Vô cảm

27/12/2011 01:47 GMT+7

Trong vụ chủ quán ép nhân viên xăm hình con rết lên mặt xảy ra ở TP.Vũng Tàu, cơ quan công an đã yêu cầu thợ xăm Trần Đại Long tường trình. Trong khi đó, ý kiến của luật sư cho rằng thợ xăm này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ chủ quán ép nhân viên xăm hình con rết lên mặt xảy ra ở TP.Vũng Tàu, cơ quan công an đã yêu cầu thợ xăm Trần Đại Long tường trình. Trong khi đó, ý kiến của luật sư cho rằng thợ xăm này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Kể lại với PV Thanh Niên, thợ xăm Long thừa nhận đã nhìn thấy các dấu hiệu như: mặt nạn nhân G. có nhiều chỗ thâm tím và bị trầy xước cùng “nỗi buồn khó tả”. Lẽ ra, khi nhìn thấy những dấu hiệu bất thường trên của 2 người khách và thừa hiểu việc xăm hình con rết lên mặt là rất phản cảm, thợ xăm Long nên chủ động liên hệ cơ quan chức năng để thông báo sự vụ. Nếu làm như thế, đã có thể ngăn chặn được hậu quả tổn thương ghê gớm cả về thể xác lẫn tâm hồn của G. Thế nhưng, sau cùng anh ta vẫn xăm theo yêu cầu của cô gái đi cùng nạn nhân.

Thực tế cuộc sống cho thấy một số người vẫn suy nghĩ theo lối vô cảm rằng: miễn sao mình đừng phạm pháp, ai làm gì mặc kệ nên chẳng cần phải ngăn cản. Có thể, khi đó người thợ xăm Long cũng nghĩ như thế. Anh ta cho rằng mình không làm thì cũng có người khác làm và chỉ thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân cũng chẳng hề phản đối. Nếu nghĩ thế, Long quên mất rằng chính quyết định cuối cùng của anh đã tiếp tay cho cái ác, tối thiểu về mặt lương tâm dù không phạm pháp. Dù muốn hay không, Long cũng đã quá vô cảm khi tiến hành xăm.

Trường hợp vô cảm như thế không phải là hiếm gặp. Lâu nay, khi một số hành vi phạm pháp, tàn nhẫn vỡ lở, người ta thường phát hiện ra những nhân chứng biết về vụ việc từ lâu nhưng không lên tiếng. Cứ như thế, những hành động sai trái như cướp giật, buôn bán ma túy, bảo kê, ngược đãi trẻ em, bạo lực học đường, hành hạ người làm… ngang nhiên tồn tại. Đáng lo ngại hơn khi sự vô cảm đang len lỏi vào trong giới trẻ. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã tỏ ra dửng dưng khi vô tư bàn tán những đoạn phim quay cảnh bạo lực học đường. Nhẫn tâm hơn, một bạn trẻ hồi tháng trước còn viết lên trang Facebook để tung hê “khoe thành tích” việc người bạn đi cùng tông chết một cụ già. Tất nhiên, khi đó, bạn trẻ trên đã bị chỉ trích dữ dội vì sự vô cảm đến nhẫn tâm.

Hai lý do chính để những nhân chứng im lặng: cảm thấy vô can vì không liên quan, sợ bị trả thù nếu lên tiếng. Tuy nhiên, chứng kiến điều sai trái mà không lên tiếng thì chẳng còn vô can nữa rồi, vì trách nhiệm một con người không cho phép làm điều đó. Im lặng trước sự sai trái nghĩa là chúng ta đã đồng lõa về mặt tinh thần. Còn nếu vì sợ trả thù thì người ta cũng quên rằng nếu sự việc còn tiếp diễn, nhân chứng sau đó cũng có thể trở thành một trong những người bị hại. Cái ác chẳng bao giờ chừa ai nếu nó tồn tại. Tất nhiên, những cơ quan công quyền cũng cần chứng minh hiệu quả thực thi pháp luật thì mới loại bỏ sự sợ hãi không dám lên tiếng. Vì thế, sự vô cảm cần bị đào thải ra khỏi xã hội không chỉ vì hậu quả của nó làm nguội lạnh tình người mà còn là gốc rễ của tội ác và những điều sai trái.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.