DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt !

09/12/2011 02:41 GMT+7

Đó là khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới DNNN do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, diễn ra hôm qua 8.12 tại Hà Nội.

Đó là khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới DNNN do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, diễn ra hôm qua 8.12 tại Hà Nội.

Đến 2020 còn 17 tập đoàn, tổng công ty (TCT)

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DNNN (BCĐ) đã công bố kế hoạch tái cấu trúc các DNNN, trọng tâm là 101 tập đoàn, TCT. Theo đó, tới năm 2015 và 2020 các đơn vị sẽ vẫn giữ vị trí, vai trò chủ đạo để chèo lái nền kinh tế, nhưng số lượng sẽ phải giảm xuống, cũng như quy mô đầu tư thu hẹp lại, tập trung vào các lĩnh vực then chốt, quốc phòng, an ninh, dịch vụ công ích…

''Chính phủ không khuyến khích giữ lại DN có vốn chi phối nhà nước dưới 50%. Những DN này nên cho cổ phần hóa hết'' - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Cụ thể, trong tổng số 1.309 DNNN, đến năm 2015 Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa 573 DN; thực hiện phá sản, giải thể 13 DN; tái cơ cấu bằng các công cụ thị trường như mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng vốn 31 DN; giữ lại 692 DN 100% vốn nhà nước, số này sẽ tổ chức lại thành 44 tập đoàn, TCT. Trong đó, 284 DN phục vụ an ninh, quốc phòng; 408 DN kinh doanh ở lĩnh vực độc quyền nhà nước như quốc phòng, an ninh, thủy nông, thủy lợi, bảo đảm an toàn giao thông, xổ số kiến thiết, thoát nước đô thị, sản xuất điện quy mô lớn, quản lý khai thác hệ thống đường sắt quốc gia, đô thị, cảng hàng không, cảng biển loại 1, nông lâm nghiệp, dịch vụ môi trường đô thị, và quản lý tài nguyên quan trọng. Trong số trên, Nhà nước dự kiến chỉ giữ lại 10 tập đoàn, 5 TCT 91 và 26 TCT thuộc các bộ, ngành….

Trong lộ trình dài hơi hơn, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng BCĐ, đến 2020 Nhà nước chỉ giữ lại 17 tập đoàn, TCT nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích.


Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tạm thời chưa cổ phần hóa trong 5 năm tới vì phải làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng (Trong ảnh là kỹ sư vận hành máy nén khí ở giàn trung tâm công nghệ số 2 mỏ Bạch Hổ) - Ảnh: Thanh Hải

Thủ tướng giữ 5 quyền quyết định

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc sắp xếp, đổi mới không phải là xóa bỏ DNNN. Tái cơ cấu nhưng các tập đoàn, TCT vẫn là lực lượng then chốt để Chính phủ can thiệp thị trường, đảm bảo an sinh, ổn định vĩ mô. Thời gian qua, các tập đoàn, TCT đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế... Riêng đối với Vinashin, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm khi để xảy ra đổ vỡ. Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý: “Vừa rồi điều hành tiền tệ nếu không có ngân hàng quốc doanh thì hậu quả sẽ thế nào? Giá điện cũng vậy, vì mục tiêu kiểm soát lạm phát, không tăng giá quá cao nên phải bán dưới giá thành… Những khoản lỗ này là lỗ chính sách, còn tập đoàn, TCT làm việc khác lỗ thì phải tách ra, như EVN Telecom. Cần có đánh giá khách quan và nghiêm túc chỉ rõ yếu kém”.

"Công ty nào cần cổ phần, công ty nào cần giữ lại phải làm rõ. Ví dụ trường hợp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tạm thời chưa cổ phần hóa trong 5 năm tới vì phải làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng. Chính phủ không khuyến khích giữ lại DN có vốn chi phối nhà nước dưới 50%. Những DN này nên cho cổ phần hóa hết”, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết trong thời gian tới việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các tập đoàn, TCT sẽ có nhiều thay đổi cơ bản. Thủ tướng chỉ trực tiếp thực hiện 5 quyền gồm: quyết định thành lập mới, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; Phê duyệt và sửa đổi điều lệ; Phê duyệt mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và sản xuất kinh doanh 5 năm; Danh mục các dự án đầu tư nhóm A; quyết định cơ cấu tổ chức quản lý và bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt mức vốn điều lệ.

Lỗ lũy kế trên 26.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về Thực trạng hoạt động các tập đoàn, TCT giai đoạn 2006-2010, hầu hết các tập đoàn, TCT đều có lãi. Tuy nhiên, một số đơn vị do khủng hoảng kinh tế, giá bán hàng chưa theo thị trường… dẫn tới kinh doanh thu lỗ như Tập đoàn Điện lực (EVN), TCT Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, TCT xăng dầu Quân đội. Đối với TCT dâu tằm tơ VN, TCT xây dựng đường thủy… Chính phủ chỉ đạo nếu trường hợp nào không xử lý được thì thực hiện giải thể, phá sản. Tính đến 31.12.2010, lỗ lũy kế các đơn vị trên 26.000 tỉ đồng. Đến cuối 2010, doanh thu của các tập đoàn, TCT đạt 1,488 triệu tỉ đồng, lợi nhuận 162.910 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 231.526 tỉ đồng.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.