Chủ trương đúng nhưng chưa đủ

12/12/2011 02:46 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành văn bản quy định các học viện, ĐH và các trường ĐH không được đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành văn bản quy định các học viện, ĐH và các trường ĐH không được đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Đây được xem là một giải pháp đúng đắn để chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục ĐH. Như trước đây Thanh Niên từng có bài phản ảnh về tình trạng loạn đào tạo ngành nghề, trong đó nêu thực trạng các trường ĐH nhưng đào tạo chủ yếu là bậc TCCN và đào tạo cả sơ cấp nghề, trong khi luật Giáo dục quy định trường ĐH chỉ được đào tạo ĐH, CĐ. Vì vậy, chủ trương này trước hết là nhằm thực hiện đúng luật Giáo dục mà nhiều năm qua chưa được thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, nói: “Chúng ta phải khẳng định, điều 42 của luật Giáo dục đã quy định rồi, trường ĐH chỉ được đào tạo ĐH, CĐ. Có ý kiến cho rằng luật không cấm đào tạo trung cấp thì vẫn được làm. Tuy nhiên hiểu như vậy không đúng, bây giờ phải hiểu cho đúng và phải thực hiện đúng luật. Các trường ĐH cần tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chính là đào tạo ĐH, CĐ. Hơn nữa, theo thống kê của chúng tôi, các trường TC hiện nay chỉ đào tạo có 40% quy mô TCCN, còn lại 60% do các trường ĐH, CĐ đào tạo. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì các trường TC sẽ không tồn tại được”.

Thực tế cho thấy, những trường ĐH có đào tạo bậc TC đa số là những trường vừa mới nâng cấp từ bậc học thấp hơn hoặc những trường ĐH mới thành lập. Đây là những trường khó tuyển sinh bậc ĐH do các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế. Vì vậy để dễ tuyển sinh, hầu hết các trường này đều mở ra bậc TC, thậm chí cả đào tạo nghề để tiếp tục liên thông lên ĐH. Điều này dẫn đến thực trạng các trường TC ngày càng khó tuyển sinh. Thế nên, hiện có nghịch lý là để tồn tại được, các trường TC liên kết với ĐH để đào tạo ĐH trong khi trường ĐH thì lại tập trung đào tạo TC. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các trường TC thích nâng cấp lên bậc học cao hơn. Nói về thực trạng này, GS Nguyễn Minh Thuyết đã cảnh báo hậu quả là “hệ thống giáo dục ngày càng mất đi những trường TC, CĐ tốt và sinh ra những trường ĐH yếu kém”.

Việc cấm các trường ĐH không đào tạo bậc TC nhằm thúc đẩy việc tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng ĐH; bên cạnh đó sẽ hạn chế nhu cầu nâng cấp lên ĐH từ các trường có bậc học thấp hơn.

Tuy nhiên, có một điều bất cập là hiện nay Bộ GD-ĐT cấm đào tạo TCCN trong trường ĐH, nhưng các trường vẫn có thể đào tạo nghề vì luật Dạy nghề cho phép các trường ĐH, CĐ được đào tạo nghề. Hiện nay, quy định cũng cho phép học TC nghề và CĐ nghề sẽ được liên thông lên ĐH. Vì vậy, sẽ có nhiều trường ĐH tiếp tục đào tạo nghề thay vì ĐH như Bộ GD-ĐT mong muốn. Ngoài ra, hiện ở một số vùng, miền hiện không có trường TC (vì đã được nâng cấp lên ĐH, CĐ) thì việc đáp ứng nhu cầu của người học bậc TC sẽ gặp khó khăn trước quyết định này. Đó là chưa kể, trong tương lai, khi phân tầng ĐH thì bên cạnh những ĐH tinh hoa chuyên nghiên cứu còn có những ĐH cộng đồng (bao gồm việc dạy thực hành) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Lúc bấy giờ, quy định này liệu có còn phù hợp?

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.