Thái Lan sau trận đại hồng thủy

18/12/2011 00:06 GMT+7

Tưởng chừng đã bị nước lũ “cuốn trôi” nhưng ngành du lịch Thái Lan đã đứng dậy mạnh mẽ như chưa từng trải qua thảm họa.

Tưởng chừng đã bị nước lũ “cuốn trôi” nhưng ngành du lịch Thái Lan đã đứng dậy mạnh mẽ như chưa từng trải qua thảm họa.

Là một trong những đoàn du khách Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Thái Lan sau trận lũ lụt lịch sử vài tháng trước, trong suy nghĩ của chúng tôi, Bangkok nói riêng và cả Thái Lan nói chung có lẽ vẫn còn là một “bãi chiến trường” lộn xộn. Thế nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn.

Hồi phục thần kỳ

Khi nhận lời mời của Công ty du lịch Vietravel đến tham quan Thái Lan, thú thật tôi cũng hơi lo ngại. Theo nhiều thông tin đã được phản ánh dày đặc trên các phương tiện truyền thông thời gian qua và theo cảnh báo của nhiều người thì tình hình ở Thái Lan đang thật tồi tệ, có những nơi nước ngập cả mét rưỡi, nước tràn vào sân bay, vào cả hoàng cung, lũ lụt đã gây ra cái chết cho hàng trăm người… Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm khi đặt chân trên đất Thái đó là tìm… nước lũ. Nhưng thật sự ngạc nhiên, trên khắp các tuyến đường đi qua từ sân bay quốc tế Bangkok đến trung tâm thủ đô, dọc sông Chao Phraya đến hoàng cung, tôi đều không tìm thấy vết tích của lũ. Nước đã rút đi từ bao giờ. Hoàng cung và khu vực chùa Phật Vàng hoàn toàn sạch sẽ, khô ráo.

Không tìm thấy nước lũ, tôi lại chuyển sang các bức tường dọc các tuyến đường và ở khu vực dân cư, chợ búa với hy vọng sẽ tìm thấy những vệt nước còn đọng lại trên tường hoặc ít ra là bùn đất hay cái gì đó còn sót lại. Thế nhưng tất cả đã làm tôi “thất vọng” vì mọi thứ đều sạch như chưa từng bị dìm dưới nước. Dấu tích duy nhất còn sót lại của đợt lũ nghiêm trọng nhất tại Thái trong hàng chục năm qua là một ít bao cát dùng dựng đê ngăn nước lũ còn chất thành đống ở vài góc tường. Mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. Các khu mua sắm vẫn rộn ràng tiếng nói cười của người mua kẻ bán. Buổi tối, dọc theo lề đường gần các điểm du lịch, người dân bày những sạp hàng lưu niệm, những xe đẩy bán thức ăn nhanh như đồ nướng, côn trùng... cho du khách đi bộ dừng lại lựa chọn, trả giá vui vẻ. Dưới lòng đường, trên cầu vượt, xe cộ vẫn chạy tấp nập. Nụ cười thân thiện của người dân bản xứ có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu.

 
Du khách đã có thể trở lại di tích lịch sử Ayutthaya - Ảnh: TAT

Rời Bangkok, chúng tôi khởi hành đến Pattaya, chốn ăn chơi còn được gọi là “thành phố của ma quỷ”. Sở dĩ nó mang cái tên ấn tượng này vì trái ngược với những nơi khác, Pattaya chỉ thật sự hoạt động và thể hiện sức sống khi màn đêm buông xuống. Tại đây, mọi hoạt động phục vụ cho nhu cầu giải trí, du lịch cũng đã được khởi động trở lại với những cái tên nổi tiếng và hoành tráng như Alangkarn, các sô diễn Tiffany của người chuyển giới, vườn lan Nong Nooch… Tất cả đều đã được mở cửa và trong tư thế sẵn sàng phục vụ du khách. Lượng khách du lịch quốc tế đến đây cũng đã tăng rất nhiều với tốc độ ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chủ yếu là khách Tây, khách châu Á cũng có nhưng không nhiều lắm. Càng về khuya, phố đi bộ lại càng nhộn nhịp và đông đúc. Có thể nói sức sống của Pattaya chẳng mấy suy giảm so với trước. Thậm chí, nó có vẻ như mạnh mẽ hơn vì được chú trọng làm mới kèm những chiêu khuyến mãi để thu hút du khách trở lại.

