Khuyết tật của nền hành chính

09/12/2011 01:53 GMT+7

Phải gần 1 tháng sau khi báo chí phát hiện 108 tấn chân gà thối “bốc hơi” khỏi cảng Hải Phòng thì Bộ Tài chính mới có văn bản “báo cáo” Thủ tướng.

Phải gần 1 tháng sau khi báo chí phát hiện 108 tấn chân gà thối “bốc hơi” khỏi cảng Hải Phòng thì Bộ Tài chính mới có văn bản “báo cáo” Thủ tướng.

Ở đây không bàn đến chuyện làm thế nào mà 108 tấn chân gà có thể thoát khỏi tầng tầng lớp lớp các quy định về kiểm dịch để ra khỏi cảng, trước khi cơ quan kiểm dịch tuyên bố nó đã “bị phân hủy và có mùi ôi”, mà là câu hỏi về việc có cần thiết phải “báo cáo Thủ tướng” một việc mà đã có đầy đủ quy định luật pháp và thẩm quyền để giải quyết hay không? 

Mặc dù thừa nhận căn cứ các quy định luật pháp thì Hải quan Móng Cái và Hải quan Đình Vũ (Hải Phòng) giải quyết thông quan cho lô hàng khi chưa có kết quả kiểm dịch là sai, nhưng viện lý do hàng hóa chưa kịp “thẩm lậu” vào nội địa nên Bộ Tài chính rất khiêm tốn trong việc chỉ đạo “tổ chức kiểm điểm những cá nhân liên quan”. Việc xử lý một lô hàng không đủ chất lượng, cũng như xử lý cán bộ sai phạm trong trường hợp này lẽ ra không cần phải có ý kiến của Thủ tướng.

Rất nhiều câu chuyện, chứng tỏ não trạng hoạt động của bộ máy hành chính hiện nay có tình trạng đùn đẩy nhau, sợ chịu trách nhiệm. Muốn đăng ký hộ khẩu đòi có chủ quyền nhà, muốn cấp chủ quyền nhà đòi có hộ khẩu. Nộp hồ sơ đòi phải có bản chính để so nhưng lại đòi bản photo có công chứng... Câu chuyện ba bộ cùng chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm, nghe buồn cười nhưng là sự thật. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm; bảo quản thực phẩm tươi sống bán trên thị trường thuộc Bộ Công thương chịu trách nhiệm; người dân ăn vào có chuyện ngộ độc xảy ra thì đến Bộ Y tế chịu trách nhiệm... Điều này bắt nguồn từ sự khiếm khuyết trong hệ thống các quy định, sự chưa rõ ràng của các văn bản quản lý. Nhưng nó cũng nảy sinh từ sự vô cảm, hoạt động thiếu thông suốt của các cơ quan công quyền.

Có nhiều chuyện cứ phải đưa lên Thủ tướng xử lý mới xong. Chẳng hạn như chuyện xử lý Vedan đầu độc sông Thị Vải, lúc đầu dư luận đã rất bức xúc trước sự đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ TN-MT và UBND tỉnh Đồng Nai. Cuối cùng Thủ tướng phải ra tay, mặc dù bộ và tỉnh đều được giao trách nhiệm và có đủ thẩm quyền xử lý.

 Vụ Tổng công ty du lịch Hà Nội lấy gần 10.000m2 đất của công viên Thống Nhất để góp vốn xây dựng khách sạn trong công viên ở Hà Nội hồi năm 2009 cũng vậy. Một việc rõ ràng trong thẩm quyền giải quyết của thành phố. Nhưng trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, phản biện thuyết phục của cơ quan chuyên môn, UBND TP. Hà Nội thay vì thu hồi quyết định của mình thì lại chọn cách... báo cáo Thủ tướng. Có lẽ quyết định dừng xây khách sạn trong công viên của Thủ tướng giúp chính quyền thành phố dễ dàng “ăn nói” với nhà đầu tư hơn chăng?

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.