Đà Nẵng ra nghị quyết hạn chế nhập cư

24/12/2011 01:52 GMT+7

Chiều 23.12, kỳ họp thứ 3, HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII thông qua nghị quyết, trong đó có tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định…

Chiều 23.12, kỳ họp thứ 3, HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII thông qua nghị quyết, trong đó có tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định…

 
Công nhân lao động ngoại tỉnh ở Đà Nẵng sẽ khó có cơ hội nhập hộ khẩu - Ảnh: Ng.Tú

Theo báo cáo, hiện số người ở địa phương khác đến Đà Nẵng có đăng ký tạm trú là 11.356 hộ với 114.290 nhân khẩu, chiếm 11,5% dân số toàn thành phố. Số đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là 2.163 hộ với 14.344 nhân khẩu. Theo bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, với 278 bị can mới khởi tố trong năm 2011 (chiếm tỷ lệ 24,9%) là người địa phương khác thì đây là con số cần hết sức lưu tâm đối với công tác đăng ký, quản lý cư trú nói chung và quản lý đối tượng có tiền án, tiền sự là người từ nơi khác đến tạm trú, lưu trú ở Đà Nẵng nói riêng. Cũng theo Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, hiện có nhiều lao động phổ thông, người bán vé số, bán dạo… tập trung về Đà Nẵng tìm việc cũng gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội của địa phương. Ngoài ra, theo Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, áp lực quá tải tại các trường học trên địa bàn rất lớn, mà nguyên nhân cũng xuất phát từ người nhập cư, khiến lượng học sinh tăng cơ học. Bên cạnh đó là tình trạng chạy hộ khẩu từ các nơi về trung tâm TP để đưa con em vào học tại trường có tiếng, đạt chuẩn...

Với quá nhiều áp lực từ một bộ phận dân nhập cư làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của TP cũng như gây khó cho các lĩnh vực y tế, giao thông... nên trong các phiên thảo luận, các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng thống nhất đưa vào nghị quyết quy định về việc tạm dừng đăng ký nhập khẩu mới vào TP.Đà Nẵng đối với các trường hợp ở nhà thuê, mượn, ở nhờ trong khi chờ văn bản hướng dẫn mới của Trung ương cụ thể hóa luật Cư trú. Đồng thời, Đà Nẵng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn và nhà ở nhờ.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, lưu ý các cơ quan cần tập trung xử lý vấn đề nổi cộm hiện nay là chạy hộ khẩu, chạy trường khiến người dân bị ảnh hưởng quyền lợi chính đáng. Theo ông Nguyễn Bá Thanh, không riêng gì người ngoại tỉnh thực hiện tạm dừng nhập hộ khẩu, mà ngay cả dân ở các quận, huyện vùng ven thành phố cũng không cho chuyển hộ khẩu về các quận trung tâm. Vì không kiểm soát như vậy, sẽ gây áp lực cực lớn cho sự phát triển chung của thành phố. "Những trường hợp đã có tiền án, tiền sự cũng không cho nhập khẩu vào thành phố", ông Nguyễn Bá Thanh nói và nhấn mạnh: "Nếu dân số tăng, mà tăng về chất, thì không có gì phải bàn, đáng biểu dương. Nhưng nếu tăng người bán dạo, tăng người bán vé số, lao động phổ thông... thì thôi".

Đà Nẵng có làm sai luật?

Theo luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật này, công dân đang tạm trú, có chỗ ở hợp pháp tại TP trực thuộc Trung ương và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên thì đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu. Nơi đề nghị đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) phải là nơi đang tạm trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Luật sư Đỗ Pháp, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng, cho rằng nếu HĐND TP.Đà Nẵng ra nghị quyết tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định thì không có gì sai luật Cư trú. Cũng theo luật sư Đỗ Pháp, vì TP đang triển khai chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại dân cư và có những đặc thù riêng trong quá trình phát triển nên điều chỉnh chính sách, hạn chế người nhập cư ào ạt không có nghề nghiệp ổn định là cần thiết.

Trong khi đó, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) cho rằng quy định của Đà Nẵng đi ngược lại với nội dung tinh thần của Hiến pháp. Theo đó, mọi người dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, tự do đi lại, cư trú ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Tại điều 3, 8, 9, 10 của luật Cư trú  cũng quy định quyền tự do cư trú của người dân và nghiêm cấm những hành vi hạn chế quyền tự do cư trú của người dân, Trong những hành vi hạn chế quyền cư trú mà luật này cho phép không có những hành vi nào như ở Đà Nẵng cả.

Hữu Trà - Lê Nga

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.