Bức tranh ''Vườn xuân Trung Nam Bắc''

04/12/2011 01:09 GMT+7

Khi Ủy ban nhân dân TP.HCM trích ngân sách một trăm ngàn đô la Mỹ mua tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một cuộc tranh luận nảy lửa đã xảy ra, rằng đó có phải là việc làm lãng phí không. Giờ đây, bức tranh gây tranh cãi năm nào đã trở thành một bảo vật quốc gia.

Khi Ủy ban nhân dân TP.HCM trích ngân sách một trăm ngàn đô la Mỹ mua tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một cuộc tranh luận nảy lửa đã xảy ra, rằng đó có phải là việc làm lãng phí không. Giờ đây, bức tranh gây tranh cãi năm nào đã trở thành một bảo vật quốc gia.

Vào thời điểm năm 1996, sáu trăm triệu đồng tương đương với một trăm ngàn đô la Mỹ là một khoản tiền lớn. Cảm giác lớn lao của số tiền càng được nhân lên gấp bội khi nó chỉ để mua… một bức tranh. Nếu những người am hiểu mỹ thuật mừng vui vì bức tranh được tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì người phản đối cho rằng chi phí trên quá lãng phí.

Cuộc tranh cãi chỉ kết thúc khi Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chính thức thông tin có nhà sưu tập người Bỉ sẵn sàng mua lại tranh với giá 1 triệu đô la - gấp mười lần giá mua ban đầu. Nhiều bảo tàng nước ngoài cũng ngỏ ý đăng ký thuê để triển lãm. Câu chuyện về giá trị vật chất tương đương bức tranh kết thúc ở đó.

Có lẽ, những người chống đối việc mua tranh của ông không biết rằng, Nguyễn Gia Trí sinh thời là một họa sĩ được giới mua tranh ưa chuộng vô cùng. Tranh của ông được những người sành tranh đặt thường xuyên, khiến ông làm không hết việc. Nhiều khách hàng đặt hàng mua tranh Gia Trí ngay từ khi ông mới làm phác thảo. Vợ chồng Công sứ Pháp Cresson thậm chí còn lặn lội vào tận nhà ông ở Thịnh Hào để lấy tranh.

Giai điệu màu dân tộc

Trong bức chân dung nhiều người biết đến của mình, họa sĩ bậc thầy hiện lên với khuôn mặt gầy, đôi mắt buồn u uẩn, đôi bàn tay vắt ngang trán. Suốt cuộc đời lao động nghệ thuật, hội họa với ông là một niềm hoài cổ.

Trong những năm tháng đó, ông cứ mải miết đi tìm, hoàn thiện một chất liệu dân tộc cho mình, một lối vẽ với những hình tượng cổ điển, thanh tao… Và cũng trong những tháng ngày ấy, không phải lúc nào ông cũng được công nhận.

Nguyễn Gia Trí là người có tài, song thuở đi học tại Đại học Mỹ thuật Đông Dương ông rất “trầm”. Nói đúng hơn, cậu học trò ghét lối sống khuôn phép nên đã tách dần khỏi trường quy. Họa sĩ lúc đó thường lặng lẽ thử nghiệm những tác phẩm bằng chất liệu sơn ta. Chính vì thế, họa sĩ Hiệu trưởng Victor Tardieu tuy phục tài nhưng không ưa ông. Thậm chí, có lời đồn rằng, cứ mỗi lần có khách tới thăm trường là ông đứng che tranh của Gia Trí. Sau đó, khi học đến năm thứ hai của khóa 5, ông bỏ học về mở xưởng vẽ riêng. Việc học tập của ông chỉ được nối lại sau đó vào khóa 7 của trường.

Sau này, ông tiết lộ: “Học đến năm thứ hai, tôi không chịu được nhà trường nên bỏ. Sau vì có khoa sơn mài nên học lại. Giờ học vẽ hàn lâm buổi sáng là cực hình. Chỉ mong đến chiều để làm sơn mài”. Rõ ràng, khuynh hướng sơn mài của ông đã thể hiện rất sớm. Không phải ngẫu nhiên, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chọn ông là một trong ba khuôn mặt hội họa nước ta của thế kỷ 20. Bên cạnh sơn mài Nguyễn Gia Trí còn có tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh và sơn dầu Tô Ngọc Vân.

Bản thân họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng dành tặng ông những lời khen đẹp nhất: “Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy, người ta cảm thấy tất cả các băn khoăn, yêu mến, khoái lạc, thứ nhất là khoái lạc - của Gia Trí”.


Bức ''Vườn xuân Trung Nam Bắc'' - Ảnh: Diệp Đức Minh chụp lại

20 năm giữ nguyên một cảm xúc

Nhưng vẻ đẹp ma lực của những người phụ nữ trong tranh danh họa thể hiện rõ nhất trong Vườn xuân Trung Nam Bắc. Nói đúng hơn, vẻ đẹp trong sự hài hòa của họ được thể hiện rõ nhất ở đây.

Có cảm giác, nghệ sĩ hoàn toàn thanh thản khi đặt bút vẽ tác phẩm. Bức tranh kiệm màu, nhưng từ mỗi màu đỏ, đen, vàng, trắng đều có mãnh lực của sự lạ lùng, ảo diệu. Cảnh vật trong tranh nhịp nhàng và thống nhất trong sự uyển chuyển. Những phụ nữ ba miền hát múa vui chơi trong thiên nhiên đẹp cổ điển. Vẫn còn thoáng những ẩn dụ hạnh phúc trong tranh với những cánh bướm, đóa hoa đẹp, cậu bé múa lân. Các thiếu nữ cũng vận những trang phục theo vùng tự cổ xưa. Ngay cả chút canh tân cũng chỉ dừng lại ở áo dài Lệ Xuân. Hình như những kiếm tìm vẻ đẹp hoài cổ vĩnh cửu của ông chưa bao giờ chấm dứt. Những cử động của các cô mềm dịu trên nền những bông hoa cánh bướm như chợt ngưng lại trong nắng óng hắt lên từ những mảng vàng.

Và không hiểu sao, ông có thể giữ được sự thống nhất trong cảm xúc, thẩm mỹ của mình hoàn hảo đến vậy trong suốt quá trình thực hiện bức tranh. Quá trình ấy không chỉ diễn ra quá dài - 20 năm, từ 1969-1989 mà còn vắt qua quá nhiều sự biến của cuộc sống, từ giải phóng đến đổi mới. Liệu có phải tâm hồn ông đã dừng trôi từ rất lâu để ngưng lại với bướm và hoa ngày thống nhất không?

Giờ đây, sau tất cả những thăng trầm, bức tranh vẫn có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chưa từng một lần “xuất ngoại”. Đó cũng là điều hơi đáng tiếc. Tuy nhiên, trong đợt này, đây là tác phẩm hội họa giá vẽ duy nhất được phong bảo vật quốc gia.  

Ngô An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.