Chuyện tình thời chiến - Kỳ 3: Tình yêu bất tử

26/12/2011 00:42 GMT+7

Họ chỉ sống với nhau 17 ngày đúng nghĩa vợ chồng để rồi xa nhau 21 năm, nhưng bà vẫn chung thủy chờ đợi ông, cho dù cái ngày đoàn tụ là ngày bà đầy cay đắng.

Họ chỉ sống với nhau 17 ngày đúng nghĩa vợ chồng để rồi xa nhau 21 năm, nhưng bà vẫn chung thủy chờ đợi ông, cho dù cái ngày đoàn tụ là ngày bà đầy cay đắng.

>> Kỳ 2: Em vẫn đợi anh về

17 ngày chồng vợ, 21 năm chia xa

Năm 1954, khi ấy bà Nguyễn Thị Để là cán bộ phụ nữ, còn ông Phạm Hùng Vĩnh là sĩ quan quân báo của tỉnh Tiền Giang, hai người gặp nhau và đi đến hôn nhân ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, khôi phục hòa bình tại Việt Nam, vĩ tuyến 17 được lập ra, tạm chia hai miền Nam - Bắc. Hàng vạn chiến sĩ cách mạng chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp phải tạm xa gia đình, vợ con để tập kết ra Bắc với lời hẹn ước gặp lại sau hai năm cùng cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Bà Để nhớ lại: “Sau đám cưới, tụi tui sống với nhau đúng 17 ngày là ông ấy xuống bến tàu Cao Lãnh tập kết ra Bắc. Trước khi đi ông ấy tặng tôi đôi bông tai, tôi tặng ông ấy chiếc áo len và ông ấy nói: Tạm xa nhau thôi em, hai năm sau em lên Bến Thành - Sài Gòn đón anh về. Cho đến giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn giữ đôi bông tai này”.

Như hàng triệu gia đình phải chia xa trong giai đoạn tập kết năm 1954, ai cũng nghĩ đây là một chia ly cần thiết cho mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước. Nhưng bao nhiêu trái tim, bao nhiêu gia đình đã phải chia xa và chờ đợi trong bom đạn mịt mù.

Bà Ba Để ở lại tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn, rất nhiều cán bộ ngày ấy thầm thương trộm nhớ cô cán bộ trẻ tuổi hay cười này, ít ai biết rằng Ba Để đã có chồng. Nhiều lúc tổ chức thấy thương cũng muốn giới thiệu người này người kia, nhưng Ba Để vẫn một lòng chung thủy. Trong mười năm xa cách từ 1954 đến 1964, bà chỉ nhận được bốn lá thư của ông, khi biết bà vẫn chung thủy chờ mình, trong một lá thư gửi cuối năm 1964 ông Vĩnh viết: “Anh không ngờ 10 năm dài đăng đẳng em vẫn còn chung thủy với anh. Anh còn so chuyện Vân Tiên - Nguyệt Nga ngày xưa, chuyện tụi mình có hơn?”.

Sang năm 1965, bà không còn nhận được thư của ông, nhiều người cho rằng ông đã hy sinh, nhưng với bà điều ấy là không thể, bởi bà vẫn tin vào lời hẹn ước “Hai năm sau em lên Bến Thành - Sài Gòn đón anh về”. Năm 1968, trong chiến dịch Mậu Thân, bà bị bắt do chỉ điểm. Qua bao nhiêu đòn tra tấn dã man không khai thác được gì, biết địch có ý định thủ tiêu, khi bị khiêng ngang qua phòng giam nữ tù binh, bà la thật to để mọi người biết: “Chị em ơi bọn nó đem tôi đi thủ tiêu, chị em ở lại mạnh khỏe chiến đấu!”. Trong phòng giam lúc ấy có bà Mười Hà (vợ Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang lúc bấy giờ). Khi được trả tự do, bà Mười Hà về kể cho chồng hay tin Ba Để đã bị địch thủ tiêu, nên sau này khi ra Bắc học tập, ông Mười Hà đã báo với ông Phạm Hùng Vĩnh rằng: “Vợ anh đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân rồi”.

