Phồn thực thạp đồng Đào Thịnh

05/12/2011 02:41 GMT+7

Là ví dụ tiêu biểu về tín ngưỡng phồn thực của người Việt, thạp đồng Đào Thịnh khiến người đời sau kinh ngạc về trình độ đúc đồng điêu luyện và thẩm mỹ tinh tế hiếm có.

Là ví dụ tiêu biểu về tín ngưỡng phồn thực của người Việt, thạp đồng Đào Thịnh khiến người đời sau kinh ngạc về trình độ đúc đồng điêu luyện và thẩm mỹ tinh tế hiếm có.

>> Đài thờ mang dấu ấn ba nền văn hóa

Thạp đồng “khổng lồ” Đào Thịnh được phát hiện sau một vụ lở sông đầu những năm 1960. “Một chiếc thạp gỉ xanh to như một cái chum lăn xệ xuống mép nước. Vết in của chiếc thạp và một số đồ đồng khác như trống, chậu còn lại trên bờ cao. Đó là dấu tích một khu mộ quý tộc Đông Sơn giàu có. Bên trong chiếc thạp mới bị lở ra đó còn vết xương người và một số đồ đồng thau tùy táng khác nữa”, TS Nguyễn Việt nhớ lại.

“Hoa văn trên thân thạp đáng chú ý nhất là tám chiếc thuyền, thể hiện thành bốn cặp thuyền dính với nhau bởi hình hai con cá sấu đấu chân đối nhau. Trên thuyền phía trước là tốp người ở trần không trang điểm làm nhiệm vụ chèo thuyền, trong khi những chiến binh ở thuyền sau đầu đội mũ lông chim, đóng khố tua dài, một tay cầm rìu hoặc giáo, tay kia cầm khiên tư thế oai phong, dũng mãnh. Xung quanh thuyền, phía trên là chim bay rợp trời, phía dưới là cá và các loài chim, thú ăn bắt cá. Đó là diễn cảnh của một lễ hội khải hoàn, được nghệ nhân thể hiện thật hoành tráng”.


Ảnh: Tư liệu

Mặc dù vậy, chiếc thạp khổng lồ có thể chứa 200 lít rượu này lại được nhớ đến nhiều nhất vì hình ảnh bốn cặp tượng đồng thể hiện nam nữ đang trong tư thế giao tình được phô diễn trên rìa nắp thạp. Người nữ nằm dưới, người nam ở trên tóc cắt ngắn. Sinh thực khí cứng và lớn hơn bình thường.

Theo TS Việt, kiểu làm bốn khối tượng trên rìa nắp thạp khá phổ biến ở vùng văn hóa Đông Sơn trung lưu sông Hồng này. Một thạp khác là Hợp Minh có bốn chú bồ nông, thạp Vạn Thắng có bốn con hổ trong tư thế vồ ngoạm con mồi.

GS Ngô Đức Thịnh cho biết hình ảnh tính giao này thể hiện quan điểm vũ trụ luận của cư dân trồng trọt rất rõ. “Họ luôn mong muốn sự sinh sôi nảy nở - điều chỉ có khi âm dương hài hòa. Trời đất mưa thuận gió hòa. Cây cối sinh sôi nảy nở. Con người cũng phải đực cái giao hòa. Cội nguồn của phồn thực là như thế”.

“Do đó, tín ngưỡng phồn thực của người Việt thể hiện rõ trong nghi lễ mùa xuân - khi dương thịnh. Người ta hay cầu mong bằng cách làm giả hình tượng âm dương. Trong những lễ nghi đó luôn có việc thực hiện qua các biểu tượng hành vi tính dục. Cái đó gọi là ma thuật bắt chước: con người làm mẫu để tự nhiên cũng bắt chước theo”.

“Bản thân hình ảnh tính giao trên thạp đồng Đào Thịnh cũng vậy. Mong sinh sôi, người ta đã làm ra hình tính giao để trời đất cũng biết mà bắt chước. Sự phóng đại của sinh thực khí trong hình ảnh người giao hoan này cũng cho thấy sự phóng đại của tính đực”, GS Thịnh phân tích.

Những tù trưởng hùng mạnh

Về đồ đồng Đông Sơn nói chung và thạp đồng Đào Thịnh nói riêng, GS Lương Ninh đánh giá cư dân Văn Lang - u Lạc đã đạt đến một trình độ thẩm mỹ, tư duy khá cao. Trống đồng, thạp đồng cho thấy kỹ thuật luyện đồng đạt đến đỉnh cao. Kỹ thuật đó thể hiện từ cách xây dựng các lò đúc, khuôn đúc, nguyên liệu pha chế hợp kim, làm hoa văn...

Thạp đồng Đào Thịnh còn đẹp đến mức có người đặt câu hỏi về sự quá cầu kỳ của nó, cụ thể là các cặp trai gái giao hoan tuyệt đẹp và tự nhiên. Theo họ, nếu giải mã theo quan điểm tiện ích thì các cặp trai gái này đóng vai trò như những vấu buộc (để khiêng khi vận chuyển). Nhưng nếu vậy thì tại sao các chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn không đúc ngay các quai xỏ dây với các lý do như vừa dễ đúc, vừa tiện cho người sử dụng?

Thống kê cho thấy, vùng trung lưu sông Hồng, đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì hiện là nơi phát tích những chiếc thạp đồng Đông Sơn lớn và đẹp nhất. Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm điểm của vùng phân bố thạp đó.

TS Việt đánh giá, điều này cho thấy vùng đất Yên Bái rõ ràng đã ủ chứa những di vật vô giá của văn hóa Đông Sơn. Hiện tượng này báo hiệu sự tồn tại của một hệ thống thủ lĩnh giàu có trong vùng. Sự giàu có này gắn liền với việc họ nắm giữ nguồn quặng kim loại quan trọng của văn hóa Đông Sơn (đồng, chì, thiếc). Nó cũng hé mở mối quan hệ giữa các thủ lĩnh Đông Sơn ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ với những thủ lĩnh u Lạc sau này, khi nước u Lạc hình thành với kinh đô Cổ Loa. 

Tiêu biểu vào loại nhất của văn hóa Đông Sơn

Theo TS Nguyễn Việt, thạp đồng là hiện vật tiêu biểu vào loại nhất của văn hóa Đông Sơn. Diện phân bố của thạp chỉ giới hạn trong cộng đồng cư dân Đông Sơn cổ điển, tức vùng miền Bắc Việt Nam, chứ không lan tỏa rộng ra toàn vùng Đông Nam Á như trống đồng. Trong những ngôi mộ quý tộc, thạp đồng Đông Sơn luôn được chôn cất ở những vị trí quan trọng bên cạnh những đồ lễ nghi cao quý nhất.

Ngô An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.