Trở về mái nhà xưa

13/12/2011 14:41 GMT+7

Thời buổi kinh tế khó khăn, ngày càng nhiều thanh niên Mỹ quay trở về sống với cha mẹ.

Thời buổi kinh tế khó khăn, ngày càng nhiều thanh niên Mỹ quay trở về sống với cha mẹ.

Số người trưởng thành sống với cha mẹ đang ngày càng gia tăng ở Mỹ. Tuy nhiên, chuyện trở về mái nhà thời niên thiếu khi đã trưởng thành là cả một vấn đề. Thực tế là cho dù mối quan hệ cha mẹ - con cái có thân mật đến đâu đi nữa, sự tiếp xúc thường xuyên có thể sẽ gây ra bực bội, căng thẳng.

Tạm thời

Đối với một số người, họ về nhà cha mẹ khi bị mất việc hoặc thậm chí không thể kiếm được công ăn việc làm dù đã học tại một trường đại học có tiếng. Bên cạnh đó, theo đài BBC, một số khác tạm thời trở về nhà cha mẹ với mục đích tiết kiệm.

 
Trong năm 2011, 19% nam giới ở Mỹ trong độ tuổi 25-34 sống với cha mẹ. Ảnh: GRIND 365

Linda Nguyen, 22 tuổi, phụ trách chương trình thời sự trên đài truyền hình, hiện sống với mẹ ở Knoxville, Tennessee. Cô nói: “Chúng tôi sống trong một ngôi nhà rất lớn. Thực sự là tôi và mẹ chẳng hề “đụng” nhau. Chúng tôi không dùng bữa chung với nhau, thậm chí chúng tôi cũng không mấy khi gặp mặt nhau. Tôi làm việc nhiều giờ. Tôi cũng cố ra ngoài càng nhiều càng tốt”.

Cô Nguyen tâm sự: “Tôi cố để dành được nhiều tiền. Tôi có mục đích là một ngày nào đó tình hình sẽ khác đi. Chuyện bây giờ chỉ là tạm thời thôi”.

Đi ngược truyền thống

Lâu nay, người Mỹ ngầm hiểu rằng việc rời khỏi tổ ấm là một nghi thức chuyển sang giai đoạn trưởng thành, một dấu hiệu cho thấy một người đã trở thành người lớn. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, con số người Mỹ trưởng thành sống cùng với cha mẹ đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ, trong năm 2011, 19% nam giới trong độ tuổi 25-34 sống với cha mẹ, tăng 14% so với năm 2005. Đối với nữ giới, tỉ lệ đó là 10%, so với 8% năm 2005.

Andrea Pasquine, 31 tuổi, nhân viên chính phủ ở bang New Jersey, dọn về sống chung với cha mẹ ở Philadelphia với mục đích để dành tiền mua nhà nhưng rốt cuộc, cô vẫn cứ ở lại đây. Cha cô vắng nhà hầu như cả tuần vì bận rộn với công việc xây dựng; còn mẹ cô - giáo viên nghỉ hưu - cũng đi suốt vì bà tích cực tham gia công tác xã hội.

Pasquine tâm sự: “Phần lớn thời gian tôi ở nhà một mình.  Ít khi có đủ ba người ở nhà. Chúng tôi chẳng tranh giành nhau xem các chương trình tivi hoặc ăn món gì. Cha mẹ tôi sống trong một ngôi nhà có 3 phòng ngủ. Tôi có phòng ngủ riêng và phòng tắm riêng. Chúng tôi chẳng ảnh hưởng gì đến nhau cả nếu không muốn. Chuyện đó nói ra chẳng hay ho gì nhưng sự thực là như vậy”.

Phiền phức

Ở Mỹ, chuyện cha mẹ ảnh hưởng đến con cái có thể chấp nhận được khi con còn nhỏ nhưng lại là vấn đề gây bẽ mặt khi họ đủ lớn để có thể sinh con đẻ cái. Một chàng trai 27 tuổi sống cùng với mẹ ở Tallahassee, Florida trong thời gian thiếu việc làm. Anh ta tâm sự rằng mẹ anh dường như quên mất con trai bà đã là một người đàn ông trưởng thành nên bà thường xuyên nói chuyện với anh ta qua cánh cửa nhà tắm đóng kín. Anh kể: “Câu chuyện chẳng hề bị giới hạn khi tôi đang ở trong đó. Vấn đề là khi anh bị kẹt trong phòng, anh buộc phải nghe bất cứ chuyện gì người khác nói bên kia cánh cửa”.

Matt Harcarik, 26 tuổi, công nhân một nhà máy sản xuất cà phê, nói rằng sự đương đầu với cha mẹ mới là khó nhất. Anh kể rằng bất cứ cô gái nào anh tiếp xúc, cha mẹ anh đều nhún vai chê bai. Anh kêu ca: “Tôi đâu còn nhỏ bé gì mà họ lúc nào cũng muốn can thiệp sâu vào chuyện riêng tư của tôi. Tôi 26 tuổi chứ đâu phải 14 tuổi”. Vì vậy, sau này, Harcarik cố không cho bạn gái và cha mẹ anh gặp nhau. 

Còn Peter Weinberg, 23 tuổi, làm nghề tự do cho một cơ quan quảng cáo ở New York, than phiền: “Tôi không nghĩ sống với cha mẹ lại là một trong những thời điểm đáng xấu hổ của cuộc đời mình như vậy”. Theo anh, trong khi không có việc làm và sống với cha mẹ, đừng tự mãn rằng mình sống thoải mái và không phải chi tiêu bao nhiêu cả. Anh thú nhận: “Đối với một thanh niên 23 tuổi, có quá nhiều chuyện phải buồn phiền”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.