“Lốc vàng” càn quét quê nghèo - Kỳ 2: Ai tiếp tay cho “vàng tặc”?

09/12/2011 02:30 GMT+7

Lợi dụng việc “thăm dò” vàng, nhiều đơn vị, công ty tập trung lực lượng, phương tiện khai thác bừa bãi, dẫn đến việc sông, núi bị tàn phá không thương tiếc.

Lợi dụng việc “thăm dò” vàng, nhiều đơn vị, công ty tập trung lực lượng, phương tiện khai thác bừa bãi, dẫn đến việc sông, núi bị tàn phá không thương tiếc.

>> “Lốc vàng” càn quét quê nghèo (kỳ 1)

Trước khi bắt đầu thực hiện loạt bài này, tôi đã tự chia ra hai lực lượng chính tham gia vào việc khai thác vàng tại địa bàn các xã vùng cao thuộc hai huyện Đakrông và Vĩnh Linh: các công ty, đơn vị được cấp phép và các “vàng tặc”. Nhưng khi thâm nhập thực tế thì hầu như không thể phân biệt được  "chính - tà".

“Lá chắn”... giấy phép thăm dò

Một cán bộ của Sở TN-MT Quảng Trị nói theo quy định hiện hành, đơn vị muốn khai thác vàng phải qua 2 khâu: thăm dò và đánh giá trữ lượng rồi mới khai thác, mỗi khâu đều phải được cơ quan chức năng cấp phép (Bộ TN-MT) và có sự đồng ý của UBND tỉnh. Thực tế, khi chỉ mới được cấp giấy phép thăm dò thì một số đơn vị đã ồ ạt phá hoại sông, núi.

Giá đắt phải trả

Cái giá phải trả khi “ăn hỗn” từ thiên nhiên là rất đắt, tử thần luôn bủa vây, rình rập. Theo một thống kê chưa đầy đủ, 2 năm trở lại đây, tại H.Đakrông có 6 vụ sập hầm vàng làm 10 người chết và bị thương.

Tại các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (H.Vĩnh Linh) trước đây, người ta chỉ thấy những nhóm người nhỏ lẻ chui rúc tại các bờ bụi để tìm vàng thì nay đã có sự vào cuộc của những “ông lớn” với lực lượng hùng hậu. Mới đây, theo thông tin mà PV có được, Bộ TN-MT đã cấp phép, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho liên danh Công ty CP Axiom Việt Nam (trụ sở Hà Nội, có chi nhánh tại Quảng Trị) và Công ty CP khoáng sản Quảng Trị (trụ sở H.Vĩnh Linh) thăm dò vàng tại khu vực Xà Lời - Me Xi - Động Chặt (xã Vĩnh Ô và Vĩnh Hà); diện tích thăm dò 23 km2, thời gian thăm dò 2 năm với các phương pháp đo, vẽ bản đồ địa chất; khoan; đào hố; dọn sạch công trình cũ (công trình của "vàng tặc")...

Cuối tháng 11, chúng tôi đột nhập vào bãi vàng phía đầu nguồn sông Bến Hải thuộc xã Vĩnh Ô, thấy người ta sử dụng cả 2 phương thức: đào hầm khoét núi, nổ mìn và đãi vàng sa khoáng trên sông. Chính cách làm “tận thu” này đã san phẳng, chặn dòng chảy của sông, cộng thêm tác hại của các loại hóa chất đã tận diệt luôn nguồn thủy sản, nguồn nước hầu như không sử dụng được... Ông Hồ Đàn, Trưởng công an xã Vĩnh Ô, cho hay hiện đơn vị đã thống kê sơ bộ trên địa bàn có hơn 15 điểm khai thác vàng chui, còn các điểm “thăm dò” của liên danh Công ty CP Axiom và Công ty CP khoáng sản Quảng Trị thì... chưa đếm hết!

