Đừng chê thực phẩm màu đen

29/12/2011 09:41 GMT+7

Thường ngày chúng ta vẫn hay tiếp xúc với các loại thực phẩm có màu đen như gà ác, mè đen, đậu đen, gạo nếp cẩm… Màu đen thường không được nhiều người thích nhưng trong việc lựa chọn thực phẩm thì điều này lại là một sai lầm.

Thường ngày chúng ta vẫn hay tiếp xúc với các loại thực phẩm có màu đen như gà ác, mè đen, đậu đen, gạo nếp cẩm… Màu đen thường không được nhiều người thích nhưng trong việc lựa chọn thực phẩm thì điều này lại là một sai lầm.

Chẳng hạn như gà ác (còn gọi là gà đen, gà chân chì…) thì thịt của chúng là một vị thuốc quý mà y học cổ truyền gọi là “ô kê nhục”. Thịt gà ác rất giàu vitamin, gồm khoảng 18 loại acid amin, nhiều loại vitamin như A, B1, B2, B6, E, PP… và các nguyên tố vi lượng nên được dùng để hỗ trợ điều trị trong các trường hợp bị bệnh về phổi, thận, mồ hôi trộm, đau lưng, đái tháo đường, di tinh, hoạt tinh, kiết lỵ lâu ngày, nóng trong xương, chân tay yếu mỏi, thiếu máu… Do đó, người vừa khỏi bệnh, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh, người già yếu, trẻ còi xương,… ăn thịt gà ác rất tốt.

Gạo nếp cẩm thì đã được nhiều nhà khoa học phương Tây thừa nhận là “siêu thực phẩm”. Mới đây, một nhóm nhà khoa học ở Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm và phát hiện hàm lượng rất cao chất chống ôxy hóa anthocyanin. Các nhà khoa học cho rằng chất chống ôxy hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư.

Kinh nghiệm dân gian ở nước ta ghi nhận việc phụ nữ có thai sắp sinh con nếu thường xuyên ăn món chè mè đen thì sẽ dễ sinh; sau khi sinh, nếu  thiếu sữa thì đem sao hạt mè đen với muối, giã ăn hằng ngày. Để chữa nhọt lở lâu ngày không liền miệng, lấy mè đen 20 – 30 g sao cháy, giã đắp hằng ngày.

Y học cổ truyền cũng ghi nhận việc danh y Tuệ Tĩnh dùng hạt mè đen sao cháy tán bột, mỗi lần uống 12 g với một ít rượu pha mật hoặc nước gừng để chữa đau lưng, rất hiệu nghiệm. Chè mè đen nấu với hạt sen là món ăn, vị thuốc an thần thông dụng của dân ta. Dầu mè đen thì đã được khẳng định là có tác dụng hạ cholesterol trong máu vì chứa nhiều acid béo không bão hòa.

Đậu đen là thực phẩm quen thuộc, dân dã và rất lành. Quả già còn sống đem luộc hoặc hạt phơi khô nấu chè đều là những món ăn rất ngon. Trong số các acid amin có ở đậu đen thì có rất nhiều thứ cần cho cơ thể như phenylamin, lyxin, meslionin, leuxin, tritophan,  histiclin... Trong đông y, đậu đen được ghi nhận là có tính mát, vị ngọt và là thuốc bổ âm, bổ can thận, bổ huyết, giải độc, trừ phong nhiệt độc, lợi tiểu.  Được ghi nhận là tá dược tốt trong đông y nhưng do đậu đen có tính mát nên những ai bị loét hành tá tràng hoặc dễ tiêu chảy... khi ăn các món chế biến từ đậu đen nên kèm chút gừng tươi hoặc sau đó uống một ít chè thuốc sẽ yên tâm hơn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.