Khám lớn Sài Gòn: quyển sách cuối cùng của Vương Hồng Sển

19/12/2011 08:51 GMT+7

Tác phẩm cuối đời của nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật nổi tiếng Vương Hồng Sển là một tập ghi chép những gì mắt thấy tai nghe tại Khám lớn Sài Gòn trong những giờ phút cuối cùng của khu nhà giam này trước khi bị đập phá bỏ hẳn vào năm 1953.

Tác phẩm cuối đời của nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật nổi tiếng Vương Hồng Sển là một tập ghi chép những gì mắt thấy tai nghe tại Khám lớn Sài Gòn trong những giờ phút cuối cùng của khu nhà giam này trước khi bị đập phá bỏ hẳn vào năm 1953. 

Sách dày 109 trang, vừa ra mắt bạn đọc tháng 12-2011- Ảnh: L.Điền 

Tự nhận mình là người có “ba mối duyên nợ” với Khám lớn Sài Gòn, trong đó mối duyên quan trọng nhất là ngay khi khám lớn chuẩn bị đập bỏ, ông Vương Hồng Sển xin được phép vô bên trong chụp hình để làm tư liệu nghiên cứu riêng.

Một người luôn để ý đến vấn đề tồn cổ, Vương Hồng Sển từng “tiếc đứt ruột” khi thấy khám lớn bị đập bỏ hẳn theo lệnh của thủ hiến Nam kỳ Nguyễn Văn Tâm. Vương Hồng Sển từng gõ cửa một số cơ quan để can ngăn hành động đập bỏ một nơi mà cả ông lẫn người dân ai cũng thấy biết là di tích quan trọng nhưng chẳng ai nghe.

Và việc được phép vào bên trong chụp hình để giữ làm tư liệu trước giờ khám lớn bị xóa sổ là chút thu hoạch cuối cùng của Vương Hồng Sển đối với khu di tích quan trọng này. Với những hồi ức thuộc lòng cộng với hơn 40 tấm ảnh chụp từ năm 1953, giữ gìn qua bao biến động của thời cuộc, đến năm 1996, bắt đầu từ ngày 26-5 đến ngày 10-6, cụ Vương lần giở lại bộ ảnh này và “viết được hơn 80 trang”.

Nay, tất cả hình ảnh và những gì cụ viết vào lúc trước ngày mất nửa năm ấy được Công ty Nhã Nam thỏa thuận tác quyền và liên kết xuất bản với NXB Văn Hóa Văn Nghệ nhân dịp 15 năm ngày mất của cụ (Vương Hồng Sển mất ngày 9-12-1996).

Vẫn theo lối văn chất phác, dông dài của một ông già ngồi thuật chuyện xưa, tác giả Vương Hồng Sển nhẩn nha dẫn người đọc đến với nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh và cả những suy tư, trăn trở hơn là gói gọn trong không gian Khám lớn Sài Gòn qua những gì cụ khám phá, ghi nhận được.

Như hình ảnh về bảng thực đơn chép trên vách khám, hình ảnh về cái hồ nước mà Nguyễn An Ninh và nhiều thế hệ tù khám lớn từng lấy nước ở đây, đặc biệt là rất nhiều bài thơ do tù nhân viết lên vách khám vẫn còn cho đến ngày cụ Vương Hồng Sển đem máy ảnh vô chụp lại. Những câu thơ của những người xa lạ, có những người biết chắc sau khi viết những dòng thơ này thì họ cũng từ giã cuộc đời, theo cụ Vương, đó là những “câu khí phách”.

Chẳng hạn như bài này, được cụ Vương viết rõ là chép bên cạnh cái bảng “thực đơn hằng ngày”: “Hồn non nước vẫn còn lưu luyến mãi/ Hận non sông chưa trả nợ làm trai/ Vô ngục tối gông cùm đang thử thách/ Quyết đem chí cả đợi ngày mai”.

Trong tù cũng có thơ xướng họa rất tình cảm, như bài thanh niên miền Tây hỏi phụ nữ miền Ðông: “Nhắn cùng phụ nữ ở miền Ðông/ Chậm đợi vinh quan (tác giả chép theo “nét bút chì trên vách đã lu mờ”) sẽ lấy chồng/ Dập tắt lửa tình lo giết giặc/ Thế mà có chịu nổi cùng không...”, và phụ nữ miền Ðông trả lời: “Sương rơi tuyết đổ lúc trời đông/ Lạnh lẽo đêm khuya mấy đợi chồng/ Ðộc lập trường kỳ còn đẳng đẳng/ Nỡ nào luống để một mình không”.

Trong lịch sử Việt Nam, nhiều nhà yêu nước từng bị giam giữ nơi Khám lớn Sài Gòn như: Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long, Trần Văn Giàu, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lý Tự Trọng...

Dưới con mắt của một nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề tồn cổ, tác giả Vương Hồng Sển tuy không đủ sức ngăn cản người đời đập phá di tích này, nhưng cũng đã nỗ lực hết mình để lưu lại một chút tư liệu hình ảnh về khám lớn, lại cần mẫn viết, dẫn giải, chú thích vào lúc cuối đời, quả là điều đáng nghĩ cho lớp hậu thế hôm nay.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.