Phẫn nộ

23/12/2011 01:32 GMT+7

Đó là tâm trạng của tất cả mọi người trước những khuất tất lỗ, lãi của ngành xăng dầu mà kiểm toán vừa "khui" ra. Bởi khi chấp nhận giảm chất lượng bữa cơm hằng ngày; chấp nhận gạt bỏ không ít các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong "rổ" chi tiêu gia đình do giá cả đội lên từ việc tăng giá xăng dầu, tâm lý người dân là chia sẻ với Chính phủ, với doanh nghiệp trước những khó khăn của nền kinh tế.

Đó là tâm trạng của tất cả mọi người trước những khuất tất lỗ, lãi của ngành xăng dầu mà kiểm toán vừa "khui" ra. Bởi khi chấp nhận giảm chất lượng bữa cơm hằng ngày; chấp nhận gạt bỏ không ít các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong "rổ" chi tiêu gia đình do giá cả đội lên từ việc tăng giá xăng dầu, tâm lý người dân là chia sẻ với Chính phủ, với doanh nghiệp trước những khó khăn của nền kinh tế.

Nhưng cái mà họ nhận được là ngành xăng dầu đang làm đủ mọi cách để biến lãi thành lỗ, nhằm trốn thuế và hưởng lợi một mình. Đây không còn dừng lại là hành động thiếu trung thực. Xét trong bối cảnh kinh tế năm nay, hành động này mang tính phản bội. Phản bội lòng tin của người tiêu dùng, của Chính phủ trong nỗ lực chèo chống nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.

Chúng ta đều biết, xăng dầu tác động lớn nhất đến giá cả đầu vào của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Bởi vậy tăng giá xăng dầu, một mặt bằng giá mới được thiết lập, tác động trực tiếp lên cuộc sống của người dân và cả nền kinh tế. Chẳng thế mà chỉ trong vòng 12 tháng qua, giá nhiều loại thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ... tăng tới 100%. Vậy có thể nào không phẫn nộ khi cả triệu gia đình đã và đang "giảm thịt tăng rau"; cắt xén cả số lượng và chất lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn hằng ngày thì ngành xăng dầu lại lén lút tăng hoa hồng cho đại lý?

Việc thiếu trung thực của ngành xăng dầu một lần nữa đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các ngành thiết yếu với sự phát triển đất nước. Được giao nhiều vốn, hưởng nhiều ưu đãi, được coi là trụ cột của nền kinh tế nhưng trong khi Chính phủ vất vả cắt bỏ chi tiêu công, đầu tư công thì "trụ cột" này lại tìm cách lách thuế, trốn thuế. Trong khi hàng ngàn dự án, công trình bị đình, hoãn, giãn tiến độ vì thiếu vốn, ảnh hưởng lớn tới phát triển chung của đất nước thì ngân sách lại đang thâm hụt vì bù lỗ ảo của ngành xăng dầu. Vậy có nên để xăng dầu tiếp tục kinh doanh như hiện nay với tình trạng nay đòi bù lỗ, mai đòi tăng giá sẽ tiếp diễn hay mở ra một thị trường cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng giá và dịch vụ tốt nhất? Có nên duy trì các "trụ cột", các công ty thống lĩnh thị trường như Petrolimex để rồi phải đối mặt với việc "tuồn" lãi sang "sân sau" nhằm trốn thuế như đang xảy ra hay không? Thiết nghĩ, câu trả lời đã rõ ràng.

Trước mắt, phải truy cứu tận cùng trách nhiệm của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp và mỗi cá nhân trong việc gian lận lỗ, lãi xăng dầu đang gây bức xúc dư luận hiện nay. Chỉ có như vậy mới lấy lại sự công bằng cho những thiệt hại mà người tiêu dùng và ngân sách phải chịu trong suốt thời gian qua. Cũng chỉ có như vậy mới tạo được niềm tin cho người dân để thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà Chính phủ đề ra trong năm tới.  

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.