Nhọc nhằn hoa tết

19/12/2011 08:57 GMT+7

Không năm nào người trồng hoa lại phập phồng lo sợ trước thời tiết thất thường như năm nay…

Không năm nào người trồng hoa lại phập phồng lo sợ trước thời tiết thất thường như năm nay…

Dầm mưa, canh rét

Những ngày này, miền Trung mưa, lạnh tê tái khiến người trồng hoa không khỏi lo lắng. Trồng hoa tưởng đơn giản, nhưng thực ra vô cùng vất vả. Tiền đầu tư để trồng hoa không ít, nào giống, phân, thuốc trừ sâu, nhân công… Nhưng, cái khó không chỉ có vậy, mà khó nhất là việc thiếu đất nông nghiệp trồng hoa. Những làng hoa nổi tiếng ngày trước giờ đã nhường chỗ cho những tòa nhà cao vợi. Vì vậy mà nông dân trồng hoa bán trong dịp tết ở Đà Nẵng hiện chỉ biết tận dụng những khoảnh đất trống của các công trình chưa xây dựng, được năm nào hay năm ấy. Cũng chính vì trồng trong những khu vực đã bắt đầu có dân cư, nên việc phun thuốc trừ sâu của người trồng hoa là rất khó khăn. “Ngó rứa chớ những người ở đây thấy phun thuốc, thế nào cũng ra mắng vốn, vuốt mặt không kịp. Mà không phun thuốc kịp cho hoa thì coi như bỏ. Trồng được cây hoa mọc thẳng, ra hoa cho đẹp đâu phải chuyện dễ ăn. Nhiều người không có kinh nghiệm, xen vô coi như chết vì tiền mất, công cán cũng mất theo” - bà Sáu, người có thâm niên trồng cúc hơn 30 năm nay ở vùng này, nói.

Khi hoa được trồng khoảng 1 tháng, người trồng hoa bắt đầu thắp đèn để sưởi cho những luống hoa. Thời gian sưởi kéo dài 2 tháng, với mục đích không cho hoa ngủ. Thời tiết lạnh giá cũng là cơ hội cho sâu rầy phát triển. “May mà chúng tôi đã phòng bị từ trước, nên đến thời điểm này, vẫn chưa xảy ra tình trạng mắc sâu rầy. Nhưng hy vọng thời tiết sẽ bớt thất thường thì mới dễ canh cho hoa nở đúng vào  dịp tết Nguyên đán!” - ông Nguyễn Văn Mỹ, một nông dân trồng hoa ở P.Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cho hay.


Người nông dân cố bám nghề để giữ thương hiệu cúc phi lê Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền

Thương hiệu làng hoa

Đà Nẵng nổi tiếng nhất là hoa cúc phi lê. Với người trồng hoa, cúc phi lê Đà Nẵng đã trở thành thương hiệu rất được người chơi không chỉ ở Đà Nẵng mà các tỉnh miền Trung, miền Bắc đặc biệt ưa chuộng. Cứ đến mùa xuân, đến làng hoa Hòa Cường sẽ thấy bạt ngàn một màu vàng tươi rói, rực rỡ. Bây giờ, đất trồng hoa không còn nhiều, những người nông dân trồng hoa vẫn cố bám đất, bám nghề. Ngoài mưu sinh, họ muốn lưu giữ một thương hiệu mà ông cha đã dày công gầy dựng từ bao đời nay.
Anh Lê Xuân Quang, một tài xế taxi, dành thời gian rảnh rỗi để trồng hoa Tết. Anh trồng khoảng 500 chậu, với mong muốn nhỏ nhoi là duy trì được nghề của cha, ông nội truyền lại. “Làm nghề lái taxi thì nói thiếu cũng không thiếu, nhưng mỗi năm đến gần tết là tui lại đi trồng hoa, để nhớ lại cái thời sống giữa làng hoa ngày trước. Nghề này là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay của làng hoa, nên cứ phải đeo đuổi lấy nó” - anh Quang chia sẻ.

Thất bại của người trồng hoa đã từng xảy ra không ít, nhưng những gì mà hoa mang lại cho người nông dân cũng rất nhiều. Có những năm, qua mùa hoa tết, có người thu về cả 500 triệu đồng. Nhưng cũng có những mùa trắng tay khi hoa không nở, hoặc cây yếu, èo uột, hoa bán không được trong khi lãi suất vay cao, nên nhiều gia đình lâm cảnh điêu đứng. Nhưng trồng hoa đã trở thành nghiệp, không thể từ bỏ. Khi những lô đất trống ở Hòa Cường mọc lên những công trình mới, thì nguy cơ mất nghề trồng hoa ở Đà Nẵng là có thật. Một thương hiệu lớn của làng hoa cúc phi lê sẽ không còn tồn tại…

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.