Bị bắt chẹt ở tòa nhà Keangnam

05/12/2011 00:56 GMT+7

Bỏ hàng tỉ đồng mua nhà hạng sang nhưng cư dân chung cư Keangnam (Hà Nội) lại liên tục gặp phiền toái liên quan đến phí dịch vụ.

Bỏ hàng tỉ đồng mua nhà hạng sang nhưng cư dân chung cư Keangnam (Hà Nội) lại liên tục gặp phiền toái liên quan đến phí dịch vụ.

>> Người dân tại tòa nhà cao nhất VN phản đối vì bị cắt điện

 

Nhiều người phải mua ngô về ăn để cầm hơi - Ảnh: Thái Sơn

Phải đến 21 giờ tối 3.12, sau khi có sự xuất hiện của hàng chục cảnh sát và lãnh đạo Công an huyện Từ Liêm, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, đơn vị quản lý tòa nhà Keangnam, mới nhượng bộ để người dân sử dụng thang máy. Tình trạng hỗn loạn tại tòa nhà cao nhất VN tạm thời chấm dứt.

Hết đường về nhà

22 văn bản kiến nghị bị phớt lờ

Ông Trần Xuân Trạch - Tổ trưởng tổ dân phố, Phó trưởng ban đại diện cư dân Keangnam - cho biết tòa nhà được đưa vào sử dụng từ tháng 4.2011, đến nay đã có quá nửa số căn hộ có người ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa họp với dân để thành lập ban quản lý. Để đảm bảo quyền lợi, các hộ dân đã thành lập ra ban đại diện lâm thời.

“Chúng tôi cho rằng sống tại một khu cao cấp thì mình phải chấp nhận mức phí cao hơn là đương nhiên, nhưng khoản thu này phải có sự thỏa thuận với người dân chứ không thể áp đặt. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã có 22 văn bản đến chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn không được giải quyết”, ông Trạch bức xúc.

Trước đó, vào trưa cùng ngày, đơn vị quản lý tòa nhà đã đơn phương “cúp” quyền sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Cùng thời điểm này, hàng trăm người dân đã tụ tập dưới sảnh tòa nhà. Tờ rơi được dán lên khắp nơi với các nội dung: "Chúng tôi phải được về nhà"; "Hãy trả lại thang máy cho cư dân"; "Dịch vụ thấp, giá trên trời"...

Thang máy bị cắt khiến rất nhiều hộ dân Keangnam không thể về nhà. Gần chục bà bầu cùng nhiều trẻ em phải vạ vật dưới sân. Chiều muộn, các hộ dân về càng đông, nhưng không lên được nhà dẫn đến cảnh náo loạn tại toàn bộ khu vực. Để gây áp lực đơn vị quản lý tòa nhà, một số người đã mang loa phát thanh hô hào, thậm chí mang than tổ ong ra đốt. Đồng thời, người dân đã gọi công an xã, huyện, cảnh sát tới can thiệp nhưng tình hình vẫn cứ vậy. Trời càng tối, nhiều người phải mua ngô, bánh mì để ăn cho đỡ đói. Một số người đã dùng lều bạt chuẩn bị tình huống xấu nhất: ngủ ngoài trời.

Nguồn cơn sự việc được chị Minh Thảo, đại diện cư dân tòa nhà, cho biết đơn vị quản lý tòa nhà đã đề ra thu mức phí dịch vụ quá cao, trên 17.000 đồng/m2/tháng, trong khi đó quy định của UBND TP.Hà Nội, mức giá trần dịch vụ tại chung cư là 4.000 đồng/m2/tháng. Với căn hộ trên 107m2 mà chị đang sử dụng, mỗi tháng phải đóng hơn 2,2 triệu đồng. Mức phí này được hiểu chỉ bao gồm dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, lễ tân trong tòa nhà. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai tuần lễ, một cư dân Keangnam đã bị côn đồ hành hung dã man ngay trong tòa nhà mà không nhận được bất cứ sự can thiệp nào từ bảo vệ.

“Ban đại diện lâm thời do cư dân cử ra đã nhiều lần yêu cầu Keangnam và đơn vị quản lý do Keangnam thuê là Công ty Chesnut Vina làm rõ về mức phí này nhưng họ từ chối giải thích. Trong khi chờ đợi để hai bên thống nhất mức giá mới, chúng tôi đề nghị họ tạm thu phí dịch vụ 3 tháng tiếp theo theo mức giá trần thành phố quy định nhưng họ không chịu”, chị Thảo nói.

Người dân phải được “tự trị”

Tình trạng bức xúc về chất lượng, phí dịch vụ của người dân tại Keangnam không phải là cá biệt.

Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn Hà Nội đã xảy ra hàng loạt vụ việc tương tự như vụ hàng trăm người dân tụ tập trước tòa nhà Sky City (Q.Ba Đình) vào hồi đầu tháng 4, tiếp đó là vụ việc tại tòa nhà CT3 Constrexim vào hồi tháng 10, cùng hàng loạt vụ tranh chấp khác tại The Manor, 93 Lò Đúc, Golden Westlake...

