Chuyện tình thời chiến - Kỳ 2: Em vẫn đợi anh về

25/12/2011 00:29 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Châu giờ vẫn còn giữ những bức ảnh chụp lại các bài báo của năm 1962 viết về vụ án “Vịnh - Tư - Thành - Chính”.

Bà Nguyễn Thị Châu giờ vẫn còn giữ những bức ảnh chụp lại các bài báo của năm 1962 viết về vụ án “Vịnh - Tư - Thành - Chính”.

>> Kỳ 1: Tình yêu dưới án tử hình

Bà kể lại: “Tin bốn người bị kết án tử hình lan rất nhanh trong hệ thống lao tù, mà lúc ấy theo luật 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Tử hình đồng nghĩa với việc các anh ấy sẽ bị chặt đầu bằng máy chém. Tim tôi như có ai đó bóp nát, những hình ảnh ngày xưa của hai đứa ùa về, hình ảnh anh ngượng ngùng tỏ tình với tôi, lời anh nói dù có đi hết vòng trái đất anh ấy vẫn chờ tôi... Lúc đó tôi thương anh Tư vô cùng, lời anh nói chân tình “dù có đi hết vòng trái đất…” mà giờ lại xa hơn khi anh sắp bước lên máy chém đi vào cõi chết. Tôi quyết định tìm mọi cách bắn tin ra ngoài với tổ chức và báo rằng: Lê Hồng Tư chính là chồng chưa cưới của tôi. Tôi muốn anh ấy trước khi ra pháp trường cũng mãn nguyện vì lời cầu hôn của anh đã được tôi chấp nhận. Tôi đã xem anh Tư là chồng từ giờ phút này”. 

Và một bài thơ mộc mạc nhưng đầy tình yêu thương, chung thủy đã được nữ tù Nguyễn Thị Châu khắc lên tường xà lim bằng chiếc kẹp cài tóc sau khi nghe tin Lê Hồng Tư bị kết án tử hình:

“Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện  xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng em nguyện trắng mãi thôi”

Ông Lê Hồng Tư kể lại: “Lúc đó tôi không hề biết Châu đã chấp nhận lời cầu hôn của tôi. Sau này gặp anh Hai Tân trong chuồng cọp Côn Đảo, anh hỏi tôi: “Có phải anh quen Châu không?”, tôi rất ngạc nhiên và gật đầu. Thế là anh Hai Tân sáng tác một bài thơ tặng tôi, tôi rất xúc động khi biết Châu đã chấp nhận lời tỏ tình của tôi ngay sau khi nghe tin tôi bị kết án tử hình:

"Anh ngỏ ý lần đầu/Em ngập ngừng từ chối/Trong lòng nghe vời vợi/Biết nói sao cho cùng/Đời cách mạng lao lung/Miền Nam còn đau khổ/Hỏi nữa, em làm thinh/Giặc xử anh tử hình/Trong xà lim em khóc/Giận quân thù ác độc/Em nói: Em vợ anh/Anh ơi em vẫn tin/Anh sống hoài, sống mãi/Mặc cho án tử hình/Em vẫn đợi anh về”.

Để tìm câu trả lời vì sao ông Hai Tân lại biết về mối tình Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu để báo cho Lê Hồng Tư biết lời cầu hôn của mình đã được chấp thuận, chúng tôi đã tìm đến thăm nhà ông Trần Trọng Tân, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương để hỏi ông về nguyên cớ sáng tác bài thơ về tình yêu của “Tư - Châu” mà thời điểm ấy rất nổi tiếng ở nhà tù Côn Đảo. Ông Trần Trọng Tân kể: “Lúc đó tôi là phái viên Trung ương cử vào công tác tại Trung ương cục, sau khi cô Châu ra tù đã được tổ chức đưa vào căn cứ để chuẩn bị đưa ra Bắc và cùng với cô Quyên vợ anh Nguyễn Văn Trỗi đi báo cáo tại các nước XHCN, khi cô Châu khai lý lịch chồng chưa cưới là Lê Hồng Tư, tôi rất ngạc nhiên vì Lê Hồng Tư rất nổi tiếng thời ấy. Hỏi ra cô Châu mới kể hết sự tình từ lời tỏ tình đầu tiên, tôi rất xúc động. Sau này khi bị bắt và đưa ra Côn Đảo tôi may mắn được giam cùng khu chuồng cọp với Lê Hồng Tư nên tôi mới sáng tác bài thơ ấy tặng cho mối tình đẹp như cổ tích này và tin tưởng rằng rồi hai con người này sẽ trở thành vợ thành chồng…”.

