Những cuộc chuyển giao ở Triều Tiên

25/12/2011 01:29 GMT+7

Hai cuộc chuyển giao quyền lực của CHDCND Triều Tiên góp phần định hình lịch sử nước này.

Hai cuộc chuyển giao quyền lực của CHDCND Triều Tiên góp phần định hình lịch sử nước này.

Trong bài xã luận ngày 24.12, báo Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên lần đầu tiên gọi đại tướng Kim Jong-un  là “chỉ huy tối cao” của quân đội nước này. Trước đó, tờ báo này đã viết: “Chúng ta sẽ đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un và trung thành đi theo sự lãnh đạo ấy”. Bài xã luận cũng nói nhà lãnh đạo mới sẽ theo bước những lời chỉ dạy của cha trong các vấn đề quốc nội và đối ngoại của đất nước. Những lời lẽ này càng củng cố dư luận chung rằng tướng Kim Jong-un sẽ kế tục cha, trở thành nhà lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên, dù ban đầu có thể sẽ phải chia sẻ quyền lãnh đạo với một nhóm cố vấn cấp cao và giàu kinh nghiệm.

 
Ba thế hệ lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên: Kim Nhật Thành, Kim Jong-il và Kim Jong-un - Ảnh: AFP

Như vậy, nước này đã trải qua 2 cuộc chuyển giao quan trọng trong lịch sử. Lần thứ nhất là cuộc chuyển giao từ Chủ tịch Kim Nhật Thành, người sáng lập CHDCND Triều Tiên, cho con trai Kim Jong-il và lần thứ hai là cho Kim Jong-un sau khi ông Kim Jong-il qua đời ngày 17.12.

Suýt có đảo chính?

Theo website Globalsecurity.org, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã bắt đầu chuẩn bị cho con trai Kim Jong-il làm người kế tục vào năm 1971. Kể từ thời điểm đó, với sự sắp xếp của cha, ông Kim Jong-il được giao các chức vụ có tầm quan trọng ngày càng tăng trong hệ thống chính trị của CHDCND Triều Tiên. Vai trò lãnh tụ tiếp theo của Kim Jong-il có vẻ như được xác nhận vào năm 1974 và từ mùa thu năm 1975, người dân bắt đầu sử dụng cụm từ “trung tâm của đảng” để nói về ông Kim. Việc thừa kế của ông được chính thức công bố tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 6 vào năm 1980. Ông Kim cuối cùng nắm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, nắm quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang nước này vào tháng 4.1993, một đỉnh cao trong quá trình chuẩn bị kéo dài 22 năm.

Bình Nhưỡng đổi hệ thống mã hóa

Ngày 24.12, báo Dong-A Ilbo dẫn nguồn tin tình báo quân sự Hàn Quốc cho hay CHDCND Triều Tiên vừa thay đổi tần số liên lạc bí mật hoặc hệ thống mã hóa nhằm ngăn chặn gián điệp xâm nhập. Sự thay đổi này được thực hiện sau khi quân lệnh đầu tiên của đại tướng Kim Jong-un bị cho là đã rò rỉ. Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin tướng Kim Jong-un ra lệnh binh sĩ tạm ngưng tập trận và trở về căn cứ ngay trước khi KCNA thông báo lãnh đạo Kim Jong-il từ trần. Lệnh này được mã hóa và truyền cho binh sĩ qua tần số vô tuyến điện nhưng đã bị cơ quan tình báo Hàn Quốc giải mã.

Minh Trung

Ngày 8.7.1994, ông Kim Jong-il chính thức trở thành lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời. Một điều thường gây nhầm lẫn là ông không dùng chức danh Chủ tịch CHDCND Triều Tiên vì ông Kim Nhật Thành là Chủ tịch vĩnh viễn của nước này. Ngày 8.10.1997, ông Kim Jong-il nhậm chức Tổng bí thư đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Các nguồn tin không chính thức cho biết đã có ít nhất 2 âm mưu đảo chính chống lại quá trình chuyển giao cho ông Kim Jong-il. Vào năm 1991 hoặc 1992, có thông tin về kế hoạch lật đổ của một nhóm tướng lĩnh được đào tạo ở Liên Xô. Nhóm này dự định ám sát ông Kim và một người em cùng cha khác mẹ nhằm thúc đẩy các chính sách cấp tiến. Nhưng âm mưu này bị phát hiện và những người chủ mưu lãnh án tử.

Năm 1995, một âm mưu khác do các phần tử thuộc Quân đoàn lục quân số 6 ở tỉnh Bắc Hamgyong giáp biên giới Trung Quốc chủ xướng. Cùng với các đồng mưu thuộc Quân đoàn lục quân số 7 kế cận, họ dự định tiến quân về Bình Nhưỡng để giành chính quyền. m mưu này bị Tư lệnh Quân đoàn 6 Kim Yong-chun phanh phui. Nhờ công lao này mà ông Kim được thăng chức Tổng tham mưu trưởng quân đội và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng.