Đề cập tới tình trạng trên, ông Phạm Sĩ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng - cho biết Bộ Xây dựng đã ra quy định về quản lý chung cư, theo đó, khi có quá nửa số căn hộ được sử dụng thì chủ đầu tư phải triệu tập cuộc họp với dân bầu ra ban quản lý chung cư. Ban quản lý này sẽ soạn thảo quy chế hoặc điều lệ quản lý tòa nhà. “Trong quy chế này sẽ thể hiện rõ về mức phí, trách nhiệm người dân, họ có thể tự làm vệ sinh hoặc thuê riêng một công ty dịch vụ, quản lý hết bao nhiều tiền thì chia theo mét vuông ra mà trả”, ông Liêm nói.

“Theo tinh thần các quy định quản lý nhà nước, mức phí phải do người dân sinh sống trong tòa nhà quy định. Khi họ lập ra ban quản lý thì họ phải được tự trị, quyền này đã được luật pháp bảo vệ, còn chủ đầu tư đã bán nhà xong họ không có quyền gì để áp đặt với cư dân. Nếu họ còn phần sử dụng chung làm dịch vụ thì họ cũng phải đóng góp như người dân ở đây”, ông Liêm phân tích.

Theo ông Liêm, để xảy ra những vụ việc như tại Keangnam có trách nhiệm của cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Xây dựng, UBND huyện, xã. “Hễ cứ xây một chung cư nào lên thì chính quyền phải đến kiểm tra, ở đủ quá nửa số căn hộ thì phải thúc bách họ thành lập ban quản lý dân cư, phải có điều lệ, nếu không có mẫu thì lấy của một nơi khác mà tham khảo. Chính quyền phải có vai trò trách nhiệm với dân chứ không thể đứng ngoài cuộc để chủ đầu tư tự tung tự tác”, ông Liêm nói.

Đối tác độc quyền

Câu chuyện xảy ra ở Keangnam chỉ là “chuyện cũ” từng xảy ra tại các tòa nhà chung cư lâu nay. Diễn biến chung của những mâu thuẫn này đều bắt nguồn từ việc các cư dân luôn ở trong tình trạng bị động trước chủ đầu tư. Các cư dân thường là buộc phải chấp nhận thực tế chủ đầu tư là người duy nhất cung ứng các dịch vụ, tiện ích trong toàn bộ tòa nhà mà không thể thay thế được. Đây có thể coi là sự độc quyền trong quản lý và cung cấp dịch vụ. Khi đó, biện pháp cuối cùng của cư dân chung cư là cố làm thế nào đấu tranh với đối tác độc quyền này để có được mức phí dịch vụ không bị quá cao đến mức ngất ngưởng mà các chủ đầu tư áp đặt.

Nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là, khi xảy ra tranh chấp và mâu thuẫn, thông thường các chủ hộ tại chung cư phải tự đàm phán, đấu tranh với chủ đầu tư chứ khó có thể cầu viện đến các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý gần như buông hoàn toàn vấn đề này, phó mặc cho “quan hệ dân sự” giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư.

Hậu quả là, bất chấp quy định của UBND TP.Hà Nội về phí dịch vụ nhà chung cư tối đa 4.000 đồng/m2, đơn vị quản lý tòa nhà Keangnam, tòa nhà cao nhất VN vẫn thu phí đến hơn 17.000 đồng/m2. Một cán bộ lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khi được hỏi thì nói rằng mức phí Hà Nội ban hành chỉ mang tính tham khảo, mức thu cụ thể là do thỏa thuận của chủ đầu tư và người dân. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thứ nhất, đứng dưới góc độ quản lý, nếu chính quyền ban hành một quy định mà biết rõ mười mươi nó sẽ không được áp dụng trong thực thế thì liệu có nên ban hành? Điều này sẽ chỉ làm cho công cụ quản lý trở thành trò đùa. Thứ hai, các chung cư là một quần thể dân cư đang và sẽ tồn tại, phát triển trong tương lai. Chính vì thế, cần có cơ chế quản lý chứ không thể buông lỏng mãi được. Chung cư cũng như các cụm dân cư, phố phường... cũng cần có những quy định về phí đổ rác, trông giữ xe, phí quản lý. Việc ban hành các loại phí này cũng phải tuân thủ quy trình về ban hành giống các loại phí khác và khi ban hành thì nó phải có hiệu lực.

Đúng là chính quyền thì không nên can thiệp vào những việc dân sự có thể thỏa thuận nhưng không thể để dân “tự bơi” trong trường hợp này, khi nhìn thấy rõ, nó có thể là nguyên nhân của những mâu thuẫn xã hội phức tạp, có nguy cơ lan rộng.

An Nguyên

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.