Tăng thu phí không thể giảm kẹt xe

02/01/2012 01:39 GMT+7

Cả 2 loại phí lưu hành xe cá nhân và phí lưu thông giờ cao điểm mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất đều khó khả thi ở khía cạnh hạn chế xe cá nhân và giảm kẹt xe, nhưng có nguy cơ lạm thu và tiếp tục chất thêm gánh nặng cho người dân.

Theo tờ trình Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, cả ô tô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí có tên gọi “phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”. Trong đó, ô tô tùy dung tích sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng/năm và cao nhất 50 triệu đồng/năm. Đồng thời, mô tô, xe máy tại các thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng phải đóng phí với mức 500.000 đồng/năm cho xe có dung tích dưới 175 cc và 1 triệu đồng/năm cho xe trên 175 cc.

''Người sở hữu ô tô sẽ tính toán và né đi vào trung tâm vào thời điểm thu phí. Chẳng hạn, 8 giờ 30 sáng hết thu phí thì ngay sau thời điểm này, ô tô mới bắt đầu chen chúc vào TP và khi đó, kẹt xe không thể giảm mà chỉ dời từ thời điểm này sang thời điểm khác, nguy cơ kẹt xe càng cao hơn'' - Ông Vũ Đức Thắng, Phó chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất thu phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm với đối tượng thu là ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công và xe buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6 - 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 - 19 giờ hằng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Phương thức thu là qua các trạm thu phí ô tô và chỉ thu chiều vào với mức thu dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người trên 7 chỗ ngồi…). Khu vực thu và mức thu cụ thể giao UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của HĐND cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương.

Người dân không có lựa chọn nào khác

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) - cho rằng đề xuất của Bộ GTVT là nhằm mục tiêu hạn chế xe cá nhân và giảm kẹt xe. Tuy nhiên, với đặc thù của các đô thị VN hiện nay, nếu chỉ đơn thuần đánh thêm phí lưu hành và phí lưu thông giờ cao điểm thì không thể giảm thiểu được xe cá nhân. Bởi xe cá nhân, đặc biệt xe máy, là loại phương tiện đi lại và làm ăn hiệu quả nhất của người dân. Nhu cầu đi lại của người dân là tất yếu, do đó việc thu phí, tăng phí, tăng thuế không thể cản trở nhu cầu này, mà chỉ là một điều kiện để người dân cân nhắc lựa chọn phương tiện đi lại.

Ông Nguyên cũng phân tích, ở các nước, việc hạn chế xe cá nhân có hiệu quả là do đảm bảo cho người dân một hệ thống phương tiện công cộng tốt. Cho nên, khi có thêm một khoản phí đánh vào xe cá nhân, người dân sẽ cân nhắc trên cùng một lộ trình thì chọn đi xe nào có lợi hơn. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng tại TP.HCM và Hà Nội hiện quá èo uột, chưa thể đảm đương vai trò thay thế xe cá nhân, vì vậy, dù có thu phí thì người dân cũng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đóng phí để đi lại. Chưa kể, khác với đặc điểm các nước là phương tiện ô tô tương đối phổ biến, thì ở VN, hầu như chỉ có những người khá giả mới có thể sở hữu ô tô (giá thường đắt gấp 2 - 3 lần giá thế giới). Người dân có tiền mua ô tô, thì không lý gì họ vì một khoản phí mà bỏ không ô tô ở nhà để chuyển qua đi xe buýt.

Còn theo đánh giá của ông Vũ Đức Thắng - Phó chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), việc đánh phí lưu hành trên đầu phương tiện thoạt nghe có vẻ dễ thực hiện song lại mang tính cào bằng và khó kiểm soát trên thực tế. Với cách thu này, người sử dụng xe ít hay nhiều đều phải đóng như nhau và như thế về bản chất, phí lưu hành cũng chẳng khác gì phí đăng ký sử dụng xe. Chưa kể, việc đề xuất thu phí hằng năm với xe máy là khó khả thi, nguy cơ thất thu lớn. Quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã có hơn chục năm nay, song thực tế hầu hết chủ xe máy chỉ mua bảo hiểm khi mua mới xe (để đủ thủ tục đăng ký trước bạ), rất hiếm trường hợp mua bảo hiểm định kỳ cho xe máy đang lưu hành. Không khó dự đoán, với cách thu trên đầu phương tiện, chi phí tổ chức bộ máy thu phí hằng năm sẽ rất lớn, và nếu làm không hiệu quả, số tiền thu được có thể còn không đủ để nuôi bộ máy thu phí cồng kềnh.

Riêng đề xuất thu phí ô tô lưu thông giờ cao điểm vào trung tâm TP, có thể dự đoán ngay là tình hình giao thông sẽ cực kỳ rối loạn trước và sau giờ cao điểm. “Người sở hữu ô tô sẽ tính toán và né đi vào trung tâm vào thời điểm thu phí. Chẳng hạn, 8 giờ 30 sáng hết thu phí thì ngay sau thời điểm này, ô tô mới bắt đầu chen chúc vào TP và khi đó, kẹt xe không thể giảm mà chỉ dời từ thời điểm này sang thời điểm khác, nguy cơ kẹt xe càng cao hơn. Chưa kể, bố trí trạm thu phí thế nào để thu đúng đối tượng và không gây kẹt xe ngược trở lại cũng là vấn đề rất nan giải” - ông Thắng nói. Đó là chưa nói đến sự bất công đối với người sử dụng ô tô sống giữa khu vực trung tâm với người sống ngoài khu vực này.