 Khi biết người mình yêu đã chấp nhận lời cầu hôn, Lê Hồng Tư càng tin mãnh liệt vào ngày mai hai người sẽ được sống trọn vẹn bên nhau. Đã hai lần tử tù Lê Hồng Tư và các đồng chí của mình tổ chức vượt ngục với hy vọng được trở về với cách mạng, trở về với tình yêu, nhưng cả hai lần vượt ngục đều bất thành…


Nguyễn Thị Châu ở chiến khu sau khi ra tù - Ảnh: T.L

Vẫn một tình yêu tuổi trẻ

30.4.1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, chỉ một ngày sau, ngày 1.5, hơn 4.300 tù chính trị ở Côn Đảo tự đứng lên và đứng ra thành lập Ủy ban Hòa hợp hòa giải dân tộc tỉnh Côn Sơn gồm 15 người, do chính những người tù Côn Đảo điều hành khi quân giải phóng từ đất liền chưa ra đảo. Ngày 7.5.1975, những người tử tù Côn Đảo đầu tiên đã được đưa trở về đất liền. Tử tù Lê Hồng Tư, trong 15 năm bị tù đày giam cầm thì có đến 13 năm sống trong xiềng xích địa ngục xà lim cấm cố, chuồng cọp, chuồng bò của địa ngục trần gian Côn Đảo.

Ngày trở về đất liền là ngày đón chào tự do, thống nhất và cũng chính là giây phút anh được gặp lại người con gái mà mình mong ước được sống trọn đời sau 15 năm chờ đợi… Đám cưới của một huyền thoại về tình yêu Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu được diễn ra ngay vào đêm trung thu năm 1975, ông Lê Hồng Tư nhớ lại: “Mới giải phóng ai cũng nghèo, hai đứa tôi góp lại được mấy chục đồng, bạn bè đồng chí góp lại mỗi người vài đồng tổ chức tiệc cưới chỉ với bánh ngọt, trà nước, vậy mà vui không kể xiết, bạn bè đến chung vui đông vô kể”.

Hơn ngàn ngày xa cách trong nhớ nhung, trong tuyệt vọng và vượt lên trên tất cả giông bão cuộc đời, họ đã đến với nhau như lời hẹn ước khi còn tuổi học trò cho đến khi thành hôn họ bước vào tuổi 40. Và càng kỳ diệu hơn khi hai năm sau hai người đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh, mà trước đó nhiều bác sĩ tiên định rằng họ sẽ rất khó có con bởi cả hai đều đã trải qua nhiều năm tháng tù đày khắc nghiệt với đủ đòn tra tấn dã man.

Lần nào đến nhà thăm ông bà chúng tôi đều thấy họ vẫn trìu mến gọi nhau bằng “anh và em” như những ngày đầu yêu nhau cho dù họ đã là ông bà nội. Trong những cuốn album tại nhà ông bà, tôi vẫn tìm thấy nhiều tấm ảnh tràn đầy hạnh phúc của ông bà mới chụp gần đây, ông Lê Hồng Tư nói: “Giờ có ai mời đi đâu mà không có Châu là tôi không đi, hình như chúng tôi sinh ra là để dành cho nhau vậy…”. Bà nhìn ông với ánh mắt đầy yêu thương…

(còn tiếp)

Binh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.