Vụ Tài xế gây náo loạn Trạm cân Dầu Giây: Thiết bị thường xuyên hư hỏng

05/12/2011 00:20 GMT+7

Vụ tài xế gây náo loạn tại Trạm cân Dầu Giây vào tối 2.12 (Báo Thanh Niên đã phản ánh) cùng với thừa nhận của lãnh đạo trạm cân cho thấy thiết bị tại đây đang tồn tại nhiều bất cập.

Vụ tài xế gây náo loạn tại Trạm cân Dầu Giây vào tối 2.12 cùng với thừa nhận của lãnh đạo trạm cân cho thấy thiết bị tại đây đang tồn tại nhiều bất cập.

>> Tài xế gây náo loạn Trạm cân Dầu Giây

 

Hệ thống thiết bị thường xuyên hư hỏng (trong ảnh: biển báo điện tử bị lỗi) - ảnh: Kim Cương

Khi đưa Trạm cân Dầu Giây hoạt động trở lại (tháng 3.2009 - PV), Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỉ đồng hiện đại hóa, tự động hóa để tránh phát sinh tiêu cực. Thế nhưng, suốt thời gian đi vào hoạt động đến nay, thiết bị trạm cân luôn hư hỏng dẫn đến xe quá tải vô tư qua trạm, tiêu cực phát sinh...

Một tài xế lái xe tải đường dài thường xuyên chở quá tải truyền kinh nghiệm: "Trước đây khi trạm cân đi vào hoạt động, tôi phải thường xuyên nhờ các "cò" dẫn đường đi tắt qua các tuyến đường liên huyện (phải chi từ 300.000 - 500.000 đồng/chuyến) để "né" trạm. Sau đó, giới tài xế mách nhau dùng giấy bạc che biển số thì camera của trạm cân không đọc được. Dạo này, tôi còn nghe giới tài xế kháo nhau khi qua trạm phải "bò" thật chậm, nối đuôi với các xe trong khoảng cách 2-3m, thì thiết bị rất khó phát hiện quá tải".

Hệ thống cân lạc hậu 

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại trạm cân cho biết thiết bị tại đây thường xuyên hư hỏng và lỗi báo sai xảy ra như "cơm bữa". Do đó rất khó khăn cho CSGT khi buộc các xe vào cân tĩnh để kiểm tra. Cụ thể như hệ thống kiểm tra vi phạm thường xuyên hư hỏng hoặc báo thiếu số, báo chậm, báo sai trục. "Phổ biến nhất là trường hợp xe quá tải mà biển quang báo bị lỗi không đọc được. Hoặc có khi xe khách qua trạm cân nhưng thiết bị vẫn báo là xe tải quá tải trọng", một CSGT nói. 

Ông Phan Mậu Khởi - Trưởng trạm cân Dầu Giây - cho biết: "Phía trước trạm cân đều có biển báo quy định các xe qua đây  phải đi vận tốc 30 km/giờ. Thế nhưng, các xe quá tải không chấp hành mà chạy với tốc độ chậm hơn để “qua mặt” camera".

Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an Đồng Nai cho rằng không thể bắt và xử lý lỗi tài xế qua trạm với tốc độ chậm dưới 30 km/giờ được. Vì họ lấy lý do khi vào bàn cân, qua dãy phân cách cứng, đường vào bàn cân qua khúc cua, đường gồ ghề, phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.

Trong một báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ, Công ty CP công nghệ tự động Tầm Nhìn (Q.10, TP.HCM - nhà thầu cung cấp thiết bị trạm cân) cho biết hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng xe là hệ thống cân tĩnh. Nhưng cân tĩnh này là hệ thống cân tận dụng lại. Cân tĩnh được thiết kế để cân toàn bộ tải trọng xe có chiều dài 14m, hệ thống cân này không đồng bộ với hệ thống cân động tốc độ cao, nên gây khó khăn trong việc định chuẩn cân động, tăng sai số của hệ thống cân động.

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.