Đáng nói, từ sau khi hai đơn vị nói trên được "thăm dò" vàng ở Vĩnh Hà và Vĩnh Ô, thì tình trạng khai thác vàng ở đây đã trở nên vô cùng khốc liệt. Một số người dân cho rằng chính liên danh trên đã lấy tờ giấy phép thăm dò ra “che mắt thánh” để thi nhau khai thác. Lợi dụng tình trạng “tranh sáng, tranh tối”, các đội quân “vàng tặc” thứ thiệt tiếp tục nhảy vào kiếm chác làm tình hình thêm rối ren.

Còn nhớ, một vụ việc tương tự xảy ra tại H.Đakrông vào năm trước, khi Công ty CP khoáng sản 4 cũng đã được Bộ TN-MT cấp phép “thăm dò” tại một số điểm thuộc các xã A Vao, A Bung. Tuy nhiên, công ty này đã đưa nhân công, máy móc vào “thăm dò” nhưng quản lý rất lỏng lẻo để xảy ra việc sông suối bị tàn phá... Trong các đợt truy quét tại trọng điểm Dốc Đứng (xã A Vao), Công an H.Đakrông phát hiện chính công ty này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định thăm dò. Nhưng trớ trêu là ngay sau đó, công ty này lại được tiếp tục gia hạn... giấy phép thăm dò thêm 24 tháng, tính từ tháng 9.2010 (!?).


“Vàng tặc” Vĩnh Ô nhanh chóng đưa máy móc đi cất khi thấy PV xuất hiện - Ảnh: Nguyễn Phúc

“Nghe đâu có vàng là chúng tôi đến”!

Như đã nói ở bài trước, tại H.Đakrông rất dễ dàng bắt gặp các “vàng tặc” ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Ai đó đã gán cho họ cái biệt danh “vàng tặc” cũng... tội, vì thực ra họ nghèo xác xơ, đãi vàng là để kiếm sống. Họ đơn giản là những người dân sống dọc dãy Trường Sơn này, một số đi làm theo kiểu tự phát (phụ nữ, người già, trẻ con), một số làm thuê cho các đầu nậu (thanh niên trai tráng).

Trước đây, để “phục kích” những mỏ vàng dọc sông, những công trường ngồn ngộn người thi nhau đào đãi, người ta phải đi vào những xã vùng sâu của H.Đakrông dọc đường Hồ Chí Minh như A Vao, Tà Rụt... Nhưng nay nạn khai thác vàng đã lan ra đến những xã bên ngoài như Đakrông, Mò Ó... Khó ai có thể đếm hết có bao nhiêu điểm mỏ tự phát trên sông Đakrông. Với những dụng cụ thô sơ như cuốc xẻng, thau đãi..., người dân (có cả những đứa trẻ) vẫn mải mê với công việc của mình. Bà Hồ Thị Cươi (51 tuổi), vừa cắm cụi với thau đãi vừa nói: “Tui với 2 đứa con sáng nào cũng đi cùng dân bản ra sông để đãi vàng. Hết đoạn sông này đến đoạn sông khác, cứ nghe đâu có vàng là chúng tôi đến...”. Theo nhẩm tính của nhiều người, mỗi ngày một “vàng tặc” có thể kiếm được 100.000 - 150.000 đồng, số tiền không nhỏ đối với cư dân nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này.

Trong khi đó, dù mới “bén duyên” với nghề trong thời gian chưa lâu, nhưng nhiều người dân tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà (H.Vĩnh Linh) cũng tham gia nhiệt tình không kém. Vì tiền, họ sẵn sàng bắt tay với các đậu nậu, chủ mỏ, tàn phá sông, suối quê mình.

Ông Lê Phước Chưởng, Phó phòng TN-MT H.Đakrông, trần tình: “Họ toàn là người nghèo, kiếm cơm. Dù chúng tôi đã thường xuyên lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, đẩy đuổi họ ra khỏi các khu vực khai thác trái phép, nhưng khi chúng tôi đi thì họ lại về hoặc tự mở một điểm mỏ khác gần đó. Thậm chí, vừa xảy ra tai nạn hầm mỏ hôm nay mà mai họ đã tiếp tục...”. Thực tế này cho thấy về lâu dài cần tạo cho “vàng tặc” một công việc khác có thu nhập ổn định, tự khắc họ sẽ bỏ nghiệp “ăn hỗn” từ thiên nhiên. 

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.