Đua xe trái phép là tội ác

02/12/2011 00:12 GMT+7

Bài viết Đua xe không khác gì giết người đăng trên Thanh Niên ngày 1.12 đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ bạn đọc.

Bài viết Đua xe không khác gì giết người đăng trên Thanh Niên ngày 1.12 đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ bạn đọc.

Cần quyết liệt hơn

Lẽ ra, với tệ nạn đua xe trái phép, chúng ta phải có biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ từ lâu. Luật cần phải có quy định rõ ràng và chặt chẽ về loại tội này. Đã đến lúc các nhà làm luật cần đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc nhất dành cho hành vi đua xe trái phép và áp dụng vào thực tế càng sớm càng tốt.

Ngọc Thu (Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Trấn áp được tội phạm thì cách nào cũng ủng hộ

Việc ngăn chặn xe đua trái phép bằng cách này hay cách khác, miễn là truy bắt và xử lý được các thành phần đua xe đến nơi đến chốn là người dân ủng hộ. Đã đua xe trái phép phải được coi là tội phạm. Vì thế, cơ quan chức năng làm gì, làm bằng cách nào miễn truy bắt được tội phạm là dân vui, an lòng.

Tạ Văn Tám (TP.Tân An, Long An)

Nên học tập kinh nghiệm nước ngoài

Ở nước ngoài, lái xe trong trạng thái say rượu thôi là đã đi tù. Tội này được ghép vào nhóm tội đưa người khác vào trạng thái nguy hiểm nên bị xử lý nặng. Còn với tội đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, luật của họ còn xử nặng hơn. Việt Nam nên học hỏi việc này trong xử lý bọn đua xe trái phép.

Trang Trần (trangtran-calisale@gmail.com)

Phải xử tù

Đồng tình với ý kiến “Đua xe không khác gì giết người” của đại tá Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ông Nguyễn Đức Tiến - giáo viên dạy luật giao thông tại một số trường cao đẳng TP.HCM cho rằng nên xem đua xe trái phép là hành vi đe dọa tính mạng người khác, phải bị pháp luật trừng trị.

Theo ông Tiến, nạn đua xe trái phép diễn ra thường xuyên ở Việt Nam là do luật chưa đủ sức răn đe. Ở nhiều nước họ dạy cho người lái xe 5 chữ phải: Quý trọng sinh mạng của mình và người khác; Có tấm lòng nhân ái (biết nhường nhịn...); Có 3 trách nhiệm (dân sự, hành chính và hình sự); Có ý thức nhường lối cho nhau; Tập trung điều khiển giao thông để tránh gây tai nạn cho mình và người khác. Việc xảy ra tai nạn không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các tay đua trái phép mà còn liên lụy đến những người đi đường. Tại sao ở Việt Nam, nạn đua xe trái phép thường xuyên diễn ra? Đó là vì pháp luật chưa đến được với người dân. Ở một số nước, đua xe trái phép bị liệt vào tội đe dọa tính mạng người khác, còn tội tông thẳng vào CSGT bị xem là có hành vi cố ý giết người. Những tội này có mức hình phạt nặng nên các nước rất ít xảy ra tình trạng này. Các giải pháp ông Tiến đưa ra là phải xử lý hình sự bằng hình thức tịch thu phương tiện, phạt tù. Người chủ xe phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Đối với người đua xe trái phép thì phải rút giấy phép lái xe, xử tù...

Ở một số nước, bên cạnh việc phạt tù người đua xe trái phép, người ta còn áp dụng hình thức lao động công ích.

Thiên Long (ghi)

Ông Nguyễn Thanh Hải (đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM): 

 

Tịch thu xe, sau đó đưa người vi phạm về địa phương giáo dục, làm cam kết không tái phạm. Nếu tái phạm thì xử lý hình sự.

Nguyễn Thị Phúc (chủ quán cà phê trên hẻm C3, Chánh Hưng, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM): 

 

Bọn đua xe trái phép khi ngồi trên xe là bất chấp tất cả, đường trong hẻm cũng chạy bạt mạng. Ai lỡ bị bọn chúng đụng phải chỉ có chết.

Trần Minh Đức (Washington, Mỹ):

 

Ở Mỹ, lái xe mà say rượu là đã bị xử tù. Còn ở ta, đua xe trái phép, cố ý giết người lại xử lý quá nhẹ. Nên bỏ tù những kẻ này.

Thanh Đông (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.