Đá nhái kim cương

07/01/2012 00:29 GMT+7

Tình trạng lập lờ trong kinh doanh hàng trang sức, bán đá nhái, giả kim cương với giá kim cương gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) đã đến mức báo động.

Tình trạng lập lờ trong kinh doanh hàng trang sức, bán đá nhái, giả kim cương với giá kim cương gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) đã đến mức báo động.

Một hội thảo về vấn đề này đã diễn ra ngày 6.1 ở TP.HCM do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM tổ chức với sự tham dự của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp (DN). Ông Lê Hữu Hạnh - Phó TGĐ Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết: “Đánh vào tâm lý ham hàng giá rẻ của NTD, một số DN áp dụng các chiêu thức quảng cáo, giảm giá 30%, 50%, 70%... đối với mặt hàng đá nhái với tên gọi kim cương nhân tạo. Tuy nhiên dù giá đã giảm nhưng NTD vẫn phải mua với mức giá rất cao so với giá trị thực. Giá giữa các loại đá đang bán trên thị trường chênh lệch nhau từ 4 lần đến 40 lần”.

''Loại đá này có giá chỉ 30.000 - 100.000 đồng/viên trong khi giá họ bán đến 1 - 1,5 triệu đồng/viên'' - Ông Nguyễn Thành Nghiêm, GĐ Công ty giám định SJC Chợ Lớn

Ông Nguyễn Thành Nghiêm - Giám đốc Công ty giám định SJC Chợ Lớn - thông tin: “Có tình trạng DN bán loại đá giả kim cương với giá rất cao so với giá trị thực. Để thuyết phục người mua, DN này công bố bảo hành vĩnh cửu. Thế nhưng thực chất nếu sản phẩm này có vấn đề gì, NTD đem trở lại bảo hành thì họ sẽ âm thầm thay cho khách hàng viên đá khác bởi loại đá này có giá chỉ 30.000 - 100.000 đồng/viên trong khi giá họ bán đến 1 - 1,5 triệu đồng/viên”.

Thạc sĩ Đoàn Thị Anh Vũ - giảng viên Khoa Địa chất chuyên ngành ngọc học Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM - cho biết: “Năm 1953, người ta đã sản xuất ra kim cương nhân tạo có giá thành bằng 50% kim cương thiên nhiên và hiện nay giá thành khoảng 30%. Loại kim cương này tuy có độ cứng hoàn hảo nhưng màu và độ sạch kém, không đạt chuẩn ngọc quý trong trang sức. Năm 1970, Mỹ sản xuất thành công kim cương quý tổng hợp có đầy đủ tính chất hóa học như kim cương thiên nhiên. Tuy nhiên, giá thành của loại này cao hơn kim cương tự nhiên gấp nhiều lần nên hiếm khi xuất hiện trên thị trường”.

Ông Nguyễn Thành Nghiêm cũng cho biết nhiều nơi quảng cáo, giới thiệu bán kim cương nhân tạo. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm làm giám định đá quý, dù rất mong gặp một viên kim cương nhân tạo xem ra sao nhưng ông vẫn chưa bao giờ thấy. Các loại “kim cương nhân tạo” được giới thiệu thực ra chỉ là đá tổng hợp được mài cắt giống như kim cương mà thôi. Loại đá này sau khi đeo từ 1 tuần - 1 tháng sẽ bị trầy. Các DN kim hoàn thường gọi loại đá này là đá CZ, trước đây được gọi là xoàn Úc, xoàn Canada. Đá được sản xuất đại trà nên có giá rất rẻ. Theo ông Nghiêm, cần có quy định về việc phải gọi những loại đá giả, nhái kim cương là đá thời trang, đá trang sức, không được ghi là kim cương nhân tạo.


Những viên đá CZ được “dán nhãn” kim cương nhân tạo để bán với giá cao gấp hàng trăm lần so với giá trị thực - Ảnh: Đ.N.Thạch

Để phân biệt kim cương nhân tạo và đá tổng hợp CZ, theo ông Nghiêm, NTD có thể dùng một miếng giấy nhám chà lên, nếu viên đá mờ ngay thì đó là đá CZ, còn nếu vẫn sáng thì là kim cương. Tuy nhiên, phương pháp thử này không áp dụng được đối với đá moissanite (một trong những loại đá nhái kim cương) do độ cứng của loại đá này gần bằng kim cương. Cách khác để nhận biết kim cương là tỷ trọng kim cương là 3,52, còn đá CZ là 5,8 (nặng gấp đôi kim cương). Theo ông Trần Ngọc Trí - giáo viên Trung tâm dạy nghề mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, có một cách phân biệt kim cương rất đơn giản: NTD kẻ 2 vạch mực, úp viên đá lên 2 vạch này. Nếu 2 vạch mực nhòe đi thì đó là kim cương, nếu vệt mực không thay đổi thì là đá giả kim cương.

Thanh Xuân

>> Kim cương nhân tạo siêu rắn
>> Lập lờ đá nhái kim cương
>> Cảnh giác với đồ trang sức dỏm
>> Kinh doanh lừa đảo
>> Muôn mặt đá quý
>> Hấp dẫn kim cương nhân tạo
>> Kim cương nhân tạo
>> Món quà cưới độc nhất vô nhị
>> Tro tàn biến thành... kim cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.