7 người bạn và thiết bị chống trộm Việt Nam

14/12/2011 14:56 GMT+7

Chỉ cần quay lưng 15 giây là chiếc xe có thể bị lấy cắp. Có 30 triệu xe gắn máy ở VN (thị trường lớn thứ 4 thế giới về số người dùng xe gắn máy) nhưng lựa chọn một giải pháp bảo vệ cho chiếc xe gắn máy thì gần như không có thông tin về một thương hiệu uy tín nào.

Chỉ cần quay lưng 15 giây là chiếc xe có thể bị lấy cắp. Có 30 triệu xe gắn máy ở VN (thị trường lớn thứ 4 thế giới về số người dùng xe gắn máy) nhưng lựa chọn một giải pháp bảo vệ cho chiếc xe gắn máy thì gần như không có thông tin về một thương hiệu uy tín nào.

Kết nối hai vấn đề, nhóm 7 người bạn bắt tay tiên phong nghiên cứu, thử nghiệm, cho ra đời một sản phẩm: thiết bị khóa xe thông minh bằng thẻ từ (đầu tiên ở Việt Nam) với ước mong người Việt Nam tạo nên thương hiệu Việt công nghệ cao.


Từ trái sang: Trần Thị Thủy Tiên, Nguyễn Bằng Sơn và Trần Ngọc Tú - ba người bạn trong nhóm nghiên cứu, sản xuất thiết bị chống trộm bằng thẻ từ đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng 

Họ là thế hệ đầu tiên của 8x, bốn trong bảy người là cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM: Trần Ngọc Tú, Nguyễn Bằng Sơn, Huỳnh Thái Trung, Nguyễn Hoài Sơn. Còn Trần Ngọc Anh Khoa là thạc sĩ kinh tế ở Mỹ và Pháp; Phùng Minh Quang học ở Nga về. Bông hoa nữ duy nhất là Trần Thị Thủy Tiên tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội. Bảy người đều đang giữ những vị trí cao ở các công ty, tập đoàn lớn ở TP.HCM, Vũng Tàu. Họ thành lập công ty TNHH Công nghệ - đầu tư- sản xuất Việt Quang với ước muốn quy tụ chất xám cho một sản phẩm công nghệ Việt Nam.

Bo mạch trong chiếc bịch nilon

Một khảo sát bỏ túi được làm với câu hỏi đơn giản “Bạn có nhớ tên bất kỳ một nhãn hiệu sản phẩm chống trộm xe máy nào ở Việt Nam không?”. Câu trả lời đều là “không”. Cả nhóm họp lại. Cuộc khảo sát lớn được tiến hành với kết quả: không có nhãn hiệu nào ngoài hàng Trung Quốc, không rõ tem, rõ nhãn, không có thông tin của nhà sản xuất, không có chính sách bảo hành và giá mỗi nơi mỗi kiểu.

Tú lãnh nhận trách nhiệm nghiên cứu công nghệ, vì anh chàng vốn tốt nghiệp ngành điều khiển thông minh. Sản phẩm chống trộm xe máy có thể dùng ba loại công nghệ: điều khiển từ xa (remote- hàng Trung Quốc đang có mặt ở Việt Nam chủ yếu dùng loại này), vân tay và thẻ từ (hai loại này chưa có). Tú bàn với nhóm nghiên cứu theo hướng thẻ từ.

Không có sản phẩm tương tự nào ở nước ngoài vì các nước phát triển đâu có nhiều xe máy như nước mình và mất trộm xe máy cũng là “hàng hiếm” trên thế giới, nên không thể mua sản phẩm có sẵn để “mổ xẻ”. Nhưng ứng dụng công nghệ thẻ từ vào điều khiển thì là công nghệ phổ biến.

Chọn và đặt hàng con chip của hãng nổi tiếng thế giới NXP và Microchip ở Mỹ, nhóm bạn mất hẳn nửa năm cho chuyện thiết kế. Lâu như vậy là vì không đơn giản mạch điện tử này nối mạch điện tử kia mà phải xây dựng chức năng và tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với người tiêu dùng Việt nam, đáp ứng được đúng với tâm lý người dùng, môi trường nóng, ẩm Việt Nam.  

Bo mạch đầu tiên làm xong, Ngọc Tú và Bằng Sơn bỏ nó vào… bịch nilon, đấu nối với dây anten nhận diện, treo trên xe rồi rong ruổi trên các nẻo đường. Vài ngày chạy ngon lành, hệ thống báo hiệu “trộm” rất tốt. Nhưng một ngày nọ, Tú chạy ngang chiếc xe tải và cái bo mạch bỗng nhiên… im lìm. Tú biết đó là do nhiễu từ trường, một trong những điểm dự đoán của nhóm khi vận hành. Sau vài ngày trơn tru, cái “bịch bo mạch” của Bằng Sơn cũng gặp sự cố: “quẹt” hoài mà thẻ từ không nhận diện.

