Gỏi sứa

15/12/2011 09:44 GMT+7

Đi chơi vùng biển, du khách thường thích thú với những con vật hình chiếc dù trong suốt nổi bập bềnh trên mặt nước trong xanh với những sợi râu đong đưa ưa nhìn. Đó là sứa, một loại nhuyễn thể thân mềm.

Đi chơi vùng biển, du khách thường thích thú với những con vật hình chiếc dù trong suốt nổi bập bềnh trên mặt nước trong xanh với những sợi râu đong đưa ưa nhìn. Đó là sứa, một loại nhuyễn thể thân mềm.

Sứa có hai loại: sứa gây ngứa và sứa dùng làm thực phẩm. Sứa gây ngứa rất độc, không ăn được. Sứa làm thức ăn chỉ gây ngứa nhẹ khi chạm phải. Ngư dân bắt được sứa (làm thức ăn) cắt từng mảnh nhỏ cỡ ngón chân cái, giống vành tai, gọi là “sứa tai”. Còn chân sứa được họ cắt nhỏ, gọi là “sứa chân”. Trong khi sứa tai trong suốt, mọng nước thì sứa chân trắng đục, giòn giòn như có gân và sụn khi ăn. Vì vậy giá sứa chân đắt hơn sứa tai.

Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Thủy mẫu, có tên nữa là chả (trả) ngư (con sứa), thù lù một đống, ngọ nguậy như cái dạ dày con dê, không có đầu, mắt, bụng, tạng, phủ, chân xòe rua mỏng mảnh, thân to như cái quạt lớn, có bầy tép đi phụ theo để nương tựa, sắc trắng nõn, con nào tím lợt thì không nên ăn. Có thứ tròn, nhỏ như cái chén, khi dùng phải ngâm phèn chua và ướp muối, tánh ôn, trừ được chứng lãnh nhiệt (sốt rét), thường dùng ăn sống vào mùa hè”. Ăn sống ở đây có nghĩa là làm gỏi.

Để làm gỏi sứa, người ta sắp sứa tai trong chén, úp trong chậu cho nước trong mình sứa từ từ thoát ra. (Có người dùng sứa tươi sơ chế, bóp tái trước khi làm gỏi). Sau đó người ta ướp sứa với một số gia vị cần thiết cùng đậu phộng rang đâm sơ, chuối chát xắt mỏng, xoài sống băm xắt sợi, khổ qua xanh xắt lát, ớt, rau răm, rau húng… Nhưng công phu hơn là món gỏi được làm bằng sứa chân. Sứa chân xắt nhỏ, rửa nước sôi để nguội, trộn với thịt gà hoặc thịt heo luộc xắt mỏng cùng với ớt, xoài sống băm xắt nhỏ, trứng vịt luộc, đậu phộng rang đâm sơ và một số loại rau thơm. Gỏi sứa khi ăn chấm với mắm ruốc hoặc nước chấm hải sản vắt chanh. Nước mắm này được pha chế với một số hải sản và chút mù tạt xanh. Loại nước chấm này rất “ăn” với gỏi sứa, là một công thức độc đáo của Khu du lịch sinh thái biển Nha Trang Duyên Hải (ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, H.Duyên Hải, Trà Vinh).

Gỏi sứa ăn kèm với bánh đa nướng. Gắp miếng gỏi sứa chấm nước chấm đặc biệt cho vào miệng, cắn miếng bánh đa cái rốp, nhai, sẽ cảm nhận được sự giòn tan của bánh đa, giòn giã của hột đậu phộng, của thịt sứa giòn mềm cùng mùi vị thơm chua cay của một số gia vị.

Ngoài gỏi, sứa còn được chế biến thành một vài món ăn khoái khẩu như: bún sứa, sứa luộc ăn với tàu hũ… Thưởng thức các món ăn từ sứa, người ta còn “vô tình” đưa dược liệu vào cơ thể mình, vì ăn sứa có tác dụng tránh được béo phì bởi sứa có rất ít năng lượng.

Theo Đông y, sứa được gọi là “hải triết”, có nhiều công dụng chữa trị khá nhiều bệnh. Người ta sấy khô sứa, tán thành bột trộn mật ong, chữa viêm khí quản mạn tính. Da sứa (hải triết bì) dùng long đàm, thanh nhiệt, hoạt huyết, ho, lao, tiêu ứ, nhuận tràng, bạch đái, bế kinh, thiếu sữa... Theo thiền sư Tuệ Tĩnh, sứa được gọi là “thủy mẫu”, vị mặn, tính ấm, có công dụng chặn ho, chống đầy bụng, hạ huyết áp… Ngoài ra, sứa còn dùng để chữa trị các bệnh: táo bón, rôm sảy, ngứa lở ở trẻ, phòng và chữa ung thư tiền liệt tuyến...

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.