Vào năm 1997, có những dấu hiệu căng thẳng đáng kể trong bộ máy lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên, với một số vụ đào tẩu. Người ra đi cao cấp nhất là ông Hwang Jang-yop. Ông này rời CHDCND Triều Tiên vào ngày 12.2.1997 và ở Hàn Quốc cho đến khi qua đời vào tháng 10 năm ngoái. Khi còn ở Bình Nhưỡng, ông Hwang là một trong những cố vấn thân cận nhất của cả Chủ tịch Kim Nhật Thành lẫn ông Kim Jong-il. Ông có 7 năm làm Chủ tịch quốc hội và được cho là góp phần xây dựng tư tưởng Juche (Chủ thể hay Tự lực), một thành tố chính của Chủ nghĩa Kim Nhật Thành.

 Điều đáng chú ý trong cuộc chuyển giao thứ nhất này chính là việc ông Kim Jong-il có thời gian “tập sự” làm lãnh đạo dài gấp đôi thời gian thực sự cầm quyền. Ông qua đời ngày 17.12 vừa qua.

Lựa chọn dung hòa

Theo Tổ chức nghiên cứu và phân tích tình báo Stratfor, cuộc chuyển giao quyền lực thứ hai của CHDCND Triều Tiên bắt đầu được hoạch định vào năm 2001, khi truyền thông nước này thảo luận về những giá trị của sự kế tục mang tính gia đình. Nhưng do ông Kim Jong-il có 3 con trai nên chưa rõ người kế nhiệm là ai dù con trai cả Kim Jong-nam được xem là có nhiều khả năng được chọn nhất. Tuy nhiên, cơ hội của Kim Jong-nam bị ảnh hưởng nặng nề sau khi người này bị bắt giữ tại Nhật vào năm 2001 khi cố nhập cảnh bằng hộ chiếu giả với ý định tham quan khu Tokyo Disneyland. Stratfor cho rằng vụ việc đã kích hoạt những phản ứng khác nhau bên trong CHDCND Triều Tiên và bắt đầu nảy sinh việc phân chia bè cánh.

Một phái thân Trung Quốc hình thành xung quanh Kim Jong-nam, người được cho là có quan hệ vững chắc ở Bắc Kinh. Nhóm ủng hộ con trai thứ hai Kim Jong-chol bao gồm một số tướng lĩnh lớn tuổi, những người muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hy vọng tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và cả Mỹ.

Một nhân vật quan trọng trong quá trình chuyển giao là ông Jang Song-thaek, em rể ông Kim Jong-il. Ban đầu ông Jang được cho là thuộc nhóm ủng hộ Kim Jong-nam. Trong giai đoạn 2004-2006, ông bất ngờ bị loại khỏi đời sống chính trị Triều Tiên và thậm chí còn bị đưa đi cải tạo. Có tin, lý do cho chuyện này là ông Jang vận động quá cấp tập để Kim Jong-nam được “tha thứ” cũng như củng cố quyền lực cho chính mình. Khi đó, giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên lo ngại việc tranh giành có thể ảnh hưởng đến sự thống nhất và ổn định, tạo cơ hội cho nước ngoài lợi dụng.

Ông Jang bắt đầu hồi phục vị thế từ năm 2008, thời điểm ông Kim Jong-il bị cho là đã trải qua một cơn đột quỵ. Từ lúc này, có vẻ như ông Jang chuyển qua ủng hộ Kim Jong-un, lựa chọn ít nhiều gây bất ngờ của lãnh đạo Kim. Trước nay, do trẻ tuổi nhất nên ít ai dự đoán Kim Jong-un sẽ được chọn. Tuy nhiên, vị tướng trẻ từng đi du học Thụy Sĩ và ngay từ khi còn nhỏ đã là niềm tự hào của ông Kim. Có tin nhà lãnh đạo thường xuyên nói trong những người con thì Kim Jong-un là giống ông nhất. Việc đại tướng Kim trở thành lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên cũng được cho là nhằm cân đối cuộc tranh giành nội bộ.

Tướng Kim hiện được cho là có sự ủng hộ của quân đội, cô ruột là đại tướng Kim Kyong-hui cùng người chồng Jang Song-thaek, theo Reuters. Tuy có đồn đoán rằng ông Jang vẫn duy trì quan hệ với Kim Jong-nam, đang ở Macau, nhưng trước mắt quá trình chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên sẽ không bị gián đoạn.

Kim Jong-nam không về tiễn đưa cha?

Về phần 2 con trai còn lại của lãnh đạo Kim, tờ The New York Times dẫn lời một số chuyên gia của Hàn Quốc cho rằng hiện là thời điểm “nguy hiểm”. Theo đó, Kim Jong-nam và Kim Jong-chol cần “ẩn mình” để chứng tỏ không phải là mối đe dọa cho sự ổn định. Tờ Guardian thì loan tin Kim Jong-nam sẽ không về tham dự lễ tang cha. Tên người này cũng không xuất hiện trong danh sách ban tổ chức tang lễ. “Nếu tôi là Kim Jong-nam thì tôi sẽ không về để giữ an toàn. Đối với một số người, Kim Jong-nam có thể bị xem là đối thủ chính trị”, nhà phân tích Choi Jin-wook thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất quốc gia ở Seoul nói với The New York Times. Con thứ Kim Jong-chol thì được cho là có thể sẽ dự lễ tang nhưng không xuất hiện trên truyền hình.   

 
Kim Jong-nam được cho là đang ở Macau - Ảnh: Guardian

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.