“Chiếc gậy thần” của sinh viên khiếm thị

15/12/2011 10:30 GMT+7

Mong muốn tạo ra một chiếc gậy xếp có gắn đèn và âm thanh giúp người khiếm thị thuận tiện hơn khi di chuyển, nhóm bốn sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hữu Cảnh, Anh Tuấn, Uyên Phương và Thùy Dung đã quyết tâm sáng tạo nghiên cứu.

Mong muốn tạo ra một chiếc gậy xếp có gắn đèn và âm thanh giúp người khiếm thị thuận tiện hơn khi di chuyển, nhóm bốn sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hữu Cảnh, Anh Tuấn, Uyên Phương và Thùy Dung đã quyết tâm sáng tạo nghiên cứu.

Và đề tài “Nghiên cứu mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị” đã ra đời, được hội đồng giám khảo Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần 13-2011 đánh giá cao về tính khả thi.

Làm gậy cho mình và bạn

Bốn sinh viên học cùng lớp chuyên ngành giáo dục đặc biệt, trong đó Hữu Cảnh, Anh Tuấn và Uyên Phương là sinh viên khiếm thị. Bước vào nghiên cứu, Thùy Dung - thành viên sáng mắt duy nhất của nhóm, bắt đầu tìm hiểu các loại gậy thông minh dành cho người khiếm thị trên thế giới, sau đó nhóm họp lại cùng nhau bàn bạc phân loại gậy, nghiên cứu các môn định hướng di chuyển của người khiếm thị... “Trên thế giới đã có gậy thông minh phát ra âm thanh khi gặp vật cản. Ngoài kinh phí khá cao, chiếc gậy ấy khi sử dụng ở nước ta sẽ phát ra âm thanh liên tục do vật cản xung quanh nhiều, dễ gây hoang mang cho người sử dụng. Do đó nhóm phải tìm phương án khác”, Cảnh nói.

Nhắc về ý tưởng đề tài, Cảnh chia sẻ: “Tôi sống trong bóng tối từ lúc lên 8 tuổi nên rất hiểu sự khó khăn trong di chuyển của người khiếm thị. Khi đi lại người khiếm thị rất dễ gặp tai nạn do các phương tiện tham gia giao thông không chú ý. Mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh sẽ giúp người khiếm thị tạo sự chú ý cho các phương tiện tham gia giao thông”.

Sau sáu tháng nghiên cứu, nhóm đã hoàn thành mô hình gậy xếp dài 1,2 m, gồm ba thanh tròn inox, tay cầm bằng nhựa cứng, đèn led, thiết bị âm thanh...

Khi người khiếm thị di chuyển, hệ thống đèn led, hệ thống âm thanh sẽ giúp các phương tiện chú ý đến họ khi băng qua đường, đặc biệt là vào ban đêm. Gậy có ưu điểm giá thành rẻ, có thể gấp xếp, tiết kiệm năng lượng, dễ dàng sửa chữa các thiết bị điện tử nên tính khả thi đề tài khá cao.

Theo chủ tịch hội đồng giám khảo lĩnh vực khoa học giáo dục - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2011 - PGS. TS Ngô Minh Oanh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM - đánh giá: “Đề tài xuất phát từ chính nhu cầu của người trong cuộc - sinh viên khiếm thị nên tính thực tiễn, nhu cầu xã hội đã được chứng minh. Công nghệ làm gậy đơn giản, giá thành rẻ, là một vật dụng mà người khiếm thị ở nước ta đang cần, nên có thể ứng dụng rộng rãi đề tài vào cuộc sống”.


Nhóm sinh viên gồm Thùy Dung, Uyên Phương, Hữu Cảnh, Anh Tuấn (từ trái qua) cùng mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Vượt khó để hoàn thành

Để làm mô hình gậy, Cảnh và Tuấn nhiều lần phải đi xe ôm ra chợ Nhật Tảo (Q.10, TP.HCM) mua các linh kiện điện tử. Do lần đầu ra chợ, không quen đường đi nên cả hai nhờ luôn bác xe ôm dắt vào chợ tìm mua linh kiện. Sau đó cả nhóm phải đi tìm người quen am hiểu về điện tử nhờ lắp ghép đèn, âm thanh vào gậy.

“Mình khiếm thị nên không thể lắp ghép thiết bị, nhưng có anh Việt ở gần nhà và thầy giáo cũ dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu phụ lắp ghép hệ thống âm thanh, đèn led vào gậy mô hình. Ngặt là cả hai đều bận suốt nên đến ngày cuối cùng, trước khi thuyết trình đề tài trước hội đồng giám khảo trường, chiếc gậy mô hình mới được hoàn thành”, Cảnh nhớ lại.

Chiếc gậy mô hình khi hoàn thành chỉ có giá 174.000 đồng/chiếc (giá nguyên liệu, linh kiện để làm gậy). Nhưng để thực hiện đề tài và mô hình gậy, nhóm phải bỏ tiền túi ra khá nhiều, từ nguyên vật liệu, cước phí điện thoại cho đến tiền xe ôm đi lại, trong khi chi phí nhà trường hỗ trợ chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng. TS Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên hướng dẫn đề tài của nhóm, nhận xét: “Dù là những sinh viên khiếm thị, nhưng trong công việc nhóm rất cố gắng vượt qua mọi khó khăn, có thái độ nghiêm túc say mê nghiên cứu để hoàn thành đề tài”.

“Dù gặp nhiều khó khăn, nhóm vẫn quyết tâm hoàn thành đề tài. Chúng tôi chỉ mong các doanh nghiệp, cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí và chuyên môn sản xuất thử gậy có gắn đèn và âm thanh để đưa vào thực tế, đem lại lợi ích cho người khiếm thị”, Uyên Phương bộc bạch.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.