Tượng nữ thần Devi và Durga

14/12/2011 00:26 GMT+7

Nếu tượng nữ thần Devi bằng đá là tác phẩm điêu khắc đẹp nhất trong nghệ thuật tạc tượng các nữ thần của nghệ sĩ tạo hình Chăm thế kỷ thứ 10, thì tượng Durga là tác phẩm tiêu biểu của văn hóa Óc Eo sớm hơn vào thế kỷ 7-8.

>>Tượng thần mặt trời Surya

Nếu tượng nữ thần Devi bằng đá là tác phẩm điêu khắc đẹp nhất trong nghệ thuật tạc tượng các nữ thần của nghệ sĩ tạo hình Chăm thế kỷ thứ 10, thì tượng Durga là tác phẩm tiêu biểu của văn hóa Óc Eo sớm hơn vào thế kỷ 7-8.

Nữ thần Devi “đẹp như Chiêm nữ”

Tượng được bảo hiểm 2.000.000 USD khi đưa từ Việt Nam sang trưng bày tại các nước Pháp, Bỉ, Áo và Hàn Quốc trong các năm trước đây. Tượng được phát hiện tại làng Hương Quế (Quảng Nam) trong một đền thờ nhỏ vào tháng 1.1911 và đưa về Bảo tàng Louis Finot, mang ký hiệu D.21.32 của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đến nay tượng đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Chúng tôi đến xem tượng Devi và thấy các ghi chú về kích thước như sau: cao 38,5 cm, rộng 21,6 cm, dày 11,8 cm và nặng 20 kg. Đây là tượng bán thân với lông mày dài và cong nối liền từ mắt phải qua mắt trái chứ không bị ngắt đoạn ở khoảng giữa, điều ấy làm vầng trán của nữ thần trở nên sinh động. Mi mắt nữ thần khá dài, sống mũi thẳng, miệng đang cười, tai đeo trang sức. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu thì đây là chân dung hiếm thấy của một nữ thần Ấn Độ được “Champa hóa” với “mái tóc vén lên thành nếp gấp lớn cuộn bồng viền theo trán, phần đỉnh đầu với các lọn tóc thắt bím được bới cao và kết dính bằng các bím tóc đặt theo chiều ngang và chia đôi cân đối. Phía trước có đính một vầng trăng lưỡi liềm và hai bên tết tóc như hình bậc thang, phía sau tóc bím từng dãy dài ôm vào gáy. Cổ thon cao, ngực để trần căng sức sống nhưng vẫn giữ được vẻ thánh thiện”. Cục Bảo tồn bảo tàng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) đã giới thiệu về tượng Devi trong tài liệu in thành sách Cổ vật Việt Nam xuất bản năm 2003 và cuốn Sưu tập hiện vật Chăm-pa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM xuất bản năm 1994, cùng các ấn phẩm khác trong đợt giới thiệu hiện vật Việt Nam trưng bày ở nước ngoài.

Với đường nét mỹ thuật riêng biệt và khác với các tác phẩm điêu khắc thời kỳ Đồng Dương, tượng nữ thần Devi đã cuốn hút nhiều nhà nghiên cứu bởi gương mặt quý phái đầy huyền bí, nhưng lại hết sức gần gũi và thường được nhắc đến với cụm từ “đẹp như Chiêm nữ”, hoặc “thần Vệ nữ của phương Đông”.

 
Tượng nữ thần Devi - Ảnh: T.L

 
Nữ thần Durga đứng trên đầu ngưu ma vương - Ảnh: Tư liệu

Nữ thần Durga “đánh thắng ngưu ma vương”

Tượng nữ thần Durga bằng đá sa thạch được tìm thấy khá sớm tại Liên Hữu, Trà Vinh vào năm 1902, nhưng sau đó phiêu dạt suốt 26 năm trước khi được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đến nay.

Đây là vị nữ thần có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Hindu và được tôn thờ như biểu tượng của lực lượng siêu nhiên thánh thiện diệt trừ và chiến thắng cái ác. Khi phát hiện, tượng bị sứt mẻ chút ít ở trán, ngực và nơi tay, song vẫn giữ được những nét chạm có linh hồn và toát lên vẻ đẹp tiêu biểu trong nghệ thuật tạo hình, điêu khắc của văn hóa Óc Eo thế kỷ 7-8. Ban đầu tượng được đưa vào giữ tại Bảo tàng của Hội Nghiên cứu Đông Dương ở Sài Gòn, sau đó lại qua Bảo tàng Phnom Penh. Đến năm 1928, tượng mới được đưa vào Bảo tàng Blanchard de la Brosses (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).

Tượng cao 75 cm, rộng 32,5 cm, dày 15,5 cm và nặng 75 kg được tạc trong tư thế đứng. Điều đặc biệt, tượng tạc nữ thần Durga đang đứng trên đầu một con trâu có hai chiếc sừng cong, con trâu này là hình ảnh tượng trưng cho Quỷ trâu (ngưu ma vương) bị nữ thần Durga khuất phục, giúp loài người thoát khỏi những tai ương khuấy nhiễu. Tượng có bốn tay, hai tay phía sau cầm tù và (tay phải) và một đĩa tròn (tay trái), hai tay phía trước tựa lên hai trụ đỡ, đầu đội mũ trụ, gương mặt đầy đặn với đôi mắt mở và đôi môi hé cười. Ngực thần Durga để trần, đang mặc sà rông có nhiều nếp gấp nhấp nhô hình sóng nước với chiếc thắt lưng bó lấy thân hình thon thả.

Tượng được mô tả trong tạp chí Bulletin de l’Ecole Francaise d’Etrême Orient ngay sau khi được phát hiện năm 1902 và ghi vào Catalogue Général des collections của L.Malleret năm 1937. Cục Bảo tồn bảo tàng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) giới thiệu tượng qua cuốn Cổ vật Việt Nam xuất bản năm 2003 và được mang đi trưng bày ở Mỹ, Hàn Quốc các năm trước đây với mức bảo hiểm 1.000.000 USD.

Bà la môn giáo từ Ấn Độ du nhập vào cộng đồng người Chăm trở thành tôn giáo của người Chăm và các quan điểm truyền thống của Ấn Độ cũng được thay đổi theo cách hiểu của người Chăm. Sự tiếp thu đó mang tính chất dung nạp và sau đó được bản địa hóa để trở thành sắc thái mang phong cách riêng trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Có thể sự hội nhập của nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Chăm là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực, tính cách điệu và tính quy phạm một cách sáng tạo. Theo thời gian, nghệ thuật điêu khắc Champa phát triển biến thành cái riêng không thể nhầm lẫn với nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, Campuchia, Java hay một nền nghệ thuật nào khác!

TS Bá Trung Phụ - Trưởng phòng Trưng bày và Tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.