Phương án thu phí lưu hành ô tô, xe máy, phí vào nội đô của Bộ GTVT chỉ có ý nghĩa về mặt tăng thu cho nhà nước - Ảnh: D.Đ.Minh

Báo động tình trạng lạm thu

Nếu làm một phép tính sơ bộ, có thể thấy số tiền Bộ GTVT đề xuất thu của người sở hữu phương tiện cá nhân là rất lớn. Hiện số lượng xe máy tại TP.HCM đã hơn 5,2 triệu chiếc, Hà Nội khoảng 4 triệu chiếc. Với mức thu xe máy từ 500.000 - 1 triệu đồng/năm/xe, chỉ riêng phí lưu hành xe máy tại 2 đô thị lớn này đã lên đến hơn 5.000 tỉ đồng (chưa kể tại 3 TP Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng). Riêng phí lưu hành ô tô cho hơn 1,8 triệu chiếc trên cả nước, nếu chỉ tính mức trung bình 30 triệu đồng/chiếc, thì con số thu được hằng năm có thể lên đến 54.000 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, phí lưu thông đối với hàng chục ngàn lượt xe vào trung tâm giờ cao điểm cũng không nhỏ.

Ông Đặng Văn Khoa - nguyên đại biểu HĐND TP.HCM - cho rằng đề xuất thu số tiền quá lớn và đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục triệu người dân nhưng lại được Bộ GTVT đưa ra vội vàng và thiếu cơ sở thuyết phục, nhất là chưa thấy đưa ra lấy ý kiến người dân. “Do thiếu điều tra xã hội học về các phản ứng của người tham gia giao thông, nên Bộ GTVT đã không thể tính toán được, liệu với 2 loại phí mới này, số lượng xe cá nhân và tình trạng kẹt xe có giảm và giảm được ở mức độ nào? Chưa kể, mức phí được đưa ra trên cơ sở nào, tại sao lại lên đến 1 triệu đồng/năm/xe máy và 50 triệu đồng/năm/ô tô? Số tiền khổng lồ thu được hằng năm sẽ được sử dụng cho mục đích gì?” - ông Khoa đặt câu hỏi.

Theo ông Khoa, thực tế thời gian qua người sở hữu xe cá nhân đã phải đóng góp quá nhiều khoản phí cho giao thông, trong đó có phí lưu thông trong xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít thu hơn chục năm nay, phí tại hàng loạt trạm thu phí trên cả nước. Chưa kể, các cơ quan chức năng cũng đang đề xuất hàng loạt loại phí khác như: phí bảo trì đường bộ, tăng thuế trước bạ, tăng phí đăng ký biển số, giấy xác nhận chỗ đậu xe, mở tài khoản 20 triệu đồng trong ngân hàng… Việc ồ ạt đề xuất các khoản phí đối với phương tiện giao thông đang báo động tình trạng lạm thu, tạo ra sự bất công khi mà hạ tầng và điều kiện tham gia giao thông hiện không hề tương xứng với số tiền người dân phải đóng góp.

Chỉ có ý nghĩa tăng thu

PGS-TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, ĐH GTVT Hà Nội - nhìn nhận, đề xuất của Bộ GTVT chưa hợp lý ở chỗ VN không có phương tiện thay thế. Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đều chưa có hạ tầng cơ sở ở vòng ngoài TP như bãi đỗ xe đủ rộng cho người dân có thể gửi xe trước khi vào nội đô, hay chưa đủ phương tiện công cộng để người dân đi vào trung tâm. Nếu không có phương tiện thay thế, việc thu phí vào trung tâm chỉ có ý nghĩa tăng thu, chất thêm khó khăn cho người tham gia giao thông.

Ở khía cạnh khác, TS Khuất Việt Hùng - Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, ĐH GTVT - cho rằng, về mặt công nghệ, việc áp dụng thu phí bằng hệ thống thu phí tự động thông minh với ô tô không khó thực hiện (có thể gắn thiết bị OPU trên xe, trong thiết bị có thông tin tài khoản, chủ phương tiện…). Nhưng việc thu phí với xe máy không dễ thực hiện do để xây dựng hệ thống dữ liệu với hàng chục triệu xe máy hiện nay rất khó.

Nhìn nhận về vấn đề tại sao không thu phí với xe công, TS Hùng cho rằng đây có thể là cách đặt vấn đề của Bộ GTVT, vì xe công phục vụ mục đích công vụ, nếu áp dụng thu phí sợ sẽ bị các cơ quan nhà nước khác phản ứng bất lợi.

Mai Hà

Phương Thanh

>> Thu phí tự động ô tô vào trung tâm TP.HCM: Sai quy trình, chưa hợp luật
>> Tuân thủ các quy định đơn giản để giảm kẹt xe
>> Thu phí tự động ô tô vào trung tâm TP.HCM: Giảm kẹt xe hay thu tiền?
>> Sân bay Tân Sơn Nhất triển khai trạm thu phí không dừng xe
>> Hạn chế ô tô vào trung tâm TP.HCM theo biển số chẵn - lẻ: Lại một giải pháp không khả thi
>> Thu phí tự động ô tô vào trung tâm TP.HCM: Vẫn chưa thuyết phục
>> Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Làm liều?
>> Chống kẹt xe hay chỉ để thu tiền?
>> Đánh thuế trên từng cây số
>> Thu phí ô tô tự động ở TP.HCM: Được không?
>> Nhếch nhác giao thông Sài Gòn: Xe nhiều, bãi đậu ít
>> Nghịch lý xe buýt ở TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.