Ngày Việt Nam đứng lên

18/12/2011 00:15 GMT+7

Cách đây 65 năm (ngày 19.12.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu quốc dân đồng bào đứng lên bảo vệ nền độc lập.

Cách đây 65 năm (ngày 19.12.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu quốc dân đồng bào đứng lên bảo vệ nền độc lập.

Bảo vệ nền độc lập non trẻ

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến có sức thuyết phục cao vì từ nội dung đã toát ra những lý lẽ thể hiện chính nghĩa của cả một dân tộc nhất tề đứng lên kháng chiến. Lời kêu gọi ấy có cơ sở lịch sử vững chắc đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước quốc dân và thế giới ngày 2.9.1945.

Chỉ sau 16 tháng hưởng độc lập, khi nước ta phải tuyên chiến để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập non trẻ, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến không chỉ nêu rõ lý do chẳng đặng đừng mà còn thể hiện sáng rõ những cơ sở lịch sử chính đáng từ Tuyên ngôn độc lập: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Đây là lý do xác đáng để Chính phủ buộc phải kêu gọi toàn dân kháng chiến.

Trước đó, ngày 23.9.1945, tại Sài Gòn, do sự gây hấn của bọn thực dân núp bóng Đồng minh, ông Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ - đã đọc lời kêu gọi nhân dân Nam bộ “quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc”, “Độc lập hay là chết”, phát hiệu lệnh cho quân và dân đứng lên chống giặc, bảo vệ độc lập dân tộc. Như vậy, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp lần 2 không đợi đến ngày 19.12.1946 mới nổ ra mà có thể tính từ ngày 23.9.1945. Tiếng súng của quân đội thực dân bắn vào đoàn biểu tình ở Sài Gòn đã khơi mào cho một cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam.


Quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố (tháng 12.1946) - Ảnh: TTXVN
 

Ngọn lửa kháng chiến được nhen nhóm từ ngày ấy đã bùng phát dữ dội ngay sau khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát ra. Với tư cách của người đại diện nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức huy động tất cả sức mạnh của một dân tộc vừa được tự do. Điều đó thể hiện qua lời kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ,... hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến không chỉ là một lời tuyên chiến bình thường mà là một văn kiện chính trị “nhằm phát động cuộc kháng chiến trên toàn quốc của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp1. Về đối nội, đây là lời hiệu triệu của người đứng đầu một nhà nước, một chính phủ - cơ quan hành pháp cao nhất để kêu gọi toàn dân đứng lên chống ngoại xâm và cũng là chính thức ban bố tình trạng chiến tranh trên toàn quốc. Mặt khác cũng chỉ rõ phương châm tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ “toàn dân, toàn diện”. Về đối ngoại, đây là lời tuyên chiến của một quốc gia với kẻ thù đang cố tìm cách thôn tính đất nước mình. Do đó, việc xác định cơ sở pháp lý của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946 càng làm nổi bật tính chính nghĩa và tính hợp pháp của cuộc kháng chiến 9 năm.

Cơ sở pháp lý của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thể hiện dưới hai góc độ:

Về tư cách phát ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Về thẩm quyền ban hành, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến dựa trên 2 quy định trong Hiến pháp 1946 về quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp trong tình huống đặc biệt, khẩn cấp: Điều 38: “Khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến”; Điều 49 (điểm k) về quyền hạn của Chủ tịch nước: “Tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định”.  Như vậy, tuy trong tình thế khẩn cấp, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thực hiện đúng quy trình và thẩm quyền luật định như cách nói hiện nay.

Nỗ lực gìn giữ hòa bình

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam mới (2.9.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một loạt hoạt động ngoại giao: Gửi thư cho Anh, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô... nêu rõ thiện chí hòa bình và mong mỏi Liên Hiệp Quốc chấp nhận những yêu cầu chân chính của Việt Nam; gửi đến chính phủ, quốc hội, thủ tướng và cả những quan chức cao cấp Pháp ở Đông Dương những thông điệp hòa bình, hữu nghị, tránh đổ máu. Xin điểm qua một số nỗ lực tính từ mốc Tạm ước 14.9.1946 2:

Ngày 6.12.1946, kêu gọi “Quốc hội và Chính phủ Pháp hãy nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc Pháp-Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20.11.1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”.

Ngày 7.12, gửi thông điệp hòa bình qua trả lời phóng viên báo Paris - Saigon: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập…”.

Ngày 15.12, yêu cầu ông J.Sainteny chuyển tới Thủ tướng Pháp Georges Bidault thông điệp đề nghị một giải pháp làm hòa dịu tình hình.

Ngày 18.12.1946, thông qua Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám trao tận tay cho J.Sainteny thư đề nghị: “Trong khi chờ đợi quyết định của Paris, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Hoàng Minh Giám tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”. J.Sainteny hẹn hôm sau mới nhận thư, đến ngày 20.12 mới chuyển về Paris, 16 giờ ngày 22.12 Paris mới nhận được 3.

Sáng sớm 19.12, sau khi nhận được tối hậu thư thứ 3 trong ngày của Bộ Chỉ huy quân đội Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đề nghị J.Sainteny: “Trong khi chờ đợi quyết định của Paris, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giám tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”. Nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn hòa bình đã bị phía Pháp khước từ, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã buộc phải hiệu triệu toàn dân tộc: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên…”.

Lê Huỳnh Hoa - Nguyễn Văn Kết

1. Bachkhoatoanthu.gov.vn

2.  Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử Tập 3. Viện Hồ Chí Minh. Nxb CTQG, Hn, 2006.

3. Theo Philippe Dellivers. Sdd.Tr 404.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.