Trải qua những thăng trầm kiểu như vậy, nhóm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, thử đi thử lại. Cú thử “đỉnh” nhất là thảy đầu đọc vào ly nước, bo mạch vẫn chạy tốt (nhằm kiểm tra tình huống độ nhạy của thiết bị đi mưa hay khi rửa xe, thiết bị vẫn không bị ảnh hưởng).

Phải là smart!

Chất lượng board và linh kiện điện tử của đầu đọc (reader), anten, thẻ từ, dây dẫn điện, dây dẫn tín hiệu - linh hồn của sản phẩm đã tốt. Tất cả những cái đi theo đều phải smart (thông minh) - như tên của sản phẩm. Đó là tiêu chí mà nhóm đặt ra. Chính vì vậy, hai ông chủ trẻ Ngọc Tú (sáng lập - chủ tịch hội đồng quản trị) và Bằng Sơn (giám đốc), tiếp tục rảo khắp quận 5, quận 6, tìm cho được cơ sở làm hộp đựng bo mạch, trao đổi, làm đi làm lại, cho đến khi đạt đúng tiêu chí chống rung, chịu nhiệt, chống ẩm. Ngay cả từng con ốc, Tú và Sơn cũng phải mất vài tuần lựa chọn để đạt độ tinh xảo phù hợp…

Hai năm, sản phẩm đã hoàn tất với những tính năng: mở khóa bằng thẻ từ, báo động khi bị phá khóa hay khi xe bị dắt, không cho khởi động máy… Điểm nổi bật nhất là khi tắt máy xe 5 giây, xe tự độngchuyển sang chế độ an toàn, ngay cả khi quên rút chìa khóa. Nghĩa là chỉ trừ khi kẻ cắp có cả chìa khóa lẫn thẻ từ và biết chỗ nhận diện thẻ từ thì xe mới có nguy cơ bị mất.

Trong hai năm nghiên cứu, nhóm bạn đã nhiều đêm mất ngủ, nhiều ngày tập trung cao độ và nhiều lần… xung đột nảy lửa. Đó là những tranh luận rất thực tế như làm dòng sản phẩm nào trước. Có khi cãi nhau cả tuần chỉ từ cái tưởng như rất nhỏ: tiếng “bíp” khi nhận diện thẻ từ… Những lúc như vậy, Nguyễn Bằng Sơn là “bồ câu hòa bình”. Ở góc cạnh bạn bè, Sơn nói vui: “Tụi mày cứ chửi vào đầu tao nè”, nhưng với tư cách giám đốc công ty, Sơn cùng các bạn ngồi lại xoay quanh những tiêu chí chiến lược đã được xây dựng: đảm bảo công nghệ, không chạy theo lợi nhuận, giữ chữ tín với người dùng...

Bảy người bạn dùng số tiền tích cóp trong 9 năm từ khi ra trường làm vốn liếng. Bước đầu họ đã đặt hàng vài chục ngàn con chíp từ Mỹ, 3000 sản phẩm đầu tiên đã chào đời, khâu huấn luyện đang được thực hiện tại các tiệm sửa xe lớn ở TP.HCM. 40 khách hàng đầu tiên đã thử nghiệm sản phẩm mang tên Smart. Chị Vũ Thị Thúy Loan (nhà ở đường Thành Mỹ, quận Tân Bình) cho biết chị đã xài 6 tháng rồi. “Ban đầu nghe hàng trong nước, quả thật mình đã nghĩ chắc cũng không ngon lắm đâu nhưng xài từ đó đến nay thì thấy yên tâm vì dễ dùng, an toàn, không ảnh hưởng đến cấu trúc xe”- chị Loan nói.

Giá một bộ thiết bị thẻ từ Smart là 1,1 triệu đồng với bảo hành 24 tháng. Trong khi đó, chìa khóa thẻ từ của một số hãng xe máy lớn dao động từ  3 triệu đến 7,5 triệu đồng/bộ.

Sau sản phẩm cao cấp đầu tiên này, nhóm đang chuẩn bị chào đời sản phẩm tiếp theo: Khóa thông minh sử dụng công nghệ sóng RFID (xe máy tự nhận biết chủ xe khi lại gần, tương tự khóa thông minh của các dòng xe ô tô cao cấp).

Còn cả một con đường dài phía trước với nhóm bạn này. Ước mơ của họ cũng không dừng lại khi đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ thẻ từ phát triển các sản phẩm và giải pháp ứng dụng khác như: hệ thống khóa từ (cửa, thang máy…), thẻ tháng xe buýt (tương tự như thẻ xe buýt, xe điện ở các nước phát triển)...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.