Nỗ lực kéo lại du khách

Du lịch là ngành trọng điểm của Thái Lan. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), ngành du lịch hằng năm đem lại cho đất nước hàng chục tỉ USD. Chỉ trong giai đoạn tháng 1-10.2011, có đến 15,8 triệu lượt du khách quốc tế đến Thái Lan (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010). Trong đó, lượng du khách từ Việt Nam vào khoảng hơn 452.000 lượt (tăng 44% so với năm 2010). Vì vậy, giới chức Thái Lan đã xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng nhất. Nhưng con số làm tôi ấn tượng nhất không phải là ở số lượng du khách hay doanh thu mà chính là tỷ lệ quay trở lại. Có đến 68% trong tổng số lượt khách du lịch là khách đến lần hai, lần ba, chỉ 32% là khách lần đầu. Để có được con số ấn tượng này, Thái Lan đã rất nỗ lực để tạo ra môi trường du lịch thân thiện và an toàn với phương châm “Làm cho du khách cảm giác như ở nhà”.

Đợt lũ lụt vừa qua thật sự là một thảm họa đối với Thái Lan. Truyền thông đưa tin đã có trên 500 người chết đuối. Mặc dù lũ lụt chủ yếu tàn phá khu vực miền bắc và miền trung Thái Lan nhưng đã ảnh hưởng cực kỳ xấu đến tình hình du lịch chung trên toàn quốc. Cơ quan chức năng nhiều nước đã khuyến cáo công dân không nên đến Thái Lan vì lý do an toàn, rất nhiều tour bị hủy. Điều này làm giảm khoảng từ 400.000 - 750.000 lượt du khách, gây thiệt hại ước tính khoảng 4 - 6% doanh thu du lịch của năm 2011, tức vào khoảng 900 triệu USD. Theo đánh giá của ông Suraphon Svetasreni - Tổng cục trưởng TAT - thì đây là một con số không hề nhỏ.

Vì vậy, sau cơn lũ, các cơ quan du lịch nước này nỗ lực tập trung hết nguồn lực thúc đẩy hồi phục với một tốc độ nhanh nhất để đảm bảo du khách đến với Thái Lan trong sự an toàn tuyệt đối. Theo ông Suraphon, trên thực tế, các điểm nổi tiếng như Chiang Mai, Sukothai, Phuket và Krabi, thậm chí các điểm đến được ưa chuộng ở khu vực miền trung như Hua Hin và Pattaya cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Sân bay quốc tế Suvarnabhumi và hệ thống tàu điện ngầm ở Bangkok đã trở lại hoạt động bình thường. Chợ người Việt ở Bangkok, điểm đến ưa chuộng của du khách Việt Nam cũng đã hoạt động trở lại từ nhiều ngày nay. Một địa chỉ mua sắm khá lý thú không thể bỏ qua khác là chợ cuối tuần Chatuchak cũng đã mở cửa đón khách vào mỗi cuối tuần như thường lệ.

Các di sản thế giới ở cố đô Ayutthaya, cách Bangkok khoảng 70 km về phía bắc và là một trong những điểm thu hút du lịch đáng chú ý hơn cả ở Thái, bị ngập rất nghiêm trọng trong đợt thiên tai. Tuy nhiên, nước đã rút và nhà chức trách nhanh chóng phục hồi, sửa chữa và mở cửa sẵn sàng tiếp đón. Du khách nước ngoài đã bắt đầu trở lại với mức gia tăng đáng kể.

Ngoài việc nhanh chóng khôi phục lại các điểm du lịch, Thái Lan rất chú trọng lấy lại lòng tin của du khách. Trả lời báo chí tại buổi gặp gỡ đầu tháng 12 về đối phó các vấn đề sau lũ, Tổng cục trưởng Suraphon của TAT khẳng định cả nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện vật chất để phòng ngừa và giải quyết mọi phát sinh. Theo ông, Thái Lan xem vấn đề an toàn là quan trọng nhất, vì vậy đã chuẩn bị đội ngũ y tế và cơ sở hiện đại để phòng ngừa và đối phó dịch bệnh, tai nạn. Du khách hoàn toàn có thể yên tâm khi đặt chân đến nước này. Ngoài ra, ngành du lịch Thái Lan còn tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng và kết hợp với các công ty lữ hành quốc tế tăng cường khuyến mãi. Trong đó, đáng chú ý là chương trình “Du xuân bốn phương - trúng thưởng kim cương” của

Vietravel với giải thưởng mỗi tuần là một viên kim cương 4,5 li và cơ hội làm chủ nhân viên kim cương 7,2 li vào cuối chương trình.

Với nhiều hoạt động phục hồi bằng nỗ lực cao nhất, Thái Lan hy vọng từ nay đến cuối năm, thời gian cao điểm của du lịch, sẽ kéo lại lượng du khách như trước khi lũ lụt xảy ra.

Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.