Hoàng Sa và bài giảng điện tử

10/12/2011 01:16 GMT+7

Nhân tin vui cô giáo Trường THCS Phổ Vinh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) Tô Thị Thanh Thủy vừa được nhận giải thưởng đặc biệt do Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fleming (VVOB) của Bỉ cho giáo án điện tử môn lịch sử mà cô thiết kế và giảng dạy tại trường, xin góp thêm đôi điều về đề tài Hoàng Sa được đưa vào chương trình tại các trường phổ thông.

Nhân tin vui cô giáo Trường THCS Phổ Vinh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) Tô Thị Thanh Thủy vừa được nhận giải thưởng đặc biệt do Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fleming (VVOB) của Bỉ cho giáo án điện tử môn lịch sử mà cô thiết kế và giảng dạy tại trường, xin góp thêm đôi điều về đề tài Hoàng Sa được đưa vào chương trình tại các trường phổ thông.

Chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa là một vấn đề lớn, cần được đưa vào sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý để giảng dạy chính thức trong các trường phổ thông. Trong khi chờ sự điều chỉnh của sách giáo khoa (SGK), rất cần đưa ngay đề tài Hoàng Sa vào các bài giảng ngoại khóa, học thêm, sinh hoạt Đoàn, Đội tại trường. Để học sinh ở nhiều cấp học phổ thông, ở nhiều lứa tuổi được tiếp thu một cách tốt nhất, phong phú và sinh động nhất bài học về Hoàng Sa như một bài học về lòng yêu nước, nên thiết kế những giáo án, bài giảng điện tử phù hợp với từng cấp học.

Từ kinh nghiệm thiết kế giáo án điện tử môn lịch sử của cô giáo Thanh Thủy, nên chăng ngành giáo dục tổ chức những cuộc thi thiết kế giáo án, bài giảng điện tử về Hoàng Sa, những cuộc thi dành cho giáo viên tại trường phổ thông để tìm ra được những bài giảng điện tử tốt nhất, hấp dẫn và sâu sắc nhất, có sức thu hút nhất đối với học sinh. Từ đó, có thể nhân bản thành những bài giảng điện tử chính thức và phổ biến trong các cấp học của trường phổ thông. Ngay ở cấp tiểu học, học sinh vẫn có thể được học, được biết về Hoàng Sa qua bài giảng điện tử phù hợp với lứa tuổi. Với học sinh THCS, bài giảng điện tử về Hoàng Sa sẽ được thiết kế phong phú hơn, nhiều kiến thức hơn. Ở cấp học THPT, bài giảng điện tử về Hoàng Sa sẽ sâu sắc hơn, thôi thúc lòng yêu nước nhiều hơn, và khiến học sinh có ý thức cao hơn về chủ quyền của Tổ quốc. Từ những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội vừa rồi, có thể thấy lập trường rất rõ ràng, quang minh chính đại của nước ta về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Bây giờ chính là lúc phải bằng rất nhiều cách để đưa ý thức chủ quyền về Hoàng Sa tới các thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh.

Tài liệu về Hoàng Sa không thiếu. Những nhân chứng người Việt từng sống và làm việc tại Hoàng Sa không thiếu. Những ngư dân, đặc biệt là ngư dân Quảng Ngãi, ngư dân Lý Sơn đã và đang đánh cá tại Hoàng Sa càng không thiếu. Họ là những nhân chứng sống về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Cộng với rất nhiều phim tài liệu, phóng sự, những bài báo về Hoàng Sa cũng như tài liệu lịch sử mấy trăm năm trở lại đây đã xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam. Cùng với nó là những bài viết, những nhận định của nhiều chuyên gia nước ngoài, của các tổ chức quốc tế nghiên cứu về biển Đông khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Kho tư liệu thật là lớn về Hoàng Sa sẽ cung cấp cho các giáo viên đủ dữ liệu để thiết kế những giáo án điện tử sinh động nhất, phong phú nhất về Hoàng Sa, về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Những giáo án ấy sẽ góp phần quan trọng giáo dục lòng yêu nước, ý thức chủ quyền quốc gia cho thế hệ trẻ.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.