Nhện đỏ gây hại cho hoa hồng

01/12/2011 00:36 GMT+7

Đọc báo Thanh Niên ngày 28.11, tôi được biết loài nhện đỏ đang xuất hiện nhiều và gây nguy hại cho những vườn hoa hồng tại Đà Lạt. Xin tòa soạn cho biết nhện đỏ có hình thù như thế nào, môi trường sinh trưởng ở đâu và có cách nào tiêu diệt? (Ngô Công Trung - TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Đọc báo Thanh Niên ngày 28.11, tôi được biết loài nhện đỏ đang xuất hiện nhiều và gây nguy hại cho những vườn hoa hồng tại Đà Lạt. Xin tòa soạn cho biết nhện đỏ có hình thù như thế nào, môi trường sinh trưởng ở đâu và có cách nào tiêu diệt? (Ngô Công Trung - TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Sở dĩ gọi nhện đỏ vì loài vật này có màu đỏ hồng hay đỏ nhạt, con cái thân hình gần tròn, mỗi lần đẻ khoảng 90 trứng, còn con đực thân thuôn hơn, có 8 chân, thân dài từ 0,3 đến 0,5 mm. Nhện non lột xác 3 lần thì thành nhện trưởng thành. Vào các tháng hè nhiệt độ cao, một thế hệ nhện đỏ có thể hình thành từ 9-12 ngày; các tháng mùa đông lạnh nên thời gian lâu hơn, khoảng 28 - 30 ngày. Nhện đỏ thường gây hại trên cây chè, hoa hồng, mít, ngô, long não... Nhện đỏ thường dùng vòi dạng kim châm hút dịch làm cây sinh trưởng kém, lá bị tổn thương biến màu nhanh, mép lá non cong lên, lá rụng dần, năng suất giảm nghiêm trọng.

Để phòng ngừa nhện đỏ, trước hết nên chọn trồng các loại cây khỏe mạnh, thực hiện ủ gốc để tăng độ ẩm, bón phân cân đối, đầy đủ để đáp ứng dinh dưỡng cho cây phát triển mạnh. Thường xuyên tưới nước dạng phun mưa, vệ sinh đồng ruộng và diệt cỏ. Loại bỏ các cây dại và trồng xa các cây là ký chủ của nhện như cây cao su, bông, cây có múi, cà chua, khoai tây, đay... Lúc tưới cây, dùng vòi nước có áp lực mạnh để đẩy nhện văng ra khỏi lá. Sử dụng các loại thiên địch của nhện đỏ như nhện Phytoseiulus, Amblyseius, Typhlodromus, Mexecheles, loài bọ rùa đen nhỏ, bọ cánh ngắn đen nhỏ, nhện chăng lưới nhỏ, ấu trùng loài cánh gân.

Công Sơn
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.