hình Việt Nam và Xưởng sản xuất phim hoạt hình (thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam) chủ yếu làm phim theo đơn đặt hàng. Bộ phim Dưới bóng cây được Colory sản xuất không với mục đích trình chiếu thu lợi nhuận, mà đơn thuần chỉ là bước đi thử nghiệm, thâm nhập trong lĩnh vực mới. Không chỉ Colory, nhiều công ty, nhóm làm phim tư nhân mới đang dừng ở mức thăm dò khán giả. Trong khi đó, chỉ khi mục đích kinh doanh được đặt ra mới có thể kích thích tính cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa, phát triển của các cơ sở sản xuất phim, tạo thị trường cho phim hoạt hình.

Số lượng khán giả trong nước yêu thích phim hoạt hình không hề nhỏ. Các rạp chiếu không ít lần cháy vé, hay tăng suất chiếu với nhiều bộ phim hoạt hình “made in Hollywood” như Kungfu Panda, Rio... Có thể thấy nhu cầu của khán giả là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, có tận dụng được hay không lại phải trông chờ vào những sự dấn thân, đột phá mới.  

Minh Ngọc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.