94% sinh viên ra trường phải đào tạo tiếp

01/12/2011 02:22 GMT+7

Đó là ý kiến của các doanh nghiệp khi tham gia hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 30.11. Tham dự còn có đại diện của nhiều trường ĐH.

Đó là ý kiến của các doanh nghiệp khi tham gia hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 30.11. Tham dự còn có đại diện của nhiều trường ĐH.

Học giỏi nhưng làm không được

Ông Phan Thanh Bình - Giám đốc chiến lược Nhân Việt Management Group (tư vấn đào tạo nguồn nhân lực) - đã mở đầu hội thảo bằng những con số rất đáng lo ngại: “Theo số liệu chúng tôi khảo sát từ 500 doanh nghiệp tại TP.HCM vào tháng 12.2010, có đến 94% trường hợp nhân viên mới (SV mới ra trường đi làm - PV) cần được đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Trong đó, các nội dung cần đào tạo lại có 92% về nghiệp vụ chuyên môn, 61% về kỹ năng mềm cơ bản, 53% về kỹ năng quản lý và lãnh đạo”.

''Ngay cả với những cử nhân tiếng Anh khi làm bài kiểm tra TOEIC tại công ty cũng chỉ đạt không quá 300 điểm'' - Bà Nguyễn Thị Lê Lan, Công ty Indochina

Ông Bình phân tích: “Tùy vào từng trường, từng nhóm ngành nghề cụ thể mà SV ra trường đi làm cần phải đào tạo lại nhiều hay ít. Điều đáng nói ở số liệu này, không chỉ kỹ năng mềm, mà SV phải được đào tạo thêm nhiều nhất về nghiệp vụ chuyên môn. Thực tế là có không ít SV tốt nghiệp loại giỏi nhưng không nắm được các kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cơ bản để bắt tay ngay vào công việc”.

 Bà Nguyễn Thị Lê Lan - Công ty TNHH thương mại và du lịch Indochina - than phiền: “Ngoại ngữ và tin học từ lâu là những yêu cầu tối thiểu của ứng viên trong tuyển dụng, nhưng nhiều cử nhân hiện vẫn không đáp ứng được. Ngay cả với những cử nhân tiếng Anh khi làm bài kiểm tra TOEIC tại công ty cũng chỉ đạt không quá 300 điểm. Tương tự về kỹ năng tin học, dù ứng viên có chứng chỉ B nhưng khi làm bài kiểm tra đầu vào của công ty cũng không đạt quá 5/10 điểm. Độ vênh giữa bằng cấp và năng lực thực sự của SV còn khá xa”.

Cũng theo số liệu khảo sát mới nhất của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM về ý kiến doanh nghiệp trong quá trình sử dụng SV của trường cho thấy, 100% doanh nghiệp phải đào tạo thêm kiến thức cho SV. Trong đó, kiến thức cần đào tạo lại có tới 51,52% về kỹ năng mềm và 42,42% về nghiệp vụ chuyên môn.


SV tìm kiếm cơ hội tại một ngày hội việc làm diễn ra ở TP.HCM - Ảnh: H.A

Cần chú trọng dạy các kỹ năng

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng: “Một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc SV phải đào tạo thêm nhiều thứ khi đi làm là do chúng ta đang đào tạo theo lối kiến thức quá hàn lâm. Dạy SV kiến thức hàn lâm là tốt nhưng chưa đủ, mà còn phải dạy cách vận dụng sự hàn lâm đó vào công việc thực tiễn”.

 Bà Nguyễn Thị Liên - Công ty CP quốc tế Phong Phú - đưa ý kiến: “Khi đi làm, doanh nghiệp chỉ có thể là nơi đào tạo bổ sung cho SV các kỹ năng chuyên môn chứ không thể dạy về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm. SV cần phải tích lũy, rèn luyện các kỹ năng đó ngay từ những ngày đầu tiên trên ghế nhà trường”.

Nhận định về chương trình đào tạo trong trường học, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác SV ĐH Quốc gia TP.HCM - nói: “Việc SV tích lũy kỹ năng mềm trong trường học hiện nay chủ yếu qua các chương trình ngoại khóa và hoạt động tình nguyện. Nếu có đưa vào giảng dạy chính thức thì thời lượng quá ít, thiếu thực hành nên SV không thể tiếp thu hết được. Trong chuẩn đầu ra, các trường đều đặt tiêu chuẩn về kỹ năng mềm rất cao, trong khi SV phải tự mình tích lũy các kỹ năng này. Do vậy, các trường cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình”.


Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực VN - (theo số liệu của Nhân Việt Management Group

Thạc sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Công tác SV, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - kiến nghị: “Để SV phát triển toàn diện và đồng đều đáp ứng yêu cầu công việc, trường học cần phải đưa kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa để giảng dạy thật bài bản”.

10 ngành được đăng ký theo học nhiều nhất

Năm 2011, trong số 280 ngành đào tạo trên cả nước có 10 ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất (theo tỷ lệ số người đăng ký dự thi so với cả nước) gồm: quản trị kinh doanh (9,45%); tài chính ngân hàng (7,91%); kế toán (7,32%); công nghệ thông tin (2,8%); y đa khoa (2,78%); SP giáo dục tiểu học (2,05%); điều dưỡng (1,98%); kinh tế (1,95%); công nghệ sinh học (1,87%); luật (1,79%).

Các lĩnh vực ngành nghề phải đào tạo lại

Theo số liệu khảo sát từ 500 doanh nghiệp của Nhân Việt Management Group, các lĩnh vực ngành nghề phải đào tạo lại gồm: công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ.

Ý kiến:

“Với góc độ nhà đào tạo, tôi không đồng ý với cách gọi “đào tạo lại” mà phải gọi là “đào tạo bổ sung, bởi lẽ doanh nghiệp không thể đủ khả năng để đào tạo lại toàn bộ kiến thức cho SV”.

Ông Trương Minh Kiệt
(Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

“Thực tế thì hiện nay các trường đều bị gánh nặng từ chương trình chính, chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà chưa trang bị kỹ năng mềm cho SV. Tuy nhiên, theo tôi việc đào tạo lại SV mới ra trường đi làm cũng là điều tất yếu. Bởi lẽ, mục tiêu đào tạo ĐH là để SV có được kiến thức cơ bản, tổng quát nhất khi tiếp cận thực tiễn. Do vậy, giữa chương trình học và yêu cầu doanh nghiệp luôn có độ vênh, không thể đòi hỏi khớp 100%. Việc yêu cầu SV khi ra trường mà thích ứng ngay với thực tiễn của doanh nghiệp là điều bất khả thi”.

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh
(Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

“94% SV mới ra trường đi làm phải đào tạo lại là con số quá cao. Nếu đó là con số đúng thì đáng phải báo động về thực trạng đào tạo của các trường”. 

Tiến sĩ Nguyễn Phi Khứ
(Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.