 
Bức ảnh hiếm hoi của ông Vĩnh, bà Để gặp nhau sau ngày giải phóng 1975 - Ảnh: tư liệu

Ngày đoàn tụ đau xé tâm can

Nhưng ý đồ thủ tiêu bất thành, địch đưa bà qua khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo, đến năm 1973, bà Để được trao trả tù binh tại Lộc Ninh và tiếp tục công tác cho đến ngày thống nhất năm 1975 rồi trở về Sài Gòn tham gia tiếp quản thành phố. Đó là những phút giây hạnh phúc chung - riêng tràn ngập, nước nhà hòa bình, thống nhất, vợ chồng sẽ tìm nhau với lời hẹn ước năm xưa: Hẹn gặp nhau giữa Sài Gòn. Vậy mà đó lại là ngày đau xé tâm can người đàn bà chung thủy chờ chồng suốt 21 năm: Ông Phạm Hùng Vĩnh vẫn còn sống và có vợ con ngoài miền Bắc!

Có nỗi đau nào hơn là nỗi đau sau 20 năm chờ đợi ngày đoàn tụ, ngày sum họp lại là ngày lại phải đối diện với sự thật ngang trái: Người chồng mà mình chung thủy chờ đợi suốt hơn 20 năm đã có vợ con. Nhưng với bà, tình yêu luôn là sự hy sinh, tình yêu của bà đối với chồng là vô bờ bến. Trong những lá thư viết cho ông Phạm Hùng Vĩnh vào tháng 7.1975, bà vẫn luôn là một người vợ thủy chung đến tận cùng:

Anh Vĩnh thân mến, em vẫn còn nhớ ngày anh đi, anh dặn em hai năm sau tổng tuyển cử thống nhất nước nhà em sẽ ra Bến Thành - Sài Gòn đón anh. Nhưng chiến tranh kéo dài đến hơn 20 năm...

Em rất thông cảm với nỗi khổ đau của anh. Vì anh Mười Hà đã nói với anh là em bị giặc bắt và thủ tiêu rồi nên anh mới lập gia đình ngoài đó. Mình không hàn gắn được mối tình đầu do kẻ thù gây ra thôi. Nếu chúng ta không còn nghĩa vợ chồng thì coi như tình đồng chí chiến đấu với nhau vậy.

Anh nhận được thư này đừng cho chị ấy biết em còn sống. Em vẫn biết chị ấy cũng như em, em đã đau khổ hai mươi mấy năm rồi nên em không muốn cho ai đau khổ nữa anh ạ…” .

Và với ông Phạm Hùng Vĩnh, một sĩ quan quân báo từng vào sinh ra tử, trong nỗi đau khổ của người chồng mang tiếng phản bội lại tình yêu chung thủy, ông cũng có nỗi niềm riêng, nỗi đau riêng. Trong một lá thư viết cho bà ngay sau khi biết bà còn sống, ông đã tự dằn vặt mình:

“Em thân yêu, trước kia anh mong mỏi về miền Nam bao nhiêu sau những năm dài xa cách quê hương và em bao nhiêu thì bây giờ lại đau khổ bấy nhiêu. Hậu quả chiến tranh rơi đúng vào ba người chúng ta: Anh, em và má Tường Đồng. Má Tường Đồng là người ngay mắc nạn, bị hàm oan trong hoàn cảnh đáng thương hại nhất và cũng là ân nhân của anh. Nhưng với em, anh đã yêu và yêu tha thiết không bao giờ quên, anh đã nói với má Tường Đồng dù sau này có sống sót hay không, thế nào anh cũng phải về với em.

Em nói em là đảng viên phải hy sinh. Em đã hy sinh, đã đau khổ chịu đựng mọi đắng cay, đã làm dâu không chồng hơn 20 năm rồi, giờ bắt em hy sinh đau khổ nữa cho đến bao giờ?...”.

Bao lớp người tập kết trở về trong niềm vui đoàn tụ, vậy mà tim gan bà như bị xé nát, 21 năm chờ đợi trong tuyệt vọng và hy vọng, vậy mà giờ đây bà phải đứng trước sự chọn lựa chấp nhận hay không chấp nhận người chồng mà bà chung thủy trở về với người vợ và đàn con ngoài miền Bắc.

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.