Những người phụ nữ xa quê

13/12/2011 14:31 GMT+7

Họ là những người vợ, người mẹ chân yếu tay mềm nhưng phải gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình; xa chồng, xa con vì miếng cơm manh áo…

Họ là những người vợ, người mẹ chân yếu tay mềm nhưng phải gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình; xa chồng, xa con vì miếng cơm manh áo…

Cứ 3 giờ là khu trọ trong con hẻm gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh - TPHCM) lại tấp nập. Tiếng người gọi nhau đi lấy hàng, tiếng xoong nồi va vào nhau lẻng xẻng. Cô Tư ở trọ tại đây cho biết: “Có 15 chị em từ các tỉnh thuê trọ, làm đủ thứ nghề như bán trái cây, bán chè, bánh tráng trộn... Sáng nào, mọi người cũng phải dậy sớm để ra chợ lấy trái cây, nấu chè, làm bánh để đi bán. Gia đình ai cũng khó khăn”.

Vì con đành phải ra đi

Ở khu trọ, ai cũng biết bà Nguyễn Thị Hạnh, 48 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. Ngày nào chị cũng là người dậy sớm nhất. Chị kể nhà chị nghèo lắm, chồng chị lại suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ vì chị không sinh được con trai. Một mình chị phải bươn chải để lo cho mẹ chồng đã 83 tuổi và 3 đứa con.

Để lại 3 đứa con và người mẹ già ở quê nhà, bà Hạnh khăn gói vào TPHCM kiếm sống từ năm 1994 và gắn bó với nghề bán dạo cho tới nay. Hằng ngày, bà cũng dậy từ 3 giờ để nấu xúp cua, chè rồi đẩy xe đi bán từ sáng sớm tới hơn 23 giờ mới về. Thu nhập hằng tháng khoảng 4 triệu đồng, bà chỉ giữ lại vài trăm ngàn đồng để chi tiêu, số còn lại gửi về quê cho mấy bà cháu.

 
Những người mẹ, người vợ tảo tần kiếm tiền lo cho gia đình

Cứ nhắc đến con là mắt bà lại đỏ hoe: “Không được gần gũi chăm sóc con, tôi thấy mình có lỗi lắm. Nhiều lúc nhớ con chỉ biết nhìn hình con rồi khóc. Tội nghiệp nhất là con bé út, mới 1 tháng tuổi đã bị mẹ bỏ ở nhà cho bà nội. Bây giờ với nó, bà nội mới là mẹ. Mỗi lần tôi về quê, nó cứ nhìn tôi như người xa lạ. Đau xót lắm!”.

Cực khổ tới đâu cũng cam lòng

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi lần nhắc đến con gái là chị Nguyễn Thị Hoan lại không giấu được niềm tự hào: “Mới học lớp 9 nhưng con gái đã biết thay mẹ lo cho bố. Mẹ đi làm xa, mọi việc trong nhà đều do một tay cháu quán xuyến. Năm học nào cháu cũng nhận được giấy khen của nhà trường. Tôi có cực mấy cũng thấy vui”.

Chị Nguyễn Thị Hoan, 42 tuổi, quê ở Thanh Hóa, cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém. Ở quê, cả gia đình chị phải chạy ăn từng bữa. Tai họa ập xuống khi chồng chị bị sán lên não, phải phẫu thuật hai lần với số viện phí lên đến hơn 200 triệu đồng. Chị đã phải vay mượn khắp nơi để lo cho chồng. Gánh nặng gia đình đè lên vai chị từ đó.

Năm 2009, chị vào Nam làm nghề lượm ve chai với hai bàn tay trắng. Tiền sinh hoạt của gia đình và tiền trả nợ đều trông cậy vào gánh ve chai của chị. Lúc đầu đi làm, chị bị chèn ép, tiền bán ve chai nhiều lúc không đủ ăn và trả tiền nhà trọ. Nhiều lúc, chị phải nhịn ăn để dành tiền gửi về cho gia đình. Chị kể: “Chồng bị bệnh nặng nên mọi việc lớn bé trong nhà đều đến tay tôi. Dù tôi cực khổ tới đâu cũng nhất định không để cho chồng con biết được. Tôi sợ chồng lo lắng, chỉ mong chồng yên tâm điều trị cho sớm khỏi bệnh”.

Tấm lòng người con hiếu thảo

Còn chị Hiền, 30 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, lại gắn bó với chiếc xe bán trái cây hơn 3 năm qua. Bố mẹ chị đã hơn 70 tuổi và thường xuyên đau ốm. Ông bà chỉ có mỗi mình chị nên mọi việc đều do một tay chị lo lắng. “Ở quê không có việc làm ổn định nên năm 2008, tôi theo bạn vào TPHCM bán trái cây dạo để kiếm tiền lo cho bố mẹ”- chị kể.

Cứ khoảng 4 giờ là chị Hiền lại tất bật chạy ra chợ đầu mối lấy trái cây rồi đẩy xe đi bán ở quanh khu vực cầu vượt Suối Tiên, tới chiều thì vào bán trong Làng Đại học. Thu nhập mỗi tháng được khoảng hơn 3 triệu đồng, chị giữ lại một ít đủ tiền trọ và sinh hoạt, còn lại gửi về quê lo thuốc thang cho bố mẹ. Chị tâm sự: “Cực chẳng đã mới phải để hai cụ ở nhà, lỡ có chuyện gì chắc tôi hối hận cả đời. Nhưng nếu ở lại quê nhà thì không biết lấy đâu ra tiền để lo thuốc thang cho hai